Thêm một mùa giỗ Tổ sân khấu nhiều ý nghĩa

14/09/2024 - 07:55

PNO - Ngày giỗ Tổ truyền thống ngành sân khấu và ngày Sân khấu Việt Nam năm nay (12/8 âm lịch, tức 14/9) đang đến. Giới sân khấu các nơi bắt đầu chuẩn bị cho dịp “tết” của người làm nghề.

Cảm xúc đặc biệt

Với “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn của nhà hát kịch IDECAF, đây là mùa giỗ Tổ đặc biệt khi nhìn lại thành quả hơn 1 năm “vượt chông gai”. Sau khi chia tay một loạt nghệ sĩ gắn bó lâu năm, sân khấu IDECAF cải tổ toàn diện, trở thành nhà hát kịch IDECAF và phải nỗ lực rất nhiều cho chặng đường tiếp theo. Đầu tiên là quy tụ lực lượng với sự trở về của những tên tuổi từng gắn bó với đơn vị, chào đón nhiều bạn trẻ gia nhập. Trong thời gian ngắn, nhà hát đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ: tái dựng loạt kịch bản được khán giả yêu thích (Vàng ơi là vàng; Má ơi, út dìa!; Tía ơi, má dìa!; 12 bà mụ...); ra mắt vở mới Bích Hoa, cô là ai? và Tấm Cám đại chiến; khởi động chương trình Sân khấu sử Việt học đường; củng cố “thương hiệu” Ngày xửa ngày xưa… Tất cả đều đạt thành tích khả quan, khẳng định lại sức hút của một thương hiệu sân khấu gần 30 năm tuổi.

Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long ráo riết tập luyện để tái hiện cảnh cầu người trong vở Thập tứ nữ anh hào - Nguồn ảnh: Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long
Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long ráo riết tập luyện để tái hiện cảnh cầu người trong vở Thập tứ nữ anh hào - Nguồn ảnh: Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long

Là “em út” của sân khấu xã hội hóa TPHCM, sân khấu Ban Mai sẽ có mùa giỗ Tổ đầu tiên. Đạo diễn Bảo Chu - Giám đốc sân khấu Ban Mai - cho biết, mỗi năm anh vẫn cúng giỗ tại nhà, có nhiều bạn bè ghé chung vui. Giỗ Tổ năm nay có thêm điểm tụ họp anh em thật khang trang tại sân khấu Ban Mai. “Sau 8 tháng, chúng tôi đã giới thiệu được với các em nhỏ 3 vở diễn là Rago - hành trình đầu tiên vào dịp tết, Colora xứ sở rực rỡ vào mùa hè và Trăng ơi, trăng à cho mùa Trung thu. Sau thời gian kiên trì, các em nhỏ và phụ huynh đã nhận diện được Ban Mai và cân nhắc lựa chọn chúng tôi giữa các thương hiệu sân khấu thiếu nhi khác” - Bảo Chu cho biết.

Đây là năm đầu tiên nghệ sĩ trẻ Hùng Vương ăn giỗ Tổ sân khấu tại TPHCM sau khi quyết định rời quê nhà Bến Tre lên TPHCM hoạt động. Anh cũng là một trong những nghệ sĩ hoạt động năng nổ nhất hiện nay khi vừa rời chương trình Học viện Cải lương với danh hiệu quán quân là đã đến ngay cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2024, cùng các cộng sự ra mắt sân khấu mới Thiên Long. Chỉ có sức trẻ và niềm đam mê sân khấu, Hùng Vương và những người bạn không lường trước được hành trình khởi đầu lại gian nan đến thế. Mạo hiểm chọn một tuồng sử Việt với một ê kíp rất trẻ để ra mắt, không ngờ cận ngày công diễn thì anh kép chánh lại “kẹt lịch” đột xuất. Hùng Vương phải cấp tốc thế vai, kéo theo những xáo trộn nhân sự khác trong vở.

“Có những lúc muốn gục ngã, tưởng như không thể vượt qua được thì tình thương yêu, sự động viên của các anh chị lớn, của đồng nghiệp đã giúp chúng tôi vực dậy, nỗ lực hết sức mình làm tốt nhất có thể. Nói thật, với những gì đã trải qua để ra mắt sân khấu Thiên Long thì tôi tin là không còn chông gai nào mà mình không thể vượt qua được nữa” - Hùng Vương chia sẻ.

Điểm tựa thiêng liêng

Với nghệ sĩ trẻ Hoàng Hải, giỗ Tổ năm nay đặc biệt hơn khi suất diễn Xử bá đao Từ Hải Thọ mừng giỗ Tổ của sân khấu Chí Linh - Vân Hà đúng ngay sinh nhật của anh - 13/9. “Được hát cúng lên Tổ trong một vở diễn rất nổi tiếng, lại ngay sinh nhật mình thực sự là điều rất may mắn. Mấy khi trùng hợp như vậy. Với tôi hay bất cứ ai trong nghề, Tổ nghiệp là điểm tựa tâm linh mà mình tuyệt đối tin tưởng. Gặp trục trặc gì, thành tâm hướng về Tổ nghiệp là lại thấy nguồn năng lượng tích cực thôi thúc mình không bỏ cuộc, tìm mọi cách vượt qua” - Hoàng Hải chia sẻ.

Các nghệ sĩ trong ngày giỗ Tổ năm 2022, đây là lần đầu tiên TPHCM tổ chức giỗ Tổ truyền thống ngành sân khấu
Các nghệ sĩ trong ngày giỗ Tổ năm 2022, đây là lần đầu tiên TPHCM tổ chức giỗ Tổ truyền thống ngành sân khấu

Nghệ sĩ ưu tú Võ Minh Lâm khá bận rộn trong dịp giỗ Tổ năm nay. Ngoài 2 vai diễn cúng Tổ là Từ Hải Thọ (Xử bá đao Từ Hải Thọ) và Dương Tôn Bảo (Mộc Quế Anh dâng cây) của sân khấu Chí Linh - Vân Hà và nhóm Đồng Ấu Bạch Long, anh còn tham gia biểu diễn chương trình mừng giỗ Tổ của đoàn cải lương Long An. Võ Minh Lâm quan niệm, Tổ nghiệp ở trong tâm. “Tổ nghiệp luôn dõi theo từ cái tâm, cái tính, cái tình, cho nên phải sống và làm nghề như thế nào cho xứng đáng. Đó là một đức tin để mình hướng đến chân - thiện - mỹ và hoàn thiện mỗi ngày. Theo tôi, nếu mình toàn tâm toàn ý, tâm huyết cho nghề thì cũng chưa cần Tổ chứng đâu mà chính mình đã tiến bộ từng ngày rồi” - Võ Minh Lâm bày tỏ.

Theo đạo diễn Hồng Dung - nguyên Trưởng ban Ái hữu nghệ sĩ TPHCM (Hội Sân khấu TPHCM) - niềm tin vào Tổ nghề rất thiêng liêng, giúp nghệ sĩ tự rèn mình, làm nhiều việc có ý nghĩa như làm nghề giỏi, tu dưỡng đức độ, giúp nhau trong nghề. Đây có thể được xem như một đạo của nghề nghiệp. Người ta tin rằng, chỉ khi tôn trọng nghề, giữ được đạo đức của nghề mới được Tổ phù hộ. Những người đi trước đã có công gầy dựng, những người đi sau phải biết yêu nghề, trọng nghề, gìn giữ lấy nghề. Vì thế, ngày giỗ Tổ sân khấu là một nét đẹp văn hóa của giới sân khấu Nam Bộ nói riêng và sân khấu Việt Nam nói chung.

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI