The Shining (Thị Kiến): Từ đề cử giải Mâm xôi vàng trở thành phim kinh điển

23/04/2024 - 19:57

PNO - Bộ phim The Shining (tạm dịch: Thị kiến) năm 1980 của đạo diễn huyền thoại Stanley Kubrick, hồi mới ra mắt đã phải đón nhận rất nhiều bình luận tiêu cực từ giới phê bình phim. Thậm chí bộ phim còn nhận được 2 đề cử gây sốc trong hạng mục “Đạo diễn tệ nhất” và “Nữ diễn viên tệ nhất” tại giải thưởng Mâm xôi vàng tổ chức lần đầu tiên vào năm 1981.

Mâm xôi vàng (Golden Raspberry Awards hay Razzies) là một giải thưởng điện ảnh được lập ra vào năm 1980, trao cho những tác phẩm điện ảnh, các vai diễn và các hạng mục khác liên quan đến điện ảnh được coi là... dở nhất trong năm của điện ảnh Mỹ.

Những cuốn sách bị ném vào thùng rác

Năm 1977, John Calley - Giám đốc điều hành hãng phim Warner Bros. - đã gửi cho Stanley Kubrick bản sao từ bản thảo cuốn tiểu thuyết thứ ba của nhà văn Stephen King, chuyên viết truyện kinh dị.

Hồi ấy, nhà văn Stephen King được cho biết rằng Stanley Kubrick đã yêu cầu nhân viên mang đến cho ông hàng chồng sách kinh dị để ông đọc: "Thư ký của Stanley Kubrick nghe thấy âm thanh của từng cuốn sách đập vào tường mỗi khi nhà làm phim ném nó vào đống sách rác, sau khi đọc xong vài trang đầu tiên. Cuối cùng, ngày nọ, người thư ký nhận thấy đã lâu rồi cô không nghe thấy tiếng sách bị ném đi. Cô bước vào để kiểm tra và thấy nhà làm phim đang mải mê đọc một bản sao từ bản thảo The Shining của Stephen King”.

Một cảnh ấn tượng trong phim với khoảnh khắc diễn xuất để đời của Jack Nicholson
Một cảnh ấn tượng trong phim với khoảnh khắc diễn xuất để đời của Jack Nicholson

Tại thời điểm ấy, Stephen King đã là tác giả có sách bán chạy nhất, sau khi bộ phim cùng tên chuyển thể từ tiểu thuyết đầu tay của ông là Carrie thành công ngoài sức tưởng tượng. Stephen King cũng chính thức bước lên đài danh vọng từ đó.

Không cùng tầng bay

Chẳng hạn, vai nhân vật nam chính - một nhà văn biến thái nhân cách - do Jack Nicholson thủ diễn. Đó cũng là sự lựa chọn đầu tiên của đạo diễn Stanley Kubrick cho vai này. Các diễn viên khác được cân nhắc bao gồm Robert De Niro, Robin Williams, Harrison Ford nhưng tất cả đều vấp phải sự phản đối của Stephen King. Tiểu thuyết gia lại thích Jon Voight, Michael Moriarty hoặc Martin Sheen cho vai diễn trên - những người sẽ thể hiện trung thực hơn về tính cách của một cá nhân bình thường đang dần dần phát điên trong bối cảnh câu chuyện.

Vào năm 2018, bộ phim The Shining được Thư viện Quốc hội Mỹ chọn để lưu giữ trong Cơ quan Đăng ký Phim Quốc gia Mỹ vì “có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử và mỹ học”.

Hẳn nhiên Stephen King cũng có lý khi cho rằng với Jack Nicholson, người xem sẽ có xu hướng coi ông là một người không ổn định ngay từ đầu. Bởi trước đó, Jack Nicholson đã ghi dấu ấn mãnh liệt với khán giả đại chúng khi vào vai một bệnh nhân tâm thần nổi loạn trong bộ phim One Flew Over the Cuckoo's Nest (tên tiếng Việt: Bay qua tổ chim cúc cu) của đạo diễn Miloš Forman, ra mắt năm 1975.

Ngặt nỗi, trong câu chuyện hậu trường làm nghề được công bố sau này, khi được hỏi điều gì đã thu hút Stanley Kubrick đến với ý tưởng chuyển thể cuốn tiểu thuyết của một nhà văn đang bắt đầu nổi tiếng, nhà sản xuất và điều hành của Stanley Kubrick tiết lộ rằng nhà làm phim muốn "thử sức" trong thể loại phim đó, với điều kiện có thể thay đổi đôi chút với tiểu thuyết của Stephen King. Điều kiện này sẽ được đảm bảo bằng hợp đồng. Về cơ bản, ngay từ đầu, tác giả cuốn sách cũng đã được thông báo chính thức rằng nam diễn viên cho vai chính của dự án phim chuyển thể này là "không thể thương lượng".

Hơn nữa, Stanley Kubrick đã từ chối phiên bản đầu tiên của bản nháp kịch bản phim do chính Stephen King viết vì coi đó là một bản chuyển thể quá bám sát từ tiểu thuyết nên thiếu sự sáng tạo. Thay vào đó, theo Stanley Kubrick, Diane Johnson - lúc đó đang giảng dạy về tiểu thuyết Gothic tại Đại học California ở Berkeley - dường như phù hợp hơn với dự án.

Đạo diễn Stanley Kubrick với các phim từng thực hiện
Đạo diễn Stanley Kubrick với các phim từng thực hiện

Mối quan hệ mang tính “đồng sàng dị mộng” giữa nhà văn và nhà làm phim trong dự án phim kinh dị chuyển thể từ tiểu thuyết này cũng là lần hợp tác duy nhất của họ, cuối cùng đã dẫn đến những sự bất đồng sâu sắc khi phim The Shining hoàn thành và ra mắt vào năm 1980.

Stephen King cho rằng dù Stanley Kubrick đã làm ra một bộ phim với hình ảnh đáng nhớ nhưng nó lại là một bản chuyển thể kém vì quá sai lệch với tác phẩm văn học gốc và đó là bản chuyển thể duy nhất từ tiểu thuyết của ông mà ông thấy "ghét".

Stephen King (sinh năm 1947) là tác giả người Mỹ chuyên viết tiểu thuyết thể loại kinh dị, siêu nhiên, hồi hộp, tội phạm, khoa học viễn tưởng và giả tưởng. Được xem là “Vua kinh dị”, các cuốn sách của ông đã bán được hơn 350 triệu bản, nhiều cuốn đã được chuyển thể thành phim điện ảnh, phim truyền hình dài tập, truyện tranh. Stephen King đã xuất bản hơn 65 tiểu thuyết, viết khoảng 200 truyện ngắn... Năm 2015, ông được trao tặng Huân chương Nghệ thuật quốc gia từ Quỹ Nghệ thuật quốc gia Mỹ vì những đóng góp cho văn học.

Giải oan chậm

Tuy thế, Stephen King cũng từng đánh giá công tâm rằng Stanley Kubrick nằm trong số "những nhà làm phim có tầm nhìn cụ thể rõ ràng và quyết liệt đến mức... nỗi sợ thất bại không bao giờ trở thành một yếu tố trong phương cách hành xử".

2 đề cử Mâm xôi vàng mà The Shining từng nhận được hồi năm 1981: Đạo diễn tệ nhất và Nữ diễn viên chính tệ nhất (dành cho Shelley Duvall) vốn dĩ gây tranh cãi trong nhiều năm sau đó, mãi đến tận năm 2022 mới bị hủy bỏ (do Ủy ban Mâm xôi vàng rút lại). Một phần do bộ phim đã được nhìn lại với đúng giá trị sáng tạo vô biên của Stanley Kubrick, phần khác còn bởi thông tin hậu trường làm phim được hé lộ. Được biết, trong suốt quá trình quay phim, đạo diễn Stanley Kubrick đã thúc ép đến độ ngược đãi Shelley Duvall rất nhiều. Nhà làm phim này từng yêu cầu một cảnh quay phải thực hiện lại 127 lần khiến Shelley Duvall bị triệt tiêu về kỹ thuật diễn xuất và căng thẳng tột độ đến mức rụng tóc trong thời gian thực hiện bộ phim. Stanley Kubrick cũng thường xuyên thay đổi lời thoại trong kịch bản khiến nữ diễn viên gặp áp lực. Có lúc Shelley Duvall ngã quỵ vì kiệt sức trên phim trường.

Một cảnh trong phim  phải quay đi quay lại 127 lần
Một cảnh trong phim phải quay đi quay lại 127 lần

Vinh danh muộn

Tại thời điểm vừa ra mắt, phim vấp phải nhiều phản ứng tiêu cực từ giới phê bình quốc tế, với mức doanh thu khởi đầu ảm đạm tại phòng vé. Thế nhưng, khi kết thúc công chiếu, phim vẫn đạt doanh thu hơn 44 triệu USD (kinh phí sản xuất là 19 triệu USD). Sự vinh danh đã đến muộn với bộ phim kinh điển của thể loại phim kinh dị. Vào năm 2005, Total Film xếp hạng The Shining là phim kinh dị hay thứ năm mọi thời đại. Đạo diễn Martin Scorsese đã xếp nó vào danh sách 11 bộ phim kinh dị đáng sợ nhất mọi thời đại. Các nhà toán học tại Đại học King's College London (KCL) đã sử dụng mô hình thống kê trong một nghiên cứu do Sky Movies ủy quyền để kết luận rằng The Shining là "bộ phim đáng sợ hoàn hảo" do có sự cân bằng hợp lý của nhiều thành tố, bao gồm giá trị gây sốc, hồi hộp, máu me và quy mô dàn diễn viên. Đến năm 2010, báo The Guardian lần nữa xếp hạng The Shining trong danh sách "phim kinh dị hay nhất mọi thời đại" ở vị trí thứ năm.

Châu Quang Phước - Nguồn ảnh: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI