Thêm gói hỗ trợ dành cho lao động tự do, hộ nghèo

06/08/2021 - 07:32

PNO - Việc hỗ trợ cho nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có lao động nghèo sẽ không cứng nhắc về đối tượng mà giao phường, xã linh động xác định để hỗ trợ...

UBND TPHCM đặt thời hạn đến hết ngày 10/8, phải giải ngân xong gói hỗ trợ thứ hai với kinh phí dự kiến 900 tỷ đồng cho 334.192 lao động tự do và 250.000 hộ nghèo, cận nghèo… bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tiếp tục hỗ trợ người làm nghề tự do

Theo ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM - đến nay, các địa phương đã cơ bản hỗ trợ xong gói hỗ trợ lần thứ nhất cho sáu nhóm đối tượng theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM (ban hành ngày 25/6/2021), gồm người lao động tự do, thương nhân các chợ truyền thống, hộ kinh doanh trong vùng giãn cách, người bị cách ly y tế tập trung, lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch và các lực lượng trực tiếp khác…

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thăm hỏi các gia đình khó khăn do dịch COVID-19 tại Q.5. Ảnh: Tam Bình
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thăm hỏi các gia đình khó khăn do dịch COVID-19 tại Q.5 - Ảnh: Tam Bình

Ông Võ Văn Hoan cho hay, hiện các nơi đang gặp khó trong chi trả cho hai đối tượng: người lao động ở doanh nghiệp (DN) phải tạm ngừng hoạt động và người lao động có giao kết hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đối với người lao động ở DN phải tạm ngừng hoạt động, các DN than thủ tục rườm rà. Nhưng theo ông Võ Văn Hoan, thủ tục dành cho đối tượng này không rườm rà, DN hoặc người sử dụng lao động chỉ cần lập danh sách người lao động gửi cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương nơi mình đóng trụ sở, bảo hiểm xã hội sẽ rà soát, chuyển UBND quận, huyện để chi trả. Đối với nhóm có giao kết hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, rất ít người được hưởng chính sách hỗ trợ do họ phải tự khai báo nhưng đã về quê. 

Gói hỗ trợ thứ hai của UBND TPHCM và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UB MTTQVN) TPHCM trị giá dự kiến 900 tỷ đồng, triển khai từ ngày 5 - 10/8, hỗ trợ cho hai nhóm đối tượng: tiếp tục hỗ trợ thêm cho 334.192 người lao động tự do (thống kê từ lần hỗ trợ thứ nhất) và ước tính 250.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động nghèo đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân. Người lao động tự do tiếp tục được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người, bằng mức với lần hỗ trợ thứ nhất, kinh phí từ ngân sách TPHCM; hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/hộ, gồm 1 triệu đồng trích từ ngân sách, 200.000 đồng từ nguồn vận động của UB MTTQVN TPHCM và 300.000 đồng là nhu yếu phẩm.

Do dịch bệnh kéo dài, đời sống người dân càng lúc càng khó khăn nên việc hỗ trợ cho nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có lao động nghèo sẽ không cứng nhắc về đối tượng mà lãnh đạo các phường, xã sẽ linh động xác định để hỗ trợ, miễn là không trùng lắp, không bỏ sót đối tượng cần được hỗ trợ. 

Cũng theo ông Võ Văn Hoan, gói hỗ trợ thứ hai được triển khai trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 68 do Chính phủ ban hành ngày 1/7/2021 về chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thực hiện Nghị quyết 68, UBND TPHCM bổ sung một số đối tượng không được đề cập trong Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM, như họa sĩ, đạo diễn, diễn viên (viên chức hoạt động nghệ thuật không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang); rà soát, cập nhật và bổ sung mức hỗ trợ chênh lệch thiếu từ gói hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM so với Nghị quyết 68 của Chính phủ; đồng thời triển khai gói hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho người lao động, hướng đến đáp ứng phục vụ quá trình số hóa hoạt động của DN. 

Trước đó, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM - đã ký quyết định thành lập Trung tâm Tiếp nhận và Hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19, trụ sở đặt tại UB MTTQVN TPHCM. Trung tâm có nhiệm vụ quản lý thống nhất nguồn thu, nguồn vận động, hỗ trợ; đưa hàng hóa, nhu yếu phẩm, thực phẩm được hỗ trợ đến với người dân sớm nhất có thể; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, bỏ sót đối tượng hỗ trợ; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều phối, phân phối nguồn hỗ trợ.

Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch UB MTTQVN TPHCM, Giám đốc trung tâm này - khẳng định, trung tâm sẽ sớm có quy chế hoạt động, chuẩn hóa quy trình tiếp nhận, hỗ trợ. Trước mắt, trung tâm yêu cầu các địa phương thống kê nguồn lực (như có bao nhiêu tấn gạo, mắm, muối, trứng…), báo cáo để trung tâm phân bổ các mặt hàng còn thiếu để sớm hỗ trợ người dân. 

Triển khai “Túi an sinh xã hội”

Tính đến nay, UB MTTQVN TPHCM đã tiếp nhận được hơn 2.216 tỷ đồng tiền và hàng hóa từ các tỉnh, thành, DN. Thường trực Thành ủy TPHCM đã nhất trí triển khai chương trình “Túi an sinh xã hội” nhằm hỗ trợ khẩn cấp hơn 250.000 phần quà, mỗi phần gồm 10kg gạo, mì gói và thực phẩm, gia vị, khẩu trang, nước sát khuẩn, thuốc men thông dụng… cho các hộ nghèo, cận nghèo, công nhân, lao động đang ở các khu nhà trọ tại TPHCM, các hộ dân ở “vùng xanh”, các gia đình có người thân là F0 (mắc COVID-19), F1 (tiếp xúc gần với F0) có hoàn cảnh khó khăn. 

Ông Lê Thanh Liêm - Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM - thăm và hỗ trợ người dân gặp khó khăn ở Q.6 - Ảnh: Văn Minh
Ông Lê Thanh Liêm - Trưởng ban Nội chính Thành ủy TPHCM - thăm và hỗ trợ người dân gặp khó khăn ở Q.6 - Ảnh: Văn Minh

“Túi an sinh xã hội” đảm bảo các hộ dân (2 - 4 người) có thể dùng trong một tuần lễ. TPHCM đông dân, trong đó có nhiều người từ các tỉnh đến sinh sống, làm việc, nhiều người không có hộ khẩu, giấy tạm trú. Vì vậy, để “túi an sinh xã hội” đến được tay người cần, đòi hỏi các địa phương phải linh động rà soát, nắm chính xác số người cần chăm lo và duy trì việc chăm lo cho tốt trong suốt thời gian giãn cách xã hội, không để trường hợp nào thiếu ăn, khó khăn cùng cực do dịch bệnh và giãn cách xã hội. 

Trong những ngày qua, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQVN TPHCM đã dẫn đầu các đoàn trao “túi an sinh xã hội” cho người dân khó khăn tại một số địa phương, đồng thời tổ chức 24 đoàn thăm, động viên và hỗ trợ người dân trong “vùng xanh”, vùng bị phong tỏa. 

Chiều 5/8, tổ đại biểu HĐND TPHCM thuộc đơn vị bầu cử TP.Thủ Đức tổ chức trao tặng 2 tấn gạo, 300 thùng mì gói và các phần quà cho các khu phố và hộ khó khăn ở TP.Thủ Đức. Được biết, các đại biểu trong tổ đã tham gia đóng góp và vận động hỗ trợ 11.000 khẩu trang N95, 25.000 khẩu trang y tế, 20 triệu đồng, 14 tấn rau củ quả, 2 tấn thanh long, 2.650 phần nhu yếu phẩm. Tổ đại biểu này cũng tích cực tìm các nguồn tài trợ, tổ chức nhiều chuyến hàng, quà tặng cho người dân TP.Thủ Đức và các đơn vị tham gia phòng, chống dịch, các bệnh viện, các khu cách ly, các “Bếp nghĩa tình”, “Gian hàng 0 đồng”, “Tổ tình nguyện đi chợ giúp dân”. 

Đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân

Để giúp người dân vượt qua khó khăn trong mùa dịch, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài giảm tiền điện, nước, cước viễn thông, người lao động cần được giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Chị Nguyễn Ngọc Mai (Q.8) cho biết, tổng thu nhập của chị khoảng 20 triệu đồng/tháng, không có người phụ thuộc nên hằng tháng, thu nhập chịu thuế của chị Ngọc Mai ở mức 9 triệu đồng (sau khi đã giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng). Mức thuế TNCN mà chị phải nộp là 10% (bậc 2), tương đương 900.000 đồng/tháng. “Trước đây, tôi có thể gói ghém để trả tiền nợ ngân hàng, trang trải sinh hoạt nhưng nay vật giá đều leo thang, hai tháng nay đều bị thâm hụt tiền” - chị Ngọc Mai nói. 

Vợ chồng anh Trần Văn Nguyên (H.Hóc Môn) vừa cưới nhau, vợ có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng nên không cần đóng thuế TNCN, nhưng chị đã thất nghiệp gần hai tháng nay. Riêng anh Nguyên có thu nhập khoảng 16 triệu đồng/tháng, sau khi giảm trừ gia cảnh, số tiền phải chịu thuế là 5 triệu đồng, mức thuế phải nộp là 5% (bậc 1), với số tiền phải nộp hằng tháng là 250.000 đồng. Theo anh Nguyên, tổng mức thu nhập của cả hai người chỉ mới đủ sống, nay một mình anh phải gánh cả gia đình, thêm khoản vay ngân hàng không được giãn nợ nên khoản thuế TNCN dù không nhiều nhưng lúc này cũng là gánh nặng.

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính - không cần thiết phải giảm thuế TNCN cho người lao động vì khi không có thu nhập hoặc thu nhập giảm, thuế tự nhiên giảm. “TNCN hiện nay có bảy bậc, mức thuế từ 5 - 35% tùy theo thu nhập. Ví dụ, người có thu nhập 20 triệu đồng/tháng, nếu đã giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng, mức thu nhập chịu thuế khoảng 9 triệu đồng, chịu thuế TNCN 10% nhưng nếu thu nhập giảm và mức thu nhập chịu thuế chỉ còn 5 triệu đồng thì mức thuế TNCN chỉ còn 5%. Do đó, không cần giảm thuế”. 

Tuy nhiên, luật sư Trần Xoa - chuyên gia về thuế - lại cho rằng, trước đây, cơ quan thuế có giải thích rằng khi thu nhập giảm xuống thì người dân nộp thuế TNCN ít lại, coi như đã giảm rồi. Nhưng thực tế, việc giảm không hợp lý, không đồng đều cho các đối tượng. Trong năm 2020, thuế thu nhập DN đã giảm 30% và mới đây được Bộ Tài chính đề xuất giảm thêm 30% trong tháng 8/2021; thuế của hộ cá nhân kinh doanh cũng đang được đề xuất giảm, trong khi hộ cá nhân kinh doanh chỉ đóng thuế ba bậc (từ 1,5 - 7%), chủ yếu là cá nhân tự kê khai nên số tiền thu nhập thực tế có thể cao hơn nhiều.

Trong khi đó, thuế TNCN có đến bảy bậc (từ 5 - 35%), làm bao nhiêu đều đóng đủ thuế. Do đó, thuế TNCN cũng cần được giảm một số tháng hoặc theo phần trăm để người lao động cũng được hưởng lợi. Giảm theo tháng thì hơi khó vì thu nhập hiện nay không đều, tốt nhất là nên giảm 30% như thuế thu nhập DN. Đáng lẽ ra, có thể giảm thuế TNCN nhiều hơn vì trong năm 2020, họ đã không được giảm. “Hiện có đến 10 khoản thu nhập phải đóng thuế TNCN. Đợt giảm thuế TNCN này chỉ áp dụng cho người làm công ăn lương chứ không áp dụng các khoản thu nhập khác” - luật sư Trần Xoa đề xuất. 

Ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trưởng phòng Thuế TNCN, Cục Thuế TPHCM - cho rằng, không chỉ nên giảm 30% thuế TNCN mà nếu được, còn nên hỗ trợ thêm tiền cho người lao động mất việc, giảm thu nhập. “Thực tế, khi DN mất hoặc giảm thu nhập thì số thuế nộp cũng ít lại. Nếu đã giảm cho DN, cũng nên giảm cho người dân” - ông nói. 

Luật sư Trần Xoa cho biết thêm, mức TNCN xưa nay là lương danh nghĩa chứ không phải lương thực tế, trong khi giá cả hàng hóa đều tăng theo thời gian, có những món đồ đã tăng giá lên gấp đôi trong khi ngưỡng chịu thuế lại không được điều chỉnh phù hợp với biến động kinh tế trong nước. Năm 2009, người có thu nhập 4 triệu đồng mới phải nộp thuế TNCN; đến năm 2013, mức chịu thuế tăng lên 9 triệu đồng (tăng 125%). Đáng lẽ năm 2020, phải tăng mức chịu thuế lên 20 triệu đồng chứ không phải là 11 triệu đồng (có hiệu lực giữa năm 2020). Luật sư Trần Xoa cũng đề xuất xem xét, thu gọn các bậc chịu thuế TNCN lại còn bốn bậc (5%, 10%, 20% và 30%). 

Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, thuế TNCN thu được trong sáu tháng đầu năm 2021 đạt 73.027 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Mức thu tăng là do số thu thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán và bất động sản tăng. Tuy nhiên, ngành thuế cũng thừa nhận, thuế thu từ những người làm công ăn lương vẫn chiếm tỷ lệ cao.

Tuyết Dân-Tam Bình-Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI