Thêm 3 môn mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Xét tuyển vào đại học thế nào?

22/12/2023 - 06:05

PNO - Trong danh sách các môn thi tự chọn của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, ngoài những môn truyền thống sẽ có thêm 3 môn mới là giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Nếu chọn học và thi những môn này, học sinh có cơ hội dùng để xét tuyển đại học không?

Ít học sinh chọn  

Theo công bố của Bộ GD-ĐT, với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, ngoài 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, học sinh có 2 môn tự chọn trong 9 môn học. Như vậy, so với trước đây, sẽ có thêm 3 môn mới là: giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Tuy nhiên, hiện ở nhiều trường, cả 3 môn học này không được nhiều học sinh lựa chọn. 

Cô Vũ Huyền Diệu - Trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp) - đang hướng dẫn học sinh làm bài trên máy tính
Cô Vũ Huyền Diệu - Trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp) - đang hướng dẫn học sinh làm bài trên máy tính

Là tổ trưởng tổ bộ môn giáo dục kinh tế và pháp luật (chương trình cũ gọi là giáo dục công dân), thầy Vũ Hồng Nhân - giáo viên Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TPHCM) - cho biết, môn học này từng được đưa vào thi tốt nghiệp trong bài thi khoa học xã hội (gồm các môn thi thành phần lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Mặt bằng điểm thi cũng rất cao so với môn khác nhưng khi trở thành môn tự chọn, học sinh lại không mấy mặn mà. Ở cả 2 khối theo chương trình mới Mười và Mười một của trường, mỗi khối chỉ có 3 lớp. Vì vậy, dù cả tổ chỉ có 4 giáo viên nhưng vẫn không đủ số tiết để dạy. Thầy Nhân lo ngại, năm tới, khi lứa học sinh lớp Mười hai cuối cùng (đang học môn giáo dục công dân bắt buộc ở tất cả các lớp) của chương trình cũ ra trường, số lớp môn này sẽ giảm mạnh.

Tình trạng này cũng tương tự với môn công nghệ. Theo thầy Phán Tiến Thành - giáo viên môn công nghệ Trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp) - tỉ lệ học sinh chọn học môn công nghệ không nhiều. Giáo viên thì còn bối rối khi lần đầu tiên môn học được đưa vào danh sách môn thi tốt nghiệp THPT. Bản thân môn công nghệ cũng chia ra thành 2 phần tách biệt gồm công nghệ nông nghiệp và công nghệ công nghiệp lại không chuyên sâu, vì vậy thầy Thành e ngại các trường đại học không mặn mà đưa môn này vào xét tuyển.

Nằm trong số ít trường cho học sinh được quyền quyết định việc chọn môn tự chọn, ông Lâm Triều Nghi - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) - thừa nhận, số học sinh chọn học 3 môn thi mới rất ít, đặc biệt là môn công nghệ. Mỗi môn chỉ có 2-3 lớp/khối, có những lớp chỉ có 26 em. “Học sinh sẽ chọn những môn cốt lõi được nhiều trường đại học dùng để xét tuyển. Do vậy, việc các môn mới này có được học sinh chọn thi hay không còn tùy thuộc vào việc các trường đại học có dùng 3 môn này để xét tuyển hay không” - ông Lâm Triều Nghi nói.  

Các trường đại học đang xem xét  

Trong khi đó, nhiều trường đại học cho biết sẽ xem xét đưa những môn mới này vào tổ hợp xét tuyển ở những ngành có chương trình đào tạo sát với nội dung môn học ở bậc THPT. 

Ông Trần Đình Lý - Hiệu phó Trường đại học Nông Lâm TPHCM - cho biết: về dự tính tuyển sinh với lứa học sinh này, ngoài các tổ hợp truyền thống, sẽ hướng tới cộng, trừ những môn sát ngành học để xét tuyển. Ví dụ, ngoài khối A (toán, lý, hóa), B (toán, hóa, sinh) thì các trường có thể xét tuyển bằng tổ hợp gần như: toán, lý, sinh, hoặc thay một môn tự nhiên bằng tiếng Anh. Riêng nhóm ngành công nghệ có thể sử dụng thêm môn tự chọn là tin học để tuyển sinh.

“Trong 3 môn mới thì môn công nghệ có nội dung gần với nhóm ngành nông nghiệp, phù hợp và sát với một số ngành học của các trường đào tạo lĩnh vực nông nghiệp nói chung và Trường đại học Nông Lâm TPHCM nói riêng. Đây là điểm thuận lợi để chọn những thí sinh giỏi. Chúng tôi tính toán, cân nhắc nhiều yếu tố trước khi đưa ra phương thức tuyển sinh chính thức” - ông Trần Đình Lý nói. 

Là trường đầu tiên công bố phương thức tuyển sinh năm 2025, tiến sĩ Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Nha Trang - cho biết, trường sẽ sử dụng phương thức tuyển sinh tích hợp giữa kết quả học tập ở bậc THPT và đánh giá năng lực học tập đại học thông qua kết quả từ các kỳ thi đánh giá năng lực. Đặc biệt, trong phương án tuyển sinh, ngoài những môn xét tuyển truyền thống, lần đầu tiên trường đưa môn học mới nhất vào tuyển sinh là môn tin học (cùng với toán, tiếng Anh, ngữ văn) ở 3 ngành gồm: công nghệ thông tin, khoa học máy tính, hệ thống thông tin quản lý. 

“Việc sử dụng môn thi nào để xét tuyển trường còn phải cân nhắc đến vùng tuyển của mình. Những môn học được nhiều học sinh chọn học ở trường phổ thông sẽ ưu tiên và ngược lại, môn học ít học sinh đăng ký sẽ hạn chế. Do vậy, các trường đưa ra phương án tuyển sinh sớm sẽ giúp học sinh định hình, lựa chọn môn học phù hợp từ sớm” - ông Tô Văn Phương nói.

Đại diện của một trường đại học ở TPHCM nhận định: “Có môn thi thì sẽ có trường đưa vào xét tuyển. Hiện phần lớn các trường vẫn đang xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi THPT nên cơ hội để 3 môn mới được đưa vào xét tuyển là có nhưng có lẽ không nhiều. Bởi đây là những môn mới nên không nhiều thí sinh lựa chọn thi. Chúng ta cần thời gian đánh giá và có những điều chỉnh phù hợp”. 

Băn khoăn cách thi môn tin học

Đối với môn tin học, nhiều giáo viên lo lắng khi lần đầu tiên môn này có trong danh sách thi tốt nghiệp. Cô Phạm Hoàng Tố Trinh - giáo viên môn tin học Trường THPT Trường Chinh (quận 12) - băn khoăn: “Môn tin học có đặc thù riêng, phần lớn chương trình đều học và thực hành trên máy tính nhưng hiện vẫn chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức thi nên chúng tôi không biết phải định hướng dạy học sinh thế nào cho phù hợp. Nếu thi trên máy tính thì rất khó khả thi, còn nếu chỉ thi lý thuyết hay dạng bài trắc nghiệm thì khó đánh giá đúng khả năng của học sinh. Điều này cũng có thể là trở ngại khiến học sinh không dám chọn làm môn thi, các trường đại học không dám chọn làm môn xét tuyển”. 

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI