Thế vận hội Tokyo tiêu tốn 15,4 tỷ USD, số tiền đó mua được những gì?

07/08/2021 - 16:08

PNO - Chí phí chính thức cho Thế vận hội Tokyo 2020 là 15,4 tỷ USD, mà một nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) cho biết là đắt nhất trong các sự kiện tương đương được ghi nhận. Số tiền nhiều tỷ USD này có thể mua những gì?

Pháo hoa thắp sáng Sân vận động Quốc gia trong lễ khai mạc Thế vận hội Mùa hè 2020 ở Tokyo - Ảnh: AP
Pháo hoa thắp sáng Sân vận động Quốc gia trong lễ khai mạc Thế vận hội Mùa hè 2020 ở Tokyo - Ảnh: AP

Cái giá cho Thế vận hội Tokyo là 15,4 tỷ USD. Để chuẩn bị cho sự kiện thể thao toàn cầu, thủ đô nước Nhật đã xây dựng 8 địa điểm thi đấu mới. Hai công trình đắt nhất là Sân vận động Quốc gia, trị giá 1,43 tỷ USD, và trung tâm thi đấu thể thao dưới nước, có giá 520 triệu USD.

Nếu biết chi phí xây dựng một bệnh viện 300 giường ở Nhật Bản vào khoảng 55 triệu USD, thì số tiền chi cho Olympic Tokyo có thể xây dựng được gần 300 bệnh viện.

Trung bình một trường tiểu học ở Nhật Bản có giá khoảng 13 triệu USD, với mức giá đó, 15,4 tỷ USD có thể xây được 1.200 trường học.

Một máy bay Boeing 747 có giá khoảng 400 triệu USD, giá tiền của Thế vận hội Tokyo đánh đổi được 38 chiếc B-747 khổng lồ.

Vấn đề là, Thế vận hội Tokyo 2020 rất tốn kém và có thể lấn át các ưu tiên khác. Trên thực tế, một số cuộc kiểm toán của chính phủ Nhật Bản cho biết chi phí thực sự cho Thế vận hội Tokyo thậm chí còn cao hơn con số công bố, có lẽ phải lớn gấp đôi. Toàn bộ chi phí, trừ 6,7 tỷ USD, đến từ công quỹ của những người đóng thuế Nhật Bản. Theo ngân sách mới nhất, khoản đóng góp của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) là 1,3 tỷ USD. Ngoài ra, chi phí Olympic còn “sứt mẻ” thêm vài trăm triệu USD do đại dịch.

Chi phí Olympic được mổ xẻ trong một nghiên cứu của Đại học Oxford, cho thấy tất cả các Thế vận hội, kể từ năm 1960, đều có chi phí vượt mức trung bình 172%. Chi phí vượt mức của Tokyo là 111% hoặc 244% tùy thuộc vào con số chi phí bạn chọn.

“IOC và các thành phố đăng cai Olympic không quan tâm đến việc theo dõi chi phí, bởi vì việc theo dõi có xu hướng tiết lộ chi phí vượt mức, điều này ngày càng khiến IOC và các thành phố đăng cai khó xử”, Bent Flyvberg, tác giả của nghiên cứu, cho biết.

Chi phí cho Thế vận hội Tokyo là 15,4 tỷ USD - Ảnh: Getty Images
Chi phí cho Thế vận hội Tokyo là 15,4 tỷ USD - Ảnh: Getty Images

Theo dõi chi phí là một công việc tẻ nhạt để tìm ra những chi phí Olympic được phép và không được phép. “Vấn đề là không phân biệt được đâu là chi phí cho Thế vận hội và đâu chỉ là chi tiêu chung cho cơ sở hạ tầng, nhưng đã được thúc đẩy cho Thế vận hội”, Victor Matheson, nhà nghiên cứu kinh tế thể thao Đại học Holy Cross, cho biết.

Ví dụ, ông nói Đại hội thể thao Tokyo năm 1964 “là một trong những Đại hội thể thao rẻ nhất hoặc là một trong những Đại hội thể thao đắt tiền nhất, tùy thuộc vào mức độ bao nhiêu chi phí chuẩn bị được tính cho Thế vận hội”.

Thế vận hội Bắc Kinh 2008 (Trung Quốc), thường được liệt kê là tốn hơn 40 tỷ USD, và Thế vận hội mùa đông Sochi 2014 (Nga) có giá 51 tỷ USD - thường được coi “một cách sai lầm” là đắt nhất.

 “Con số của Bắc Kinh và Sochi có thể bao gồm chi phí cơ sở hạ tầng rộng hơn: đường bộ, đường sắt, sân bay, khách sạn… Con số của chúng tôi thì không”, tác giả Flyvberg viết.

Sự mờ mịt về chi phí và ai là người trả tiền cho phép IOC giới thiệu Thế vận hội như một bữa tiệc toàn cầu để kết nối thế giới lại với nhau và thúc đẩy hòa bình thế giới. Mọi người đều được lợi, và lợi ích tài chính của tổ chức IOC, phi lợi nhuận, ẩn sau những lá cờ quốc gia, nghi lễ hào hoa, và những câu chuyện thót tim về các vận động viên giành huy chương vàng và đánh bại đại dịch COVID-19.

Tokyo, tất nhiên, đã nhìn thấy ​​chi phí tăng cao khi hoãn Thế vận hội. Các quan chức Nhật Bản nói rằng sự chậm trễ đã làm tăng thêm 2,8 tỷ USD vào tổng số tiền cuối cùng. Việc hoãn tổ chức và lệnh cấm người hâm mộ vào sân sau đó đã xóa sổ gần như toàn bộ thu nhập từ bán vé, vốn được dự trù là 800 triệu USD. Sự thiếu hụt đó sẽ phải được các cơ quan chính phủ Nhật Bản, trong đó có chính quyền Thủ đô Tokyo, lựa chọn.

Các nhà tổ chức Tokyo 2020 đã huy động được số tiền kỷ lục 3,3 tỷ USD từ các nhà tài trợ trong nước, do công ty quảng cáo khổng lồ của Nhật Bản Dentsu, Inc. lèo lái. Nhưng nhiều nhà tài trợ công khai phàn nàn rằng họ đã phí tiền đầu tư, vì người hâm mộ không được vào sân. Toyota, một trong 15 nhà tài trợ hàng đầu của IOC, đã rút quảng cáo liên quan đến Thế vận hội khỏi truyền hình ở Nhật Bản vì sự bất bình của công chúng về việc tổ chức Thế vận hội giữa đại dịch.

Người chiến thắng lớn dường như là Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) có trụ sở tại Thụy Sĩ. Bằng cách tổ chức Thế vận hội, ngay cả khi không có người hâm mộ, đảm bảo thu nhập từ bản quyền phát sóng từ 3 đến 4 tỷ USD. IOC về cơ bản là một doanh nghiệp thể thao và giải trí, và gần 75% thu nhập của ủy ban là từ việc bán bản quyền phát sóng với 18% nhà tài trợ khác.

Vậy tại sao Tokyo lại muốn có Thế vận hội? Tại sao bất kỳ thành phố nào khác cũng có nguyện vọng như vậy? Nhà kinh tế học thể thao người Đức Wolfgang Maennig cho biết Thế vận hội mang lại ít thúc đẩy kinh tế. Vì vậy, giá trị của Thế vận hội phải ở chỗ khác. Ông Maennig thường ví Thế vận hội giống như tổ chức một bữa tiệc lớn cho bạn bè của bạn và bội chi, hy vọng họ ra đi vui vẻ và nhớ đến bạn một cách trìu mến.

Tô Châu (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI