The Woman King có buổi công chiếu đầu tiên trên toàn thế giới tại Liên hoan phim Quốc tế Toronto, vào ngày 9/9/2022 và nhận được những phản hồi khá tốt.
Các nhà phê bình khen ngợi dàn diễn viên của phim, đặc biệt là diễn xuất của nữ diễn viên chính Viola Davis, và vũ đạo hành động của phim, dưới sự chỉ đạo nữ đạo diễn người Mỹ da màu Gina Maria Prince-Bythewood (sinh năm 1969).
|
Đoàn phim The Woman King ra mắt toàn thế giới tại LHP Quốc tế Toronto, ngày 9/9/2022 |
Quân đoàn nữ chiến binh vùng Tây Phi
The Woman King do Mỹ và Canada hợp tác sản xuất, có kinh phí thực hiện thuộc hàng “bom tấn” (ước lượng 50 triệu USD). Phim kể về Agojie, một quân đoàn toàn nữ chiến binh đã bảo vệ vương quốc Dahomey ở Tây Phi trong suốt thế kỷ XVII-XIX. Tồn tại từ những năm 1600 cho đến năm 1904, họ là một trong những đội quân nữ chính thức được ghi lại trong lịch sử hiện đại. Lấy bối cảnh những năm 1820, bộ phim có sự tham gia của Viola Davis (từng chiến thắng một giải Oscar về diễn xuất trong tổng số 4 lần được đề cử). Cô vào vai một vị nữ tướng huấn luyện thế hệ chiến binh mới để chiến đấu chống lại kẻ thù muốn phá hủy đường sống của họ.
|
Nữ diễn viên Viola Davis tại buổi ra mắt phim |
Ngay sau khi The Woman King ra mắt chính thức tại Mỹ, báo The New York Times đã có những bình luận ban đầu. Rằng chuyến phiêu lưu hành động kiểu kinh điển của The Woman King là một tác phẩm giải trí sâu rộng, đồng thời cũng là câu chuyện về sự phản kháng kiên cường trước và sau máy quay. Sự thăng tiến của các nhà làm phim nữ trong thập kỷ qua là một trong những chương lớn trong lịch sử điện ảnh thế giới, và khi phụ nữ chọn lựa đấu chiến ở lĩnh vực này, họ đã ít nhiều chiếm lĩnh không gian - trên màn ảnh và trong tâm trí khán giả - vốn dĩ từ lâu đã bị khước từ phủ nhận. Con đường của họ sẽ sớm được mở rộng như mong muốn của họ.
Như một họa cảnh sơn dầu thời cổ điển, bộ phim chứa đầy những âm mưu chốn cung điện, những buổi lễ xa hoa và những trận chiến ác liệt, cùng với hàng ngàn diễn viên quần chúng trong các đại cảnh. Đó là những nét đặc trưng mà Hollywood thời hoàng kim đã từng yêu thích, đôi khi dưới dạng phô trương.
Câu chuyện, như các nhà làm phim chia sẻ, được “lấy cảm hứng” từ các sự kiện có thật, trong trường hợp này là một điều đáng kinh ngạc. Bởi các nữ chiến binh Agojie của vương quốc Dahomey, cho dẫu từng là những con người có nguồn gốc chính xác trong lịch sử, vẫn bị che khuất bởi những câu chuyện thần thoại và truyền khẩu của bộ tộc, cũng như những lời kể đầy thành kiến, và đôi khi mâu thuẫn, của các nhà quan sát châu Âu.
Lấy cột mốc thời gian vào năm 1823, người làm phim đã bắt đầu kể chuyện về đội quân lẫy lừng bằng một trận chiến hoành tráng, câu chuyện diễn ra như thể trước mắt người xem hiện tại. Màn hình luôn được lấp đầy với những chuyển động dữ dội của các phân cảnh hành động khốc liệt, đến từ những nhân vật nữ binh trong huyền thuyết.
|
Cảnh phim The Woman King |
Phim hành động đậm tính nữ
Các cảnh hành động đều bắt nguồn từ các quy luật vật lý thường thức. Ngay cả trong đêm đen tối nhất, Gina Maria Prince-Bythewood vẫn có thể giữ rịt mắt người xem nơi chiến trường và mọi sự hỗn loạn tiếp theo của cuộc chiến, kết dính về mặt thị giác và củng cố tính hiện thực của bộ phim. Nói cách khác, cô ấy đặt khán giả ngay trên mặt đất để họ có thể yên vị chứng kiến tỏ tường những nữ chiến binh bay.
|
Cảnh phim The Woman King |
Câu chuyện mang hơi hướng cường điệu với lịch sử có phần hư cấu, dao động giữa vận mệnh quốc gia và những sự kiện gây chấn động lịch sử khu vực, và sâu sắc nhất là về vấn đề buôn bán nô lệ một thời ở Tây Phi.
Trong lịch sử, Dahomey là một vương quốc đã chinh phục các quốc gia châu Phi khác và bắt công dân của họ làm nô lệ, để buôn bán nô lệ ở Đại Tây Dương. Phần lớn tài sản của vương quốc này có được từ chế độ nô lệ. Người Agojie có lịch sử tham gia vào các cuộc truy quét nô lệ, và chế độ nô lệ ở Dahomey vẫn tồn tại sau khi Đế quốc Anh ngăn chặn Dahomey tiếp tục buôn bán nô lệ ở Đại Tây Dương. Mặt khác, giấc mộng lớn của nữ thống lĩnh Nanisca và tương lai của vương quốc Dahomey cũng đang bị rối ren bởi những âm mưu của đối thủ chính của vương quốc, từ đế chế Oyo.
|
Poster phim The Woman King |
Ngay cả khi kịch bản có bị sai lệch ít nhiều về mọi khắc họa với các nhân vật cùng bối cảnh liên quan, từ các quan điểm góc nhìn khắt khe nào đó, vẫn cho thấy người làm phim thấm nhuần và nhất quán một thể tánh nữ trong cách kể chuyện phim. Nhất là khi nữ tướng Nanisca tập hợp các nữ chiến binh trẻ, tuyên thệ cùng nhau rằng thà chết trên đôi chân mình còn hơn sống bằng đầu gối.
The Woman King trong mắt giới phê bình quốc tế Trên trang web tổng hợp đánh giá Rotten Tomatoes, 94% trong số 119 bài phê bình là tích cực, với điểm đánh giá trung bình là 7,8/10. Trang Metacritic đã cho bộ phim 77/100 điểm, dựa trên đánh giá của 41 nhà phê bình, cho thấy "các đánh giá nhìn chung là thiện cảm". Khán giả được thăm dò bởi CinemaScore cũng cho bộ phim điểm trung bình "A +" trên thang điểm từ A + đến F. |
Phước Châu