Thêm 3 di sản văn hoá phi vật thể vừa được công nhận

31/10/2020 - 14:13

PNO - Tỉnh Sóc Trăng vừa nhận 3 bằng công nhận Di sản Văn hoá phi vật thể cấp quốc gia từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch.

Lễ trao bằng vừa diễn ra tối 30/10 trong khuôn khổ Đêm Nghệ thuật kỷ niệm 100 năm sân khấu Dù kê.

3 di sản văn hoá phi vật thể vừa được công nhận là: Nghề làm bánh pía của người Hoa, Nghệ thuật múa Rom Vong (còn gọi là múa Lâm Thôn) của đồng bào Khmer và Nghệ thuật trình diễn âm nhạc dân gian Ngũ âm.

Bánh pía là một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng. Theo số liệu từ Hiệp hội Bánh pía lạp xưởng Sóc Trăng, hiện địa phương này có khoảng 30 lò bánh, xuất khẩu đi 14 quốc gia. Làng nghề này đã tồn tại hơn 50 năm.

Bánh pía, đặc sản của Sóc Trăng
Bánh pía, đặc sản của Sóc Trăng

Bánh pía là loại bánh có nguồn gốc từ bánh Trung thu của người Triều Châu, du nhập vào Việt Nam và phát triển thành loại bánh mang phong vị riêng. Bánh gốc của người Triều Châu thường là nhân thịt heo và đậu xanh. Nhưng bánh pía truyền thống hiện tại ở Sóc Trăng là nhân đậu xanh, trứng muối và có thể có thêm sầu riêng. Vỏ bánh làm từ bột mì, gồm nhiều lớp cán mỏng. Trên vỏ bánh thường có in tên cơ sở sản xuất với màu đỏ. Bánh pía được dùng để ăn chơi, nhưng cũng được dùng để cúng kiến, hoặc làm mâm lễ trong cưới hỏi của người miền Nam.

Múa Rom Vong là múa vòng tròn, theo nhịp 2/4. Khi có nhịp trống, tiếng hát thì từng người hoặc từng đôi trai gái bước đều 3 bước và lui một bước. Hai tay nâng lên để trước ngực, các ngón tay cong lên như những cánh hoa tươi, một tay đưa lên, tay kia đưa xuống nhịp nhàng theo tiếng nhạc. Múa Rom Vong được dùng trong sinh hoạt đời thường của người Khmer cũng như nhiều lễ hội nổi tiếng như Chol Chnam Thmây, Sen Dolta, Ok Om Bok hay trong các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống của người dân Khmer.

Theo tài liệu từ Cục Di sản Văn hoá Việt Nam, khi múa Rom Vong, nữ sẽ lượn 2 cánh tay đưa ra trước ngực, còn nam thì lượn cánh tay rộng ra như để che chở cho người bạn múa của mình. Chân nào phía trước thì tay đó ở dưới thấp và ngược lại. Lòng bàn tay trái ngửa thì lòng bàn tay phải úp và ngược lại theo quy luật âm dương, trong âm có dương, trong dương thì lại có âm.

Màn trình diễn của nhóm nữ với điệu múa Rom Vong
Màn trình diễn của nhóm nữ với điệu múa Rom Vong

Màn trình diễn múa Rom Vong trong lễ hội:

 

Trong những điệu múa Rom Vong thường có sự xuất hiện của âm nhạc Ngũ âm. Đây cũng là một trong 3 di sản vừa được công nhận.

Dàn nhạc Ngũ âm của người Khmer gồm các nhạc cụ làm từ 5 chất liệu tạo thành âm thanh khác nhau: đồng, sắt, gỗ, da và hơi. Chúng thể hiện bằng 7 loại nhạc khí khác nhau như: hai dàn cồng Cuông-tuôch và Cuông-thôm (chất liệu đồng, mỗi cái gồm có 16 cái cồng nhỏ có núm, được kết lại với nhau tạo thành vòng có hình bán nguyệt, dùng dùi gõ); Rôniêt-ek (gồm 26 thanh tre hoặc gỗ được ghép với nhau thành một chuỗi, hai đầu được máng vào một thùng gỗ có một chân đỡ), Rô-neat-thung (cũng gồm 16 thanh gỗ được nối lại, cho ra âm thanh dày và trầm hơn Rôniêt-ek một quãng 8); Rô-niêt-đek (sắt, gồm 26 thanh ghép lại); bộ trống gồm trống Samphô có hai mặt làm bằng da bò và 2 trống lớn hơn bịt bằng da trâu; kèn thổi hơi còn gọi là Srôlay-pin-piết (hoặc Srâylay rom) là loại kèn được làm bằng tre, ống kèn bằng loại gỗ quý.

Dàn nhạc ngũ âm của người Khmer
Dàn nhạc Ngũ âm của người Khmer

Trình diễn nhạc Ngũ âm:

 

Dàn nhạc Ngũ âm thường được dùng trong các nghi lễ, nghi thức truyền thống của người Khmer, nhưng nay đã được mở rộng để phục vụ du lịch. Người mới học từ 3 tháng đến 1 năm sẽ có thể chơi một vài điệu cơ bản. Hiện tại, một vấn đề lớn với nhạc Ngũ âm là thế hệ thanh niên rời quê lên phố hoặc tập trung làm việc nên ít người còn mặn mà với loại hình truyền thống này.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI