Thẻ tín dụng quốc tế: Phí chồng phí, người dùng thiệt

26/03/2022 - 06:48

PNO - Để sử dụng một thẻ tín dụng quốc tế, khách hàng phải chi trả hơn 10 loại phí khác nhau. Do đó, các ngân hàng trong nước đang khuyến khích người dân dùng thẻ tín dụng nội địa để giảm phí.

Không xài thẻ cũng mất phí 

Chị M.H. (Q.10, TPHCM) cho biết, do được giới thiệu là miễn phí thường niên nên trong năm 2020, chị mở hai thẻ tín dụng tại Ngân hàng (NH) Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Sau đó, chị H. chỉ sử dụng thẻ của VPBank, còn thẻ của Eximbank thì chị để dành và chưa kích hoạt. 

Đầu năm 2022, chị nhận được thông báo, phí thường niên mỗi thẻ là 400.000 đồng/năm. “Tôi gọi đến NH, mới biết phí thường niên chỉ được miễn trong năm đầu tiên phát hành thẻ; thẻ chưa kích hoạt nhưng trạng thái tài khoản vẫn hoạt động nên vẫn tính phí” - chị H. kể. Đây chỉ là mức phí thường niên đối với thẻ tín dụng quốc tế loại thường, một số dòng thẻ cao cấp khác có phí thường niên từ 800.000 đến 3 triệu đồng/năm.

Người dùng thẻ tín dụng quốc tế đang phải gánh rất nhiều loại phí - ẢNH: THANH HOA
Người dùng thẻ tín dụng quốc tế đang phải gánh rất nhiều loại phí - Ảnh: Thanh Hoa 

Chị B.T. (Q.Bình Tân, TPHCM) đang dùng thẻ tín dụng Mastercard của NH Quốc Tế (VIB), thanh toán thẻ vào ngày 10 hằng tháng. Mới đây, chị chậm thanh toán số tiền 499.000 đồng trong hai ngày, chịu phí phạt 199.000 đồng. Theo giải thích của nhân viên NH, phí phạt là 4% số tiền chậm thanh toán, cộng với lãi suất, được quy định tối thiểu là 200.000 đồng và tối đa là 2 triệu đồng. 

Ngoài ra, khi sở hữu một thẻ tín dụng quốc tế, khách hàng còn phải trả hàng loạt chi phí phổ biến khác, như phí phát hành thẻ từ 50.000 - 825.0000 đồng/thẻ tùy hạng thường hay hạng chuẩn, phí rút tiền mặt là 3,6 - 4%/số tiền giao dịch, phí cung cấp bản sao hóa đơn giao dịch 18.000 - 72.000 đồng/hóa đơn, phí chấm dứt sử dụng thẻ 45.000 đồng/thẻ, lãi suất thẻ 15 - 36%/năm tùy NH. Một số NH cho khách sử dụng vượt hạn mức với điều kiện phải chịu phí từ 5 - 15% trên số tiền vượt hạn mức, từ 2,1 - 4% phí dịch vụ khi giao dịch quốc tế. 

Bên cạnh đó, còn hàng loạt loại phí khác, như phí thay thế thẻ, phí cấp lại thẻ/đổi thẻ, phí cấp PIN, phí không thanh toán đủ số tiền tối thiểu, phí thay đổi hạn mức, phí xác nhận hạn mức tín dụng, phí thông báo thẻ mất cắp hoặc thất lạc… 
Như vậy, người sử dụng một thẻ tín dụng quốc tế phải chịu khoảng 15 - 26 loại phí, tùy NH. Đó là chưa kể, nhiều đơn vị kinh doanh vẫn đang thu mức phí 2%/giao dịch dù NH Nhà nước Việt Nam quy định khách hàng không phải trả phí khi thanh toán bằng thẻ qua máy POS (máy cà thẻ).

Tổ chức thẻ quốc tế thu quá nhiều 

Ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Trung tâm Thẻ, NH Công Thương Việt Nam (Vietinbank) - cho biết, sở dĩ thẻ tín dụng quốc tế đang gánh nhiều loại phí là do cơ cấu phí của các tổ chức thẻ quốc tế như Visa, Mastercard, JCB, UnionPay, American Express… áp dụng cho các NH Việt Nam rất phức tạp, chia làm ba nhóm: phí cho mảng phát hành, phí cho mảng thanh toán và phí thu khác (liên quan đến hệ thống, các giao dịch tra soát). 

Trong đó, đang có tình trạng phí chồng phí trên mỗi giao dịch, tức là vừa thu theo số lượng giao dịch, vừa thu theo doanh số giao dịch. Trên một giao dịch thẻ, tổ chức quốc tế đang thu 3 - 4 loại phí như phí cấp phép, phí thanh toán, phí thương hiệu, phí chi tiêu, phí dịch vụ… “Các NH Việt Nam đang phải trả rất nhiều chi phí cho các tổ chức thẻ quốc tế, chủ thẻ cũng phải trả nhiều chi phí cho các tổ chức thẻ” - ông Phạm Đăng Khoa nói. 

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA) - cho biết, trung bình mỗi năm, tổ chức thẻ quốc tế Visa thu 270 đầu phí các loại, trong đó thu từ thanh toán 102 đầu phí, thu từ phát hành 135 đầu phí và thu các loại phí khác 33 đầu phí. Tổ chức thẻ quốc tế Mastercard thì thu 268 đầu phí các loại, trong đó thanh toán là 54 đầu phí, phát hành là 72 đầu phí và các phí khác là 142 đầu phí. Trong giai đoạn 2019 - 2020, tổng thu phí của các tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard (hai tổ chức thẻ quốc tế chiếm thị phần lớn) đối với các NH Việt Nam khoảng 200 triệu USD/năm, tương đương khoảng 5.000 tỷ đồng/năm. 

Trong tháng 8/2021, VNBA đã có văn bản kiến nghị các tổ chức thẻ quốc tế đơn giản hóa cơ chế thu phí, tránh tình trạng thu chồng phí, giảm ít nhất 50% phí xử lý giao dịch, 50% phí dịch vụ đối với nhóm dịch vụ chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 như du lịch, thời trang, trung tâm thương mại… “Các tổ chức thẻ quốc tế như Visa, Mastercard đã ghi nhận và sau đó có làm việc với các tổ chức tín dụng để xem xét và chia sẻ, sau đó sẽ căn cứ vào số lượng giao dịch của mỗi tổ chức mà có mức giảm khác nhau” - ông Nguyễn Quốc Hùng nói. 

Khuyến khích dùng thẻ nội địa 

Hiện các NH trong nước đang khuyến khích khách hàng dùng thẻ tín dụng nội địa để giảm bớt các loại phí. Ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) - cho biết, sau một năm triển khai, đến nay, có tám đơn vị phối hợp với Napas phát hành thẻ tín dụng nội địa, gồm ACB, Bảo Việt, HDBank, Sacombank, Bản Việt, Vietinbank, VietCredit, Agribank. Tính đến ngày 31/12/2021, có trên 475.000 thẻ tín dụng nội địa lưu hành trên thị trường. 

Hầu hết các dòng thẻ nội địa đều không thu phí mở thẻ, phí thường niên, phí tất toán trước hạn, phí rút tiền trong cùng hệ thống. Các đơn vị chấp nhận thẻ cũng chỉ thu phí thẻ tín dụng nội địa khoảng 0,2 - 0,3%, thấp hơn từ 7 - 10 lần so với thẻ quốc tế. Phía NH cũng tiết kiệm nhiều chi phí vận hành, giảm lệ thuộc vào các tổ chức quốc tế. 
Ông Nguyễn Quang Minh thông tin: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các NH để mở rộng phát hành thẻ tín dụng nội địa để đáp ứng nhu cầu của người dân”. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI