PNO - Đã rất lâu rồi Hà Anh Tuấn không trở lại với những sáng tạo thật sự độc đáo từ lần gần nhất là "Nhịp phố thị" với Võ Thiện Thanh. Với "the Veston", anh đã cho thấy sự chín muồi, tư duy âm nhạc và biết kết hợp những lợi thế mới.
Hành trình âm nhạc của Hà Anh Tuấn có thể được chia thành hai giai đoạn: hoặc theo độ tuổi, hoặc theo sự nổi tiếng.
Từ trước đến nay, nếu coi nỗ lực để lại ấn tượng của anh đối với người nghe bằng những album hợp tác cùng các nhà sản xuất có tiếng như Võ Thiện Thanh, Hồ Hoài Anh, Dương Khắc Linh… là thời tuổi trẻ nhiều năng lượng, đầy sáng tạo nhưng lại ít được công chúng để ý; thì hàng loạt dự án sau với các cây viết trẻ như Phạm Toàn Thắng, Phan Mạnh Quỳnh… lại tạo được những làn sóng quan tâm rộng khắp, đưa anh lên một vị trí mà có lẽ những ngày tuổi trẻ anh từng ao ước.
Hà Anh Tuấn trong đêm the Vestonconcert
Và dự án the Veston mới đây như sự phối trộn hoàn hảo hai con đường trên; khi anh tận dụng chính sự yêu mến mình được thừa hưởng để làm những gì bản thân thích, cảm thấy tự do mà không cần quá câu nệ kết quả rồi sẽ ra sao. Như anh chia sẻ, the Veston là một hình ảnh tự do, là âm nhạc đi ra từ bản thân qua quá trình quan sát, phát triển và để dành. Đó không hẳn là việc mô tả âm nhạc, mà là nguồn cơn, là việc sống đúng với bản năng, với sự hết lòng dâng hiến những gì bản thân tin tưởng.
Nói ngắn gọn, the Veston phù hợp và vừa vặn với sự chín muồi nơi anh. Nếu Café Sáng, Nhịp Phố Thị, Cocktail năng động với sức trẻ; Fragile, Truyện ngắn lại gần với tuổi trẻ hư hao; thì the Veston tiến xa hơn thế với một hình ảnh trưởng thành - một quý ông hát tình ca trải lòng sau những chìm nổi. Nếu những album trước đó thành công theo kiểu riêng lẻ; thì đây là một concept dài hơi, được lên ý tưởng, tính toán và có đường đi nước bước thật sự rõ ràng. Một dự án tâm huyết và đầy cảm hứng của người ca sĩ hát lời qua thơ.
Mở đầu là chuỗi live session See Sing Share mùa 4 với chủ đề Trong rừng có cơn mát lành, tiếp đến là album Cuối ngày người đàn ông một mình và cuối cùng là live concert the Veston; được hỗ trợ thông qua nền tảng mở YouTube và nền tảng đóng storii. Có thể nói đây là một ý tưởng lớn, một cách quảng bá thông minh, và đã chứng minh được tính đúng đắn bằng sự yêu mến của người nghe nhạc.
The Veston không hẳn là ý tưởng mới, bởi năm 2018, live concert cùng tên đã được diễn ra tại Mỹ với ý tưởng tôn vinh những sáng tác vượt thời gian, được làm mới và phối lại trong âm hưởng Jazz trang trọng như tính chất của chiếc Veston. Hai năm sau, Hà Anh Tuấn quay lại với chủ đề này, nhưng hướng vào trong nhiều hơn, đánh dấu sự trưởng thành nơi người đàn ông sung sướng nhất là khi được làm điều ngẫu hứng không tính toán. Và đó cũng là ý niệm ta thấy rõ ràng trong dự án này.
Hàng dài khán giả xếp hàng vào dự the Veston concert tại Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt
Với See Sing Share mùa 4, đó là một không gian mở, với những nhạc cụ mộc nhất có thể - guitar thùng, sáo, accordion, didgeridoo và hang drum; Tuấn hát cùng với thiên nhiên, lắng nghe chim chóc, thả hồn vào suối. Như anh chia sẻ, đó là thách thức, là sự phức tạp hơn trong việc hiểu mình muốn làm gì. Cùng những bản phối ngẫu hứng của Thanh Phương, anh hát với sự hòa quyện vào trong thiên nhiên, để trở về là đứa bé của Chú ếch con, khi trong trẻo lúc mới vào nghề với Khúc hát chim trời, và cũng nhiều buồn phiền trong Thành phố buồn, Sao em nỡ vội lấy chồng…
Nếu live session là một thách thức khi phải hài hòa giữa mặt âm nhạc và tính ngẫu hứng; thì Cuối ngày người đàn ông một mình là một ý niệm sâu sắc hơn, trưởng thành hơn và chà xát hơn. Từ ý tưởng của chiếc Veston như đại diện cho người đàn ông, Tuấn thể hiện sự đa sắc diện của tình thế ấy, khi những người đàn ông dù có mạnh mẽ đến đâu, cuối ngày rồi cũng buông một tiếng thở dài.
Đĩa nhạc này có thể gây shock với người nghe nhạc, tuy nó khá tương đồng Acous 84’ những năm trước đó, nhưng lại mới mẻ trong cách xây dựng nội dung, diễn tả giọng hát, và hơn hết là mang cảm xúc đến với khán giả.
“Cuối ngày” ở cụm tên gọi như chỉ một không gian chung của sự hoài nhớ, nuối tiếc, mệt mỏi; và “người đàn ông một mình” là cái xước xát của đời sống bào mòn. Trong đĩa nhạc này, Tuấn đã khai thác quãng trầm của mình một cách lạ lẫm, tuy không thể nói anh hoàn toàn kiểm soát được chúng, nhưng về cảm xúc, anh đã chiến thắng, và phần nào gợi nhiều cảm hứng như Leonard Cohen. Việc cộng tác với nhạc sĩ Thanh Phương cũng tạo ra những bản phối tuyệt hảo, khi phảng phất chút world music trong Tùy hứng lý qua cầu, Mưa rừng hay đơn giản hoàn toàn với Hà Nội ngày ấy, Chuyện của mùa đông…
Và cuối cùng là concert the Veston diễn ra ngày 2 và 3 tháng Tư vừa rồi. Với concert này, ta càng thấy rõ ý tưởng của anh, khi hát lại những ca khúc từ mới đến cũ, từ boléro đến pop ballad, nhưng đều chung ý hướng về suy tư, nỗi cô đơn và sự đau khổ đôi khi cũng cần hiển hiện nơi người đàn ông. Dàn khách mời từ huyền thoại như danh ca Tuấn Ngọc, đến gương mặt mới như The Chillies cũng mang đến nhiều bất ngờ.
Tiếc thay ở concert này, sự thiếu hòa quyện với Tuấn Ngọc trong bài hát mới, việc có quá nhiều bài hát cũ và bản phối phần nào không quá đặc sắc như trong album trước đó, khiến người nghe khó tìm được sự liên kết trong chuỗi concept.
Đã rất lâu rồi Hà Anh Tuấn không trở lại với những sáng tạo thật sự độc đáo từ lần gần nhất là Nhịp phố thị với Võ Thiện Thanh. Với the Veston, anh đã cho thấy sự chín muồi, tư duy âm nhạc và biết kết hợp những lợi thế mới. Là dự án đi đầu trong việc sử dụng concept quảng bá, the Veston đầy ấn tượng và sẽ còn được nhắc nhiều hơn những năm sau này. Tuy live concert chưa thật sự đặc biệt, nhưng nhìn chung, đây là một bước tiến mới, đưa Tuấn trở về với sự sáng tạo của người nghệ sĩ, mà ta những tưởng đã mất từ lâu.