"The Story of Art": Hơn cả một câu chuyện về lịch sử nghệ thuật

17/10/2020 - 18:27

PNO - "Câu chuyện nghệ thuật" (The Story of Art) của nhà sử học nghệ thuật gốc Áo E.H.Gombrich được in lần đầu năm 1950.

Trong 70 năm qua, cuốn sách này đã được dịch ra gần 30 thứ tiếng với hơn tám triệu bản được bán ra toàn cầu. Ấn bản lần thứ 16 đã có mặt tại Việt Nam với bản dịch của Lưu Bích Ngọc được dàn số trang tương đương với bản gốc tiếng Anh của nhà xuất bản Phaidon, đảm bảo tương ứng giữa nội dung và hình ảnh 
minh họa.

Câu chuyện nghệ thuật mang đến cho người đọc cái nhìn khái quát về lịch sử nghệ thuật châu Âu từ thời cổ đại đến hiện đại, dựa trên những khảo sát và đánh giá của Gombrich về nhiều lĩnh vực khác nhau như hội họa, điêu khắc, kiến trúc… song hành với những chuyển biến và giao thoa của các nền văn hóa, chính trị, tôn giáo.

The Story of Art  mang đến cho  người đọc một cái nhìn khái quát về lịch sử nghệ thuật châu Âu từ thời cổ đại đến hiện đại
The Story of Art mang đến cho người đọc một cái nhìn khái quát về lịch sử nghệ thuật châu Âu từ thời cổ đại đến hiện đại

Với khoảng 60% dung lượng dành cho ảnh màu minh họa, bản tiếng Việt được bổ sung các trang gấp mô phỏng nhiều bức họa cùng tác phẩm khổ lớn, phần chú thích cuối sách cũng được cập nhật đầy đủ hơn so với các phiên bản trước đây… 28 chương sách đưa người đọc vào hành trình khám phá sự phát triển của nghệ thuật châu Âu lần lượt qua các giai đoạn: Cổ đại và Trung cổ, Phục hưng và Kiểu cách, Chủ nghĩa Baroque và Tân cổ điển, Thế kỷ XIX và Thời đại hiện đại. 

Lật giở từng chương, độc giả sẽ được dẫn dắt vào một hành trình khám phá nghệ thuật châu Âu xuyên suốt từ thời cổ đại. Chương đầu tiên là nội dung khảo sát về nghệ thuật thời tiền sử và các nền văn hóa bản địa. Bốn chương tiếp theo dành riêng cho các nền văn hóa cổ đại quy mô hơn, trong đó không thể không nhắc đến Hy Lạp và La Mã.

Bắt đầu từ chương 8, Gombrich tập trung nói về nghệ thuật Trung Âu và mang đến một cái nhìn toàn cầu hơn trong chương 24 khi đề cập đến nghệ thuật cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX ở Anh, Pháp, Mỹ. Cuối mỗi chương là hình ảnh minh họa đặc trưng cho từng giai đoạn. Những bức tranh này tạo nên một chuỗi ngắn hình ảnh độc lập minh họa cho sự thay đổi trong vị trí xã hội của nghệ sĩ lẫn công chúng.

Tuy nhiên, điều khiến The Story of Art trở thành cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ độc giả trên toàn cầu là bởi nó không sử dụng bất kỳ biệt ngữ hay các ẩn dụ lý thuyết phức tạp mà có cách viết mạch lạc, dễ hiểu với nền tảng kiến thức đa dạng.

Tác phẩm mở đầu với câu nói nổi tiếng của Gombrich: “Không có thứ gọi là nghệ thuật. Chỉ tồn tại những nghệ sĩ”. Đồng nghĩa, Gombrich xem nghệ thuật là một sản phẩm lao động sáng tạo đúng nghĩa. Chính vì thế, ông không soạn một biên niên lịch sử nghệ thuật theo kiểu phong cách hay trào lưu mà chỉ dẫn người đọc xem tác phẩm cụ thể của từng nghệ sĩ và hướng dẫn họ cách nhìn, cách so sánh, cách suy tưởng nhằm tăng cường khả năng tri nhận của người đọc, giúp họ hiểu được mục đích, phương thức sáng tác của từng nghệ sĩ.

Điều khiến người ta thán phục là tầm nhìn của Gombrich khi cách đây gần trăm năm, ông đã bày tỏ nỗi e dè với kiểu người đọc chỉ nhớ tên nghệ sĩ, các trào lưu, phong cách nghệ thuật để khoe mẽ kiến thức trước đám đông. The Story of Art chính là món quà hồi đáp của Gombrich nhằm giúp người đọc giữ được thái độ thưởng thức nghệ thuật với quan điểm lịch sử, có tính khoa học đúng đắn, thay vì khua môi múa mép với mớ kiến thức thuộc lòng sáo rỗng.

Minh Nguyễn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI