Ngày 30/3, Bruce Willis tuyên bố giải nghệ sau khi được chẩn đoán mắc hội chứng bất lực ngôn ngữ (aphasia). Gia đình Bruce cảm ơn người hâm mộ, thông báo vấn đề sức khỏe làm ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của ông. “Sau khi cân nhắc kỹ, Bruce Willis sẽ ngừng diễn xuất - công việc rất có ý nghĩa với ông ấy. Đây là khoảng thời gian thách thức với gia đình và chúng tôi rất biết ơn tình yêu, sự đồng cảm và ủng hộ từ các bạn” - họ chia sẻ.
Làng giải trí Âu Mỹ nhanh chóng động viên và bày tỏ tình cảm dành cho một trong những ngôi sao lừng danh nhất của họ. Sinh năm 1955, Bruce Willis nổi tiếng từ thập niên 1980 với các phim hài tình cảm, sau đó khẳng định tên tuổi trong nhiều bom tấn hành động, tiêu biểu như loạt Die hard. Vài năm qua, Bruce Willis đánh mất phong độ, tham gia nhiều bộ phim bị chê bai. Thậm chí năm nay, giải Mâm xôi vàng còn tạo một hạng mục riêng để chế giễu các phim dở của ông. Tuy nhiên, ban tổ chức đã hủy bỏ giải này sau khi biết bệnh tình của tài tử.
Có một Bruce Willis rất khác trên màn ảnh
Thời còn khỏe mạnh, Bruce Willis từng chứng minh khả năng diễn xuất ở nhiều tác phẩm đa dạng. Bằng nỗ lực không ngừng, ông thoát khỏi định kiến vào cuối thế kỷ XX rằng các ngôi sao hành động luôn đóng rất đơ cứng. Bruce góp mặt trong nhiều tác phẩm được đánh giá cao như Death becomes her (1992), Pulp fiction (1994), 12 Monkeys (1995), The sixth sense (1999) và Unbreakable (2000).
Trong đó, The sixth sense (Giác quan thứ sáu) là tác phẩm đặc biệt khi Bruce Willis phải rời xa hình tượng hành động quen thuộc của mình. Ông hóa thân một nhà tâm lý tên Malcolm sống ở Philadelphia (Mỹ). Một ngày nọ, sau khi được vinh danh, Malcolm trở về ngôi nhà ấm áp cùng người vợ Anna (Olivia Williams). Một gã trai trẻ đột nhập vào nhà, kết tội Malcolm đã thất bại trong việc giúp anh ta vượt qua các vấn đề của mình. Gã trai nã đạn vào vị chuyên gia tâm lý rồi tự sát.
Nhiều tháng sau, Malcolm bắt đầu gặp gỡ Cole Sear (Haley Joel Osment), một bé trai chín tuổi. Anh quyết tâm giúp đỡ cậu bé để xoa dịu nỗi đau thất bại trong quá khứ. Cole tiết lộ với chuyên gia tâm lý rằng mình có thể nhìn thấy người chết nhưng Malcolm cho là cậu bị hoang tưởng. Trong lúc đó, Anna ngày càng xa cách, không mặn nồng với chồng như xưa.
|
The sixth sense được đánh giá là có một trong những hồi kết hay nhất lịch sử điện ảnh |
The sixth sense chinh phục khán giả nhờ câu chuyện nhân văn và cái kết bất ngờ từ đạo diễn kiêm biên kịch M. Night Shyamalan. Trong dàn diễn viên, sao nhí Haley Joel Osment được chú ý nhất với màn trình diễn xuất thần. Song, Bruce Willis cũng là mảnh ghép không thể thiếu trong thành công của tác phẩm. Tài năng của ông ở đây là mang đến một nhân vật trầm ấm, nhẹ nhàng để dẫn dắt người xem trong câu chuyện đậm chất tâm linh.
Giới phê bình Âu Mỹ gọi đây là tác phẩm để Bruce Willis tái định vị bản thân. Trước đó, tài tử gắn liền với kiểu hình ảnh đàn ông ngầu đời của Âu Mỹ. Nhưng trong The sixth sense là một Bruce Willis rất khác, không khoe cơ bắp mà diễn nội tâm và làm chủ nhân vật. Anh không đánh đấm mà dùng nét mặt và những câu nói để hóa thân một chuyên gia tâm lý.
Trailer phim The sixth sense:
Malcolm là người đàn ông tràn đầy nỗi niềm về nghề nghiệp và gia đình. Bản thân công việc trong ngành tâm lý đã đủ khiến con người chịu sức ép lớn khi phải tiếp xúc đủ kiểu người. Malcolm còn thuộc mẫu người hết lòng muốn giúp đỡ người khác, luôn trăn trở về sai lầm năm xưa. Anh cũng cố tìm cách hàn gắn với vợ mình sau vụ tai nạn. Điều oái oăm được đặt ra sau phần đầu phim là liệu một chuyên gia tâm lý như Malcolm có thể tìm được cách để giữ gìn hạnh phúc trong chính ngôi nhà của mình.
Vai của Bruce Willis là mẫu nhân vật đặc biệt bởi trong hầu hết thời lượng, người đàn ông ấy không biết sự thật về bản thân mình. Nam diễn viên phải thuyết phục người xem tin vào điều Malcolm tin trong từng cảnh quay, để rồi giải tỏa cảm xúc dồn nén ở đoạn cuối. Hồi kết của The sixth sense được đánh giá là một trong những hồi kết hay nhất lịch sử điện ảnh, cũng nhờ diễn xuất tròn trịa của Bruce Willis - điều giới phê bình có phần xem nhẹ khi phim ra mắt.
|
Trong The sixth sense, Bruce Willis phải rời xa hình tượng hành động quen thuộc của mình để hóa thân một nhà tâm lý |
Câu chuyện tâm linh nhân văn
Năm 1999, hai “ngôi sao” được ca tụng nhiều nhất trong The sixth sense là Haley Joel Osment và đạo diễn M. Night Shyamalan. Nhưng càng về sau, giới phê bình càng chú ý hơn đến màn trình diễn của Bruce Willis. Chính Haley Joel Osment cũng thừa nhận may mắn khi được làm việc cùng Bruce cũng như học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ ông. Việc chọn tài tử hành động đóng vai ngược sở trường cũng được xem là quyết định mạo hiểm của đoàn phim nhưng về sau hóa ra là đúng đắn.
Công chiếu ở Mỹ từ tháng 8/1999, The sixth sense là hiện tượng hiếm thấy ở phòng vé. Bộ phim không khởi đầu quá hoành tráng nhưng giữ mức doanh thu ổn suốt nhiều tuần. Thành công này là nhờ hiệu ứng truyền miệng, khi khán giả rỉ tai nhau về chất lượng tác phẩm. Phim kết thúc với doanh thu 672 triệu USD toàn cầu, trong khi kinh phí chỉ 40 triệu USD.
Điều thú vị là người xem vẫn đổ xô đến rạp dù cú twist trong phim đã được biết đến rộng rãi sau khi phim công chiếu. Có thể nói, tác phẩm không phải kiểu phim giật gân chỉ thu hút nhờ sự bất ngờ. Chất lượng tổng thể của phim nằm ở câu chuyện nhiều lớp lang và tính nhân văn. Quá trình Malcolm giúp đỡ cậu bé Cole cũng là hành trình để anh chữa lành nỗi đau của chính mình.
|
Nhà làm phim gốc Ấn M. Night Shyamalan đã kết hợp thành công chủ đề tâm linh, gia đình của người châu Á vào bộ phim lấy bối cảnh Mỹ |
Dù có nhiều cảnh hù dọa, The sixth sense vượt hẳn các phim kinh dị thời đó. Tác phẩm hướng đến phong cách hiện thực huyền ảo, sử dụng tâm linh như tiền đề cho câu chuyện về con người. Sự cô đơn của con người vốn là chủ đề thường thấy trong phim của M. Night Shyamalan. Malcolm và Cole đều là hai kẻ lạc loài khỏi đời sống xã hội: một bởi hoàn cảnh đặc biệt và một do khả năng kỳ lạ của mình. Thế nhưng, bằng cách nào đó, họ lại gắn kết lạ thường và cùng nhau đi đến cái đích là giúp cho cuộc sống người còn lại trở nên tốt đẹp hơn.
Tác phẩm nhận được sáu đề cử Oscar và thường xuyên vào top các phim hồi hộp hay nhất lịch sử. Nhiều diễn viên đã gặt hái thành quả từ The sixth sense, như Haley Joel Osment và Toni Collette (vai mẹ của Cole) nhận đề cử Oscar diễn xuất. Với Bruce Willis, đó là lời khẳng định thực lực của một tài tử có thể hóa thân nhiều dạng vai. Chỉ một năm sau, Shyamalan mời Bruce tham gia Unbreakable - bộ phim siêu anh hùng theo mô-típ khác lạ. Năm 2019, Bruce lại đóng Glass, tác phẩm cùng với Unbreakable và Split hoàn thành một bộ ba phim đen tối và thú vị của Shyamalan về chủ đề siêu năng lực. |
Nhà làm phim gốc Ấn M. Night Shyamalan đã kết hợp thành công chủ đề tâm linh, gia đình của người châu Á vào bộ phim lấy bối cảnh Mỹ, làm nên chất riêng cho The sixth sense vào thời điểm đó. Shyamalan, một tín đồ điện ảnh thuần thành, đã học hỏi nhiều từ các bậc thầy như Kubrick và Tarkovsky. Phim có nhịp độ vừa đủ để khán giả theo dõi, trong đó một số cảnh mang tính điềm báo và cài cắm ẩn ý.
Cảnh mở đầu phim cho thấy tài năng của đạo diễn khi tạo được không khí sợ hãi từ từ lớn dần trong căn nhà của Malcolm. Khi kẻ xâm nhập xuất hiện, câu chuyện lại hướng sang những nỗi đau tâm lý được Donnie Wahlberg thể hiện xuất thần. Chúng kết nối hoàn hảo với phần sau phim, khi Malcolm hiểu ra mọi chuyện và tránh lặp lại sai lầm năm xưa.
Nghệ thuật điện ảnh của Shyamalan cũng biến The sixth sense thành bộ phim đáng xem hai lần. Sau khi đã biết cú twist, ở lần xem thứ hai, khán giả sẽ có góc nhìn khác về từng cảnh quay mà đạo diễn dụng công để câu chuyện hợp lý.
Ân Nguyễn