Thêm một cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt bị thu hồi: “Rác” từ điển – do đâu?

23/07/2020 - 15:15

PNO - Từ điển chính tả tiếng Việt do GS.TS Nguyễn Văn Khang biên soạn vừa bị dừng phát hành vì có nhiều lỗi sai.

Chỉ trong một thời gian ngắn, thể loại sách từ điển liên tục “dậy sóng” làng xuất bản với những trường hợp: vi phạm bản quyền, sai kiến thức/chính tả, bị thu hồi, dừng phát hành. Đó là các cuốn: Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (nhóm tác giả Đặng Thúy Hằng, Dương Thị Dung, Nguyễn Thảo Nguyên), Từ điển chính tả tiếng Việt do PGS.TS Hà Quang Năng – Thạc sĩ Hà Thị Quế Hương biên soạn. Mới đây nhất là cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt của GS.TS Nguyễn Văn Khang bị dừng phát hành vì sai nhiều lỗi nghiêm trọng. Cả ba cuốn sách trên đều do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội cấp phép.

Trao đổi với báo chí, bà Phạm Thị Trâm – Giám đốc Nhà xuất bản ĐHQG Hà Nội cho biết trước mắt nhà xuất bản sẽ “dừng cấp phép cho tất cả các loại sách liên quan đến biên soạn từ điển, xem xét lại các ấn phẩm thực tế”. Một động thái rất cần thiết ở thời điểm này – dù lẽ ra, nhà xuất bản phải có hướng rà soát quyết liệt hơn ngay từ khi cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam bị lên án “đạo văn”, phải thu hồi từ tháng 2/2020.

Cuốn từ điển của GS.TS Nguyễn Văn Khang bị dừng phát hành Cuốn từ điển của GS.TS Nguyễn Văn Khang bị dừng phát hành
Cuốn từ điển của GS.TS Nguyễn Văn Khang  vừa bị dừng phát hành

Phải nói ngay rằng từ công tác biên tập, kiểm duyệt từ phía đơn vị cấp phép đến hậu kiểm đều có phần trách nhiệm. Dừng phát hành/thu hồi và xin lỗi bạn đọc là điều tất yếu, nhưng vấn đề cần làm là giải quyết từ gốc. Không thể cứ cấp phép, phê duyệt, in ấn rồi lại thu hồi.

Ở đây, câu hỏi đặt ra là: ai được quyền biên soạn từ điển? Nhìn vào thị trường sách, có thể thấy sách thuộc thể loại từ điển được phát hành với rất nhiều tên tuổi biên soạn, khó tránh vàng thau lẫn lộn. Trong khi, từ điển thuộc chuẩn mực ngôn ngữ, cần độ chính xác cao cả về chính tả lẫn diễn giải ngữ nghĩa từ vựng. Chỉ cần sai lỗi chính tả, nghĩa của từ đã hoàn toàn sai lệch. Đó là chưa kể trường hợp từ vựng được diễn giải hoàn toàn sai kiến thức. Đối với cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt của GS.TS Nguyễn Văn Khang, bạn đọc bình thường cũng có thể nhận ra những lỗi sai rất cơ bản, từ diễn giải sai nghĩa của từ đến dẫn sai ca dao tục ngữ. Vậy mà biên tập viên lẫn Tổng biên tập nhà xuất bản không nhận ra?!

Nhà phê bình Hoàng Tuấn Công đúc kết các vấn đề của cuốn từ điển này: Sai chính tả do không nắm được nghĩa yếu tố cấu tạo từ, do thiếu tra cứu cẩn thận, lẫn lộn ch/tr, s/x, d/r, l/n, dấu hỏi/dấu ngã… Ví dụ, trong từ điển, GS.TS Nguyễn Văn Khang ghi: xuôi chiều mát mái, nhường cơm xẻ áo, trèo đèo lặn suối…(trong khi phải là: xuôi chèo mát mái, nhường cơm sẻ áo, trèo đèo lội suối…). Hoặc “lợn nòi, ống ròm, rứt tình, sỉa sói...” (đúng phải là: lợn lòi, ống nhòm, dứt tình, xỉa xói...). Bản đối chứng được nhà phê bình Hoàng Tuấn Công dựa theo Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học - Hoàng Phê chủ biên).

 

Những lỗi sai cơ bản trong Từ điển chính tả tiếng Việt của GS.TS Nguyễn Văn Khang được nhà phê bình Hoàng Tuấn Công chỉ ra
Những lỗi sai cơ bản trong Từ điển chính tả tiếng Việt của GS.TS Nguyễn Văn Khang được nhà phê bình Hoàng Tuấn Công chỉ ra
Không thể hiểu nổi vì sao nhà xuất bản không phát hiện những lỗi sai dễ nhìn thấy như vậy?
Những lỗi sai rất cơ bản nhưng nhà xuất bản lại không phát hiện ra
 

Những cuốn từ điển mắc lỗi bị phát hiện trong thời gian qua như những con sâu làm rầu nồi canh. Thực tế, đây là hệ lụy của việc biên soạn từ điển tràn lan, cấp phép dễ dãi.

PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam từng có đề xuất: lập hội đồng thẩm định bản thảo có chuyên môn, có nguyên tắc và thể lệ biên soạn rõ ràng. Đây là một ý kiến rất đáng được quan tâm. Với sách từ điển, cần một hội đồng thẩm định chuyên biệt, không thể chỉ phó mặc cho biên tập viên nhà xuất bản hay công tác hậu kiểm phía Cục xuất bản. Trong rất nhiều cuộc họp tổng kết hoạt động xuất bản thường niên, vấn đề nhân lực ngành xuất bản “thiếu và yếu” vẫn thường được đặt ra trên bàn thảo luận. Minh chứng nhãn tiền là nhà xuất bản ĐHQG Hà Nội, với những sai sót nghiêm trọng như vừa nêu. 

Một Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển từng được thành lập và hoạt động từ năm 1998 đến năm 2007, nhằm thực hiện công trình Từ điển bách khoa Việt Nam. Ngoài ra, chưa có Hội đồng thẩm định/biên soạn nào khác dành cho thể loại sách từ điển. Đã đến lúc các đơn vị đầu ngành cần phải ngồi lại, đặt mối quan tâm và có hướng giải quyết triệt để hơn trong lĩnh vực này. Không thể thả nổi thị trường để bất kỳ ai cũng có thể tùy tiện biên soạn từ điển, liên kết xuất bản hay cấp phép.

Lục Diệp

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Chí Tài 06-08-2020 15:53:54

    Tôi đã chờ rất lâu nay mới có bài viết về lĩnh vực này. Hoan nghênh tách bạch những gì đúng, sai. Riêng tôi cũng thấy ngờ ngợ từ này, mong chờ được rõ ràng: "nổi đóa" hay "nổi dóa", ý là bực bội, khó chịu khi ai làm gì đó với mình...Và từ "viên mãn" rất thường được dùng khi nói đến hạnh phúc, thong dong đủ đầy trong cuộc sống, cứ gặp là "viên mãn"; ấy mà chúng ta không biết rằng còn rất nhiều từ ngữ tương tự diễn tả tâm trạng đó, không lẽ không có từ điển chỉ ra để mà dùng cho phong phú?.

  • Nguyễn Hồng Khánh 23-07-2020 15:55:12

    Bài viết rất hay và đúng. Từ điển, trước đây có hẳn một hội đồng nhà nước. Bây giờ cho biên soạn tự do. Nếu tiếng việt không vững về ngữ nghĩa và về căn cứ (từ gốc) thì sẽ còn sai rất nhiều. Ví dụ từ thuần việt (kể cả vùng miền), từ phiên âm từ hán ngữ, từ phiên âm từ tiếng pháp v.v thì sẽ được coi là chưa thấu đáo tiếng việt.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI