Thêm 1 đứa trẻ tử vong trên xe đưa rước: Không hành động bây giờ thì bao giờ?

30/05/2024 - 14:54

PNO - Dù có đặt ra, có ban hành bao nhiêu luật lệ, quy trình đi nữa, nhưng nếu người lớn tắc trách, trẻ vẫn gặp nguy hiểm.

Tháng 8/2019, một đứa trẻ vì bị bỏ quên suốt gần 10 tiếng trên xe đưa rước mà tử vong, ngay ngày tựu trường, đã làm rúng động cả nước. 2 người bị tuyên án tù (tài xế lái xe và bảo mẫu quản lý trên xe).

Nghị trường Quốc hội những cuộc họp sau đó cũng nóng lên với những chất vấn về trách nhiệm, quy trình... Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng ra nhiều chỉ đạo siết chặt hoạt động đưa rước học sinh; Bộ Giao thông – Vận tải cũng đưa thêm nhiều nội dung về xe đưa rước học sinh vào Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ…

Những tưởng như thế là đủ để là bài học cho những người làm công tác đưa đón, cho các cô giáo của lớp học, thậm chí là cho mọi quy trình vận hành đưa rước nào khác, dù đối tượng không phải là trẻ em... Nhưng không, đã có thêm 1 đứa trẻ 5 tuổi nữa bị bỏ quên trên xe suốt 11 tiếng, tại Thái Bình, vào ngày 29/5/2024. Đứa trẻ tử vong.

Cháu bé đã bị bỏ quên trên chiếc xe đưa đón học sinh của trường Mầm non Hồng Nhung 2
Cháu bé đã bị bỏ quên trên chiếc xe đưa đón học sinh của trường Mầm non Hồng Nhung 2 suốt 11 tiếng đồng hồ.

Tương tự trường hợp đứa trẻ của Trường quốc tế Gateway tại Hà Nội vào năm 2019, khi vụ việc đau lòng đã không còn có thể cứu vãn, người ta lại phát hiện quy trình đưa rước trẻ đã bị bỏ qua rất nhiều công đoạn.

Người quản lý trẻ trên xe không điểm danh khi trẻ lên - xuống, tài xế không hề kiểm tra xe trước khi khoá cửa, cô giáo không thông báo đến phụ huynh như một kỹ năng kiểm tra chéo khi phát hiện trẻ không có mặt ở lớp... Trong khi, đây là những bước cực kỳ cần thiết, nhiều đơn vị đã đưa hẳn thành quy trình bắt buộc đối với dây chuyền đưa rước học sinh.

Chỉ cần 1 trong 3 đối tượng - tài xế, cô quản lý, giáo viên - tuân thủ nhiệm vụ của mình trong quy trình đó, thì sự việc thương tâm đã không xảy ra. Thế nhưng, cả 3 người, đều tắc trách.

Rồi đây, các cơ quan ban ngành sẽ lại tiếp tục nghiên cứu, đặt ra các quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ trẻ – điều cần thiết phải làm. Tuy nhiên, dù có đặt ra, có ban hành bao nhiêu luật lệ, quy trình đi nữa, nhưng nếu người lớn tắc trách, trẻ vẫn gặp nguy hiểm.

Điều vô lý đến mức đau lòng là, theo báo cáo ban đầu của cơ quan điều tra, chiếc xe đón bé G.H (Thái Bình), sau khi để sót bé, đã được khóa cửa và đỗ ngay trước cổng trường chứ không phải là một bãi xe khuất, vắng nào đó. Thế mà không một ai có thể nghe được con, để cứu con ra suốt 11 tiếng đồng hồ.

Chúng ta đã bỏ qua rất nhiều yếu tố để đảm bảo an toàn cho trẻ trong tình huống cụ thể này. Bởi, nếu giống như ở một số nước, trên xe đưa rước học sinh luôn được bố trí nút liên lạc khẩn cấp với bên ngoài, hay kính xe được lắp đặt sao cho người bên ngoài luôn quan sát được bên trong, bé G.H có lẽ đã được ai đó vô tình cứu thoát.

Hoặc, nếu trên xe có lắp thiết bị cảm biến báo hiệu người/đồ vật bị bỏ quên như tại Nhật Bản, thì cô quản lý và tài xế đã phát hiện ra con…

Thực tế, việc một đứa trẻ bị bỏ quên trên xe đưa rước không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2022, ngay khi xảy ra sự việc một trẻ 3 tuổi tử vong trên xe đưa rước tại một nhà trẻ ở tỉnh Shizuoka, chính phủ Nhật Bản đã ngay lập tức yêu cầu lắp đặt thiết bị liên lạc khẩn cấp, cũng như nút cảm biến cho 44.000 xe bus đưa rước trẻ trên toàn quốc.

Nếu chúng ta cũng quyết liệt như thế sau vụ việc của học sinh trường Gateway 5 năm trước, thì có lẽ đã không có thêm trường hợp đau lòng này.

Nhưng mọi “giá như” giờ đã trở thành vô nghĩa. 2 đứa trẻ tử vong cho cùng một tình huống là điều quá đau xót, đến mức không chấp nhận được. Đã đến lúc các cơ quan ban ngành, trường học, đoàn thể giám sát… bắt tay thực hiện những yêu cầu phải có trong quy trình đưa rước này, ngay lập tức, bằng những thiết bị cụ thể, giám sát cụ thể. Từ đó, mọi sai sót, dù đã gây ra hậu quả hay chưa, cũng đều phải bị xử lý như nhau.

Bé G.H ra đi vào ngày cuối cùng của năm học, và chỉ còn 1 ngày nữa là Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6. Vào giây phút bạn bè cùng lớp bước lên bục nhận những lời chúc tại buổi tổng kết cuối năm của lớp, thì con một mình hoảng loạn và kiệt sức dần trong xe. Đây mãi mãi là nỗi đau của ngành giáo dục, và cả các ban ngành khác có liên quan, lẫn các nhà chính sách.

Nếu không quyết liệt ngay bây giờ, thì ta còn đợi đến bao giờ?

Hoàng Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI