Thêm cơ hội làm giàu

02/03/2023 - 06:16

PNO - Một nông dân ở tỉnh Long An khoe rằng ông có thể bán không khí sạch để có thêm thu nhập. Ông giải thích, mình có thể đăng ký bán tín chỉ carbon, từ bán số tấn CO2 cắt giảm được.

Tín chỉ carbon là một công cụ đánh giá lượng phát thải khí nhà kính được cắt giảm trong quá trình sản xuất. Các nước tham gia Nghị định thư Kyoto của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (được thông qua năm 1997) đưa ra cam kết cắt giảm khí thải theo lộ trình cụ thể. Nghị định này cũng cho phép các quốc gia dư thừa quyền phát thải carbon được bán cho các quốc gia phát thải nhiều hơn mục tiêu cam kết. 

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã bán tín chỉ carbon từ nhiều năm nay, nhưng những giao dịch này chưa được chú ý nhiều. Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam, nhiều hộ trồng rừng hoặc được giao quyền quản lý rừng của Việt Nam đã đăng ký tham gia chứng chỉ carbon. Theo tính toán, mỗi m3 cây rừng có thể lưu giữ được hơn 1 tấn carbon. Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và có thể thu về hàng trăm triệu USD/năm nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ.

Theo tính toán, mỗi m3 cây rừng có thể lưu giữ được hơn 1 tấn carbon.
Theo tính toán, mỗi m3 cây rừng có thể lưu giữ được hơn 1 tấn carbon

Tín chỉ carbon được xem là phương thức hữu hiệu để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Nguồn thu từ tiền bán loại tín chỉ này không nhiều nhưng tín chỉ này lại đang thay đổi tính chất nền kinh tế, thương mại toàn cầu. Các quốc gia phát triển - cũng là những thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam - đều có những cam kết mạnh mẽ về cắt giảm khí thải. Nhiều quốc gia đang ở giai đoạn nước rút về lộ trình cắt giảm khí thải đã đặt ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn với hàng hóa nhập khẩu. 

Đây là lý do khiến các doanh nghiệp ngành dệt may của Pakistan vẫn “sống khỏe” bởi từ nhiều năm nay, họ đã chuyển sang dùng nguyên liệu bông, tơ sợi từ các loài cây. Một số doanh nghiệp dệt may và giày dép của Việt Nam sử dụng nguyên liệu tơ sen, bã cà phê, sợi bạc hà (dọc mùng) cũng không có đủ hàng để xuất. 

Hiện nay, khi nói về kinh tế tuần hoàn, nhiều người thường lấy mô hình vườn - ao - chuồng (VAC) có từ những năm 1980 ở Việt Nam để minh họa. Tuy nhiên, với nền công nghiệp có nhiều tiến bộ như hiện nay, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, chúng ta phải học hỏi cách làm từ các quốc gia có thế mạnh về mô hình này. 

Chẳng  hạn, Thụy Điển có hẳn chương trình phát triển kinh tế tuần hoàn áp dụng trên toàn quốc. Họ đi đầu về kinh tế tuần hoàn nhờ ý thức tự giác của người dân, doanh nghiệp nhưng vẫn có khung pháp lý đi kèm, như ưu đãi vốn, giảm thuế cho các dự án đầu tư sử dụng năng lượng tái tạo và áp thuế cao với doanh nghiệp phát thải cao.

Nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam cũng có những động thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, như hoàn thiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ vốn, đất đai để xây dựng cơ sở tái chế chất thải. Các ngành kinh tế chủ chốt cũng xây dựng kế hoạch phát triển bền vững song song với chuyển đổi số, như khuyến khích tái chế chất thải công nghiệp thành vật liệu xây dựng, giấy, khuyến khích chế biến phụ phẩm nông nghiệp thành thức ăn chăn nuôi, sản phẩm làm đẹp.

Chính phủ cũng công bố chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn… Các chiến lược này đều được xây dựng đến năm 2025 hoặc 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Đã có những chuyển biến tích cực về phương thức sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường, gia tăng giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn thiếu một kế hoạch tổng thể để huy động mọi đối tượng cùng tham gia, cũng như thiếu khung pháp lý để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân làm kinh tế tuần hoàn. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, học tập kinh nghiệm những quốc gia đi đầu về kinh tế tuần hoàn để hoàn thiện dần những gì còn thiếu, còn yếu. Bởi, làm kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu của thế giới. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI