Thêm một đứa trẻ tự tử vì YouTube

27/11/2020 - 06:00

PNO - Liên tiếp xảy ra các trường hợp trẻ em gặp tai nạn nguy hiểm, thậm chí mất mạng sau khi học, xem các trò chơi, video clip trên mạng. Gần nhất là vụ việc cậu bé ở Trảng Bom, Đồng Nai treo cổ trong nhà vệ sinh.

Ngày 25/11, cơ quan công an đã thông tin về vụ việc một bé trai tên L. (8 tuổi) tại ấp Trà Cổ, xã Bình Minh, Trảng Bom, Đồng Nai tử vong. Nguyên nhân ban đầu được xác định do bé làm theo trò thử thách trên YouTube

Cụ thể, tối ngày 21/11/2020, bé L. ngồi xem tivi tại phòng khách cùng mẹ, anh trai và em trai của mình, sau đó cháu L. vào nhà vệ sinh để đi tắm. Ba mươi phút sau, không thấy L. ra khỏi nhà vệ sinh, cả nhà gọi nhưng không thấy L. trả lời. Linh tính chuyện không lành, mẹ L. nhờ người phá cửa nhà vệ sinh thi thể L. treo lơ lửng ở sát tường.

Hiện trường vụ tự tử ở Trảng Bom. Hình ảnh do Công an Đồng Nai cụng cấp
Hiện trường vụ tự tử ở Trảng Bom. Hình ảnh do Công an Đồng Nai cụng cấp

Lúc đó, cổ L. quấn áo thun màu xanh dương đang mặc trên người, cổ áo móc trên móc treo quần áo trong nhà vệ sinh. Gia đình đưa em đi cấp cứu nhưng L. đã tử vong trước đó. Theo gia đình, thường ngày L. rất hiếu động, khi chơi đùa em thích móc áo, quần đang mặc trên người vào cành cây để treo lủng lẳng.

Cách đây vài ngày, một bé trai 10 tuổi (TP.HCM) được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM trong tình trạng vẹo cổ, đầu nghiêng sang một bên sau khi bắt chước một trò chơi nguy hiểm trên mạng xã hội.

Bố mẹ cho biết bé rất thích xem TikTok, sau khi xem một clip nhào lộn trên đó, bé hiếu kỳ thực hiện theo. Trong lúc thực hiện tại nhà thì gặp sự cố ngã nhào, nghe thấy tiếng con la hét, bố mẹ bé chạy vào thì mới phát hiện bé đã ngã vẹo cổ, chấn thương cột sống cổ.

Một bé trai ở TP.HCM
Một bé trai ở TP.HCM bị chấn thương cổ do bắt chước clip nhào lộn trên mạng. Ảnh từ Internet

May mắn là bé chỉ bị tổn thương nhẹ chứ không gãy cổ nên được đeo nẹp cố định cột sống cổ và chụp hình kiểm tra. Trước đó không lâu, một bé gái 5 tuổi tại TP.HCM đã mất mạng sau khi xem và làm theo video hướng dẫn trò “thắt cổ nhưng vẫn thở được” trên YouTube .

Liên tiếp xảy ra nhiều trường hợp trẻ em gặp tai nạn nguy hiểm, thậm chí mất mạng sau khi học, xem các trò chơi, video clip trên YouTube khiến nhiều người giật mình lo lắng. Đây là tiếng chuông cảnh báo thức tỉnh đến các bậc phụ huynh khi cho con trẻ xem YouTube không có sự kiểm soát chặt chẽ và nghiêm khắc của người lớn.

Không thể phủ nhận trên mạng có rất nhiều ứng dụng có lợi, nhưng không ít ứng dụng tiêu cực và một số ứng dụng không phù hợp với trẻ em. Có nhiều người làm YouTube vì lợi nhuận thu được mà đăng tải nội dung độc hại trong khi đó trẻ con thường có tính tò mò bắt chước làm theo mà trong tư duy không thể hình dung được điều đó nên hay không nên, tốt hay không tốt đối với bản thân. Hệ lụy dẫn đến làm trẻ con học những cái sai cái xấu dẫn đến hành vi thương tâm.

Dùng YouTube để trông con đang được
Nhờ YouTube "trông con" là cách được nhiều cha mẹ sử dụng - Ảnh minh họa

Việc cho con xem các video clip trên mạng xã hội đã trở nên quen thuộc trong nhiều gia đình. Chỉ cần giao cho con điện thoại, tivi, bật kênh YouTube cho trẻ xem là phụ huynh yên tâm làm việc. Thậm chí nhiều cha mẹ xem YouTube là “người giữ trẻ” đa tài khi vừa dụ trẻ con ăn, làm cho chúng ngồi yên xem chăm chú, không còn nghịch phá. Rất dễ bắt gặp cảnh, nhiều đứa trẻ quấy khóc khi ở chỗ đông người, ba mẹ chỉ cần đưa điện thoại bật kênh YouTube lên là lập tức nín khóc và xem chăm chú, cười vui vẻ.

Rất ít cha mẹ để ý con mình đang xem cái gì ở đó, vẫn nghĩ đơn giản "con chỉ xem hoạt hình thôi mà". Trong khi đó, các clip đăng tải trên YouTube có nội dung rất phức tạp, lồng ghép vào trong các đoạn phim hoạt hình có thể là một thử thách mà con trẻ có thể làm hại bản thân như hướng dẫn tự tử.

Nếu không cấm được con xem YouTube thì ba mẹ nên xem cùng để chọn lọc nội dung phù hợp. Ảnh minh họa
Nếu không cấm được con xem YouTube, cha mẹ nên xem cùng để chọn lọc nội dung phù hợp và chỉnh nắn kịp thời. Ảnh minh họa

Những cảnh kinh dị này đôi khi chỉ xuất hiện thoáng qua trong video, nhưng lại gây tò mò với trẻ. Cách duy nhất để kiểm soát vấn đề này phụ huynh cần xem YouTube cùng con nếu không thể cấm chúng. Khi xem cùng con, phụ huynh dễ dàng trao đổi, chuyện trò xung quanh nội dung trẻ theo dõi. Xem cùng con, cha mẹ tự tay chọn những kênh giải trí phù hợp và giới hạn thời gian xem. Khi trẻ tiếp nhận thông tin sai lệch hoặc tiệu cực, cha mẹ sẽ biết để giải thích, chỉnh nắn con kịp thời.

Tuy nhiên, cách tốt nhất vẫn là cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi bên ngoài để giảm lệ thuộc vào thiết bị công nghệ, đừng chủ quan lơ là, phó mặc con cho điện thoại, tivi. Để bảo vệ con trước những nội dung độc hại trên mạng, trước hết ba mẹ không còn cách nào khác, phải là “tấm lá chắn” bảo vệ con vững vàng.

Ngọc Hải

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI