Thêm chính sách hỗ trợ con của nạn nhân mua bán người

14/08/2024 - 06:01

PNO - Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, những đứa trẻ được sinh ra trong thời gian mẹ bị mua bán gặp không ít khó khăn khi cùng mẹ về lại địa phương, cần có khoản trợ cấp ban đầu để tái hòa nhập cộng đồng.

Hỗ trợ nạn nhân mua bán người tại Ngôi nhà Bình Yên do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành lập  - Nguồn ảnh: Ngôi nhà Bình Yên
Hỗ trợ nạn nhân mua bán người tại Ngôi nhà Bình Yên do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành lập - Nguồn ảnh: Ngôi nhà Bình Yên

Nghiêm cấm mua bán bào thai

Sáng 13/8, trong phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, trong kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi mua bán bào thai bởi pháp luật hình sự chưa có quy định này. Hơn nữa, dù chưa được sinh ra, thai nhi vẫn cần được bảo vệ như con người với đầy đủ các quyền cơ bản. Việc mua bán thai nhi không chỉ vi phạm quyền của thai nhi mà còn là sự xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, bào thai chưa được xác định là con người nên việc quy định mua bán bào thai trong khái niệm mua bán người là không phù hợp. Tuy nhiên, trên thực tế, có tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra và việc thỏa thuận mua bán này là tiền đề của hành vi mua bán người.

“Vì vậy, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, để phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm hành vi này, dự thảo luật đã bổ sung quy định nghiêm cấm mua bán bào thai, nghiêm cấm thỏa thuận mua bán người từ khi còn là bào thai” - bà Lê Thị Nga nói.

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, về mặt sinh học, khi còn trong bụng mẹ, thai nhi cũng có các hoạt động trao đổi chất, hô hấp như một con người, chỉ khác ở môi trường sống. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đã có quy định, người thành thai trước khi người để lại di sản thừa kế chết thì được hưởng di sản thừa kế. Do vậy, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) cần nghiên cứu, rà soát để có cách thể hiện chính xác.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh lại cho rằng, “bào thai là bào thai, không phải con người” bởi nếu coi bào thai là con người thì việc nạo phá thai phải được coi là hành vi giết người. Nhưng bà cũng cho rằng, việc dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) bổ sung quy định “cấm mua bán bào thai, mua bán người từ khi còn là bào thai” là phù hợp.

Trợ cấp cho con của nạn nhân mua bán người

Các chính sách hỗ trợ cho con của nạn nhân mua bán người khi được giải cứu trở về là vấn đề nhận được nhiều ý kiến quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Một số đại biểu đề nghị xem trẻ em do nạn nhân bị mua bán sinh ra cũng là nạn nhân, để có những chính sách hỗ trợ kịp thời, đầy đủ.

Bà Lê Thị Nga giải trình, trên thực tế, có những trẻ được sinh ra trong thời gian người mẹ bị mua bán. Nhóm này không thuộc đối tượng trực tiếp của hành vi mua bán người, trừ trường hợp thỏa thuận mua bán cháu bé từ khi còn là bào thai. Tuy nhiên, để bảo đảm tính nhân đạo và bảo vệ quyền trẻ em, dự thảo luật nêu quy định người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, y tế, tâm lý, chi phí đi lại, hỗ trợ pháp luật, phiên dịch. Trong thời gian lưu trú ở cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, trẻ được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh nếu bị ốm, thương tích. Trẻ cũng được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế trong năm đầu tiên trở về, hỗ trợ tâm lý trong thời gian không quá 90 ngày…

Đóng góp vào nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, dự thảo luật đã quy định nạn nhân là người dưới 18 tuổi nếu tiếp tục đi học thì được hỗ trợ tiền học phí, tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập trong năm học đầu tiên và năm liền kề. Tuy nhiên, trẻ dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân thì lại chưa có chính sách hỗ trợ.

“Trong thực tế, có những trẻ được sinh ra trong thời gian mẹ bị mua bán; khi trở về, cả mẹ và cháu bé rất khó khăn, cần được hỗ trợ. Tôi đề nghị cân nhắc người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân mua bán người được hỗ trợ học văn hóa và hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu” - bà Nguyễn Thị Thanh nói.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - đề nghị có thêm quy định về việc hỗ trợ, bảo vệ các nạn nhân gián tiếp của nạn buôn bán người.

Đoàn thanh niên tham gia phòng ngừa mua bán người

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nạn nhân của tình trạng mua bán người hiện nay không chỉ là phụ nữ và trẻ em gái mà còn có nam giới trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Do đó, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã bổ sung quy định về trách nhiệm của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) cũng bổ sung quy định đối tượng được bảo vệ là “cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân”.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI