PNO - Sau khi được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện tự chủ ghép tạng, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) đã thực hiện liên tiếp 3 ca ghép gan, tiến tới mở rộng mảng ghép gan, đem lại nhiều cơ hội sống hơn cho bệnh nhi ung thư.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết, trong 3 ca ghép gan mà bệnh viện vừa thực hiện, có 2 trẻ bị teo đường mật bẩm sinh, 1 trẻ bất thường về hệ thống mạch máu - hội chứng Budd - Chiari rất hiếm gặp. Theo thống kê của thế giới, chỉ có 1/1 triệu người mắc hội chứng này.
Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong một ca ghép gan cho bệnh nhi
Bé gái 3 tuổi (ở tỉnh Bình Thuận) được chẩn đoán bị hội chứng Budd - Chiari lúc 14 tháng tuổi, dấu hiệu đầu tiên là bụng báng. Từ khi chào đời, bé đã phải nhập viện nhiều lần do xuất huyết tiêu hóa, cần truyền máu khối lượng lớn. Qua thăm khám, chụp CT, bác sĩ phát hiện bé bị tắc hoàn toàn tĩnh mạch chủ dưới sau gan. Kết quả nội soi cho thấy bệnh nhi giãn tĩnh mạch thực quản, sinh thiết gen ghi nhận bé mắc xơ gan, nhu mô gan thoái hóa, xuất huyết. Ngoài ra, bé còn bị suy dinh dưỡng, nếu không điều trị triệt để sẽ tử vong.
“2 năm trước, chưa đủ điều kiện điều trị, bệnh nhi được điều trị nội khoa bảo tồn. Xét nghiệm gen cho thấy, cả bé và mẹ đều có kết quả giảm protein C gây tăng đông, tạo nên các huyết khối làm tắc nghẽn mạch máu. Đến năm 2024, bệnh nhi suy gan, xơ gan và có chỉ định ghép gan” - bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nhớ lại. Với bệnh cảnh đặc biệt, ê kíp bác sĩ phải lên kế hoạch kỹ lưỡng trước khi phẫu thuật ghép gan cho bé. Trong đó, sau ghép, bé phải sử dụng thuốc kháng đông kéo dài, nguy cơ bị huyết khối rất lớn. Chưa kể đến bệnh nhi có bất thường tĩnh mạch chủ dưới, phải tiến hành nối mạch máu trong quá trình phẫu thuật…
Bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Hải Trung - Phó trưởng khoa Gan mật tụy và Ghép gan của bệnh viện - chia sẻ, ca bệnh này không chỉ hiếm gặp ở Việt Nam mà là ca hiếm của thế giới. Trong trường hợp này, thao tác nối động mạch chủ gan rất quan trọng, nếu tắc sẽ gây hoại tử tế bào gan, tổn thương đường mật. Với trẻ bị biến chứng huyết khối động mạch sau mổ ghép gan, tỉ lệ tử vong lên tới 20%. Trước ca ghép gan nhiều thử thách, suốt 2 tháng ròng rã, các bác sĩ Khoa Gan mật tụy và Ghép gan đã hội chẩn với chuyên gia từ Bỉ để có phương án tốt nhất. Dù biết nguy cơ biến chứng cao, mẹ của bé vẫn quyết định tặng một phần gan cho con.
Đầu tháng Bảy, ê kíp bác sĩ đã phẫu thuật ghép gan cho bé thành công. Chỉ sau 8 ngày, bệnh nhi đã phục hồi ngoạn mục, tự ăn uống. Thấy bé gái khỏe mạnh sau cuộc phẫu thuật đầy gian nan, nhiều cha mẹ có con mắc bệnh gan rất vui mừng. Chị Trần Thanh Hiền (ở tỉnh Vĩnh Long) xúc động nói: “Khi có con mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình tôi cũng như các bé ở đây luôn mong phép màu sẽ đến với con. Nhiều lần đưa con nhập viện, nhìn con đau đớn, chúng tôi sẵn sàng và luôn chờ đợi được tặng gan cho con mình. Nhìn bé được tái sinh, tôi cũng cầu mong con mình sớm được ghép gan, lành bệnh về nhà”.
Cơ hội sống cho bệnh nhi ung thư gan Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thanh Trí - Trưởng khoa Gan mật tụy và Ghép gan Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết, mỗi năm 3 bệnh viện chuyên khoa nhi tại TPHCM phẫu thuật khoảng 150 bệnh nhi bị teo đường mật. Trong đó, 35 trường hợp có chỉ định ghép gan nếu không sẽ tử vong. Tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ tử vong vì không được ghép gan cao hơn các nước, vì còn rất nhiều khó khăn như thiếu trung tâm ghép gan nhi, thiếu nguồn tạng, số lượng bệnh nhi chờ ghép cao… Ông chia sẻ thêm: “Bệnh viện phải ghép nhiều, nhanh và mở rộng chỉ định ghép để kịp cứu nhiều trẻ hơn. Sắp tới, bệnh viện tiến tới mở rộng mảng ghép gan, dự kiến vào tháng Tám, sẽ phẫu thuật cho bệnh nhi ung thư gan. Đây là điều rất đáng mừng”.
Theo bác sĩ Bùi Hải Trung, đến nay bệnh viện đã thực hiện tổng cộng 36 ca ghép gan, không có trường hợp bị biến chứng về mạch máu, trong khi thông thường có đến 20% trẻ biến chứng sau mổ. Với sự thành công của các ca ghép gan vừa qua, thời gian tới, chỉ định ghép gan được mở rộng hơn với bất thường mạch máu, ung thư gan, suy gan cấp… Từ đó, bệnh nhi mắc các bệnh liên quan, đặc biệt ung thư gan sẽ có nhiều cơ hội sống khỏe mạnh, chất lượng. “Dự kiến trong năm nay, bệnh viện sẽ thực hiện ghép gan cho bệnh nhi suy gan do ung thư gan” - bác sĩ Bùi Hải Trung nói.
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, trước đây, có một số thời điểm bệnh viện bị gián đoạn ghép gan do thiếu thốn về con người, máy móc, thủ tục… nhưng hiện tại, với phòng mổ đạt chuẩn quốc tế, bệnh viện hầu như đã làm chủ mọi kỹ thuật, chủ động hơn trong ca phẫu thuật.
Nếu bệnh nhân suy thận có nhiều lựa chọn điều trị như chạy thận, ghép thận… thì bệnh nhi suy gan chỉ có phương án ghép gan, trong khi nguồn tạng hiến rất hạn chế. Do đó, khi có điều kiện, bệnh viện sẽ chạy đua với thời gian để bệnh nhi ghép gan sớm nhất có thể. Với những ca phẫu thuật phức tạp như bé gái 3 tuổi, bệnh viện sẵn sàng mời chuyên gia nước ngoài sang hỗ trợ.
“Trong tương lai, chúng tôi tiếp tục trau dồi, tăng cường đào tạo, phối hợp giữa các bệnh viện, tổ chức các chương trình hợp tác quốc tế, trao đổi để cập nhật kiến thức và kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực ghép tạng… làm chủ hơn nữa về kỹ thuật ghép, giảm thiểu biến chứng, tăng số lượng bệnh nhân, cũng hướng đến kỹ thuật mới như ghép tim” - bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cho biết. Về chi phí, trung bình mỗi ca ghép gan ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 dao động từ 600-700 triệu đồng. Trong đó, bảo hiểm chi trả hơn 1/3, còn lại là người nhà chi trả
Đến 30/4/2025 sẽ hoàn thành 50 ca ghép gan
Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiến hành ghép thận và ghép gan cho trẻ em từ rất sớm, năm 2004 đã thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên, thực hiện ghép gan từ năm 2005. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 36 ca ghép gan, 32 ca ghép thận. Nhu cầu ghép gan ở bệnh nhi vẫn còn rất cao. Tại bệnh viện, hiện có khoảng 200 bệnh nhi đang chờ ghép gan, trong đó 20 trường hợp có nguồn gan hiến từ người cho sống. Nhằm kịp thời cứu chữa cho các bé, bệnh viện sẽ đẩy nhanh tốc độ với mỗi đợt 3 ca. Bệnh viện đang đặt mục tiêu đến ngày 30/4 năm sau sẽ hoàn thành 50 ca ghép gan cho bệnh nhi suy gan.
Trước thực trạng quản lý, kiểm định nước sinh hoạt ở chung cư còn nhiều bất cập khiến chất lượng nước chưa bảo đảm, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp.