Thêm hy vọng cho bệnh nhân đột quỵ

30/05/2015 - 08:01

PNO - PN - Tại những quốc gia phát triển - có trung tâm điều trị đột quỵ do tai biến mạch máu não như Mỹ, Canada, Nhật Bản, tỷ lệ tử vong hoặc biến chứng nặng chưa tới 50%, trong khi ở Việt Nam tỷ lệ này rất cao.

edf40wrjww2tblPage:Content

Sự ra đời của Trung tâm ứng cứu và can thiệp đột quỵ (Bệnh viện Phúc An Khang, 800 Đồng Văn Cống, Q.2, TP.HCM) đã thu hút sự quan tâm của dư luận, thêm hy vọng chữa trị cho bệnh nhân đột quỵ. Ngày 28/5, Trung tâm này đã công bố thành công trong ca phẫu thuật đầu tiên từ ngày hoạt động.

Them hy vong cho  benh nhan dot quy

Ảnh: Phùng Huy

Chậm một phút sẽ hủy hai triệu tế bào thần kinh

Ngày 28/5, dù mới trải qua một ca phẫu thuật lớn chưa đầy 48g, nhưng bệnh nhân (BN) Nguyễn Thị Kim H. (50 tuổi, ngụ tại Mỹ Tho, Tiền Giang) đã có thể vui vẻ trò chuyện với phóng viên báo Phụ Nữ về may mắn của mình. Chị H. bị nhức đầu và sốt cao, sau đó xuất hiện một khối u trên mặt - vùng mắt trái. Khối u gây chảy máu thường xuyên, ngày càng lớn dần làm biến dạng hàm-mặt và phần trán, mắt trái.

Một số cơ sở y tế cho biết, bệnh của chị H. ngoài khả năng điều trị. Trong lúc tuyệt vọng phó mặc cho số phận, bất ngờ có người giới thiệu chị H. về Trung tâm ứng cứu và can thiệp đột quỵ. Qua thăm khám, bác sĩ (BS) nhận định, trường hợp chị H., nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chị cần được điều trị sớm bằng phương pháp can thiệp nội mạch. Sau khi gây tắc trên 90% các mạch máu gây dị dạng, chị H. không phải đối mặt với nguy cơ đột quỵ, đồng thời khối dị dạng đã thay đổi đáng kể.

BS Trần Chí Cường - Trung tâm Ứng cứu và can thiệp đột quỵ BV Phúc An Khang cho biết: “Chúng tôi phát hiện mạch máu não BN H. đã phình ở mức tối đa, có thể vỡ gây xuất huyết bất cứ lúc nào. Nếu không điều trị kịp thời, có thể chị H. bị tai biến, tàn phế, thậm chí tử vong”.

Cũng theo BS Trần Chí Cường, đột quỵ não (hay còn gọi là tai biến mạch máu não), có thể khiến một người bình thường, hoặc có biểu hiện bất thường (như chị H.) bỗng dưng gục xuống, hôn mê, tử vong hoặc đối mặt với các di chứng nặng nề.

Theo PGS-TS Vũ Anh Nhị, Chủ tịch Hội Thần kinh học TP.HCM, tiêu chuẩn về “thời gian vàng” cấp cứu đột quỵ não là ba-bốn giờ sau cơn đột quỵ. BN đến cơ sở y tế sớm sẽ có nhiều khả năng cứu tế bào thần kinh ở quanh vùng nhồi máu, xuất huyết, nhờ đó giảm được tỷ lệ tử vong, di chứng tàn tật. Chậm một phút trong cấp cứu đột quỵ não sẽ hủy hai triệu tế bào thần kinh. Khi BN có các dấu hiệu đặc trưng về sự thay đổi vận động, ngôn ngữ như đột ngột tê liệt chân, méo miệng, nói đớ hoặc không thể nói chuyện, đột ngột nhìn mờ, loạng choạng, đau đầu dữ dội…, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất.

Them hy vong cho  benh nhan dot quy

Ảnh: Phùng Huy

Mỗi ngày có 1.000 người đột quỵ

Theo báo cáo tại các hội nghị về đột quỵ não khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2014, cứ mỗi 45 giây trôi qua, trên thế giới có ít nhất một người bị đột quỵ (tương đương 1.000 người/ngày) và cứ ba phút, có một người tử vong do bệnh này.

Tại Việt Nam, số BN bị đột quỵ nhập viện không ngừng gia tăng, với khoảng 200.000 người mắc mới mỗi năm, khoảng 50% trong số đó tử vong. Hơn 90% BN đột quỵ sống sót mắc các di chứng về vận động, liệt nửa người, suy giảm trí nhớ…

Theo BS Trần Chí Cường, ở các nước có trung tâm chẩn đoán và điều trị đột quỵ, tỷ lệ biến chứng, tử vong thấp do các trung tâm này đầy đủ trang thiết bị hiện đại, chuyên sâu, với nhân lực chuyên môn đảm bảo. Ngoài ra, các trung tâm còn góp phần phòng ngừa tái phát cho BN.

Về chi phí điều trị, lãnh đạo BV Phúc An Khang cho biết, BN diện BHYT được thanh toán theo quy định. Trung tâm Ứng cứu và can thiệp đột quỵ với quy mô có thể lên đến 200 giường, được sự hỗ trợ hợp tác của các y bác sĩ đầu ngành của BV Chợ Rẫy, Đại học Y Dược TP.HCM và các trung tâm điều trị đột quỵ hàng đầu ở Mỹ, Canada, Pháp, Đức... không chỉ đảm bảo chất lượng điều trị, mà còn có thể giúp cộng đồng có ý thức tốt hơn về phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này.

TIẾN ĐẠT

Theo PGS-TS Vũ Anh Nhị, BN đột quỵ có nguy cơ tái phát rất cao, nhất là trong năm đầu tiên. Đột quỵ thường để lại những hậu quả nặng nề. Có tới 1/3 BN đột quỵ bị liệt nửa người. Sau sáu tháng, gần 2/3 BN không thể hoạt động bình thường. Và, có khoảng 1/5 số BN bị mất tiếng nói sau tai biến. Theo nghiên cứu của các BS BV Chợ Rẫy, Nguyễn Tri Phương và Thống Nhất TP.HCM, sau đột quỵ não, khoảng 27-40,4% người bệnh bị mất trí nhớ. 50% BN sinh hoạt, vận động khó khăn.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI