The Sacrifice: Phế tích tráng lệ

06/12/2020 - 12:59

PNO - “The Sacrifice”, tác phẩm cuối cùng của đạo diễn bậc thầy người Nga Andrei Tarkovsky, là một khám phá đầy hư ảo về nỗi tuyệt vọng và đức tin của con người.

Vi tế mà tráng lệ, mơ hồ nhưng cũng phức tạp đến cùng cực, The Sacrifice vừa bảng lảng kỳ ảo như một giấc mơ, lại vừa lắt léo như một mê cung mà ở đó con người không thể tìm được lối thoát.

Bộ phim bắt đầu bằng việc thiết lập một sự tương phản rõ rệt: Alexander đang kỷ niệm ngày sinh nhật với gia đình và bạn bè, nhưng từ sâu bên trong ông, nỗi tuyệt vọng không ngừng tuôn trào như suối. Cái ngày đặc biệt ấy, cái ngày nhắc nhở ông về sự hiện tồn của mình trên mặt đất, hóa ra lại đánh thức những nỗi sợ, sự bất an và hoài nghi thế giới mà bấy lâu ông chôn vùi trong tâm khảm.

Đó là nguồn cơn dẫn đến sự phản tỉnh đầy cay đắng của Alexander. Với niềm hy vọng tối thượng là cái đẹp và đức tin, ông lấp đầy cuộc đời mình bằng triết học, tôn giáo và nghệ thuật để chiến đấu với sự bạo lực và vô minh của thế giới. Tuy nhiên, dường như những vũ khí ấy cũng đã cùn mòn; chúng không còn đủ sức mạnh để cứu rỗi Alexander hay nhân loại khỏi ngày tận diệt.

The Sacrifice đem đến một cảm thức bi quan, khi đến tận cùng, con người chỉ là những sinh vật đang vùng vẫy tuyệt vọng trong một thế giới đầy bất trắc. Chênh vênh giữa sự hư vô của kiếp người và những biến cố thời đại, con người dễ dàng rơi vào khủng hoảng vì thiếu vắng những trụ cột tinh thần. Ở đó, người ta thiết tha tin tưởng nhưng cũng không ngừng hoài nghi chính niềm tin của mình.

Đẹp đẽ và u hoài, The Sacrifice đem đến cảm thức bi quan về tương lai tăm tối của con người
Đẹp đẽ và u hoài, The Sacrifice đem đến cảm thức bi quan về tương lai tăm tối của con người trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh

Trong khoảnh khắc tột cùng của tuyệt vọng, Alexander đã khẩn cầu sự đoái hoài và cứu rỗi của Thiên Chúa. Qua lời khấn nguyện, ông sẵn sàng hiến dâng cuộc đời mình và những gì mình sở hữu để thoát khỏi nỗi sợ hãi đang vây bủa. Thế nhưng, dường như ông cũng bất lực với đức tin của mình, bởi Chúa thì vô hình, còn cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân có thể châm ngòi cho Thế chiến III lại hữu hình hơn tất thảy.

Do đó, The Sacrifice mang diện mạo của một châu Âu già cỗi đang cùng kiệt vì chiến tranh, khi những giá trị cổ điển không thể giải phóng con người khỏi ngục tù tinh thần.

Khi xem tin tức thời sự trên TV, người vợ Adelaide của Alexander đã liên tục gào khóc vì hoảng loạn. Bà lặp đi lặp lại: “Các ông là đàn ông thì hãy làm gì đi chứ”. Thế nhưng, khi đã mắc kẹt trong một nền văn minh "què quặt", người ta có thể làm gì? Với Alexander, đấy là nền văn minh được xây đắp bằng bạo lực, đàn áp và phản trắc, khiến con người gây ra những điều ác với đồng loại và thiên nhiên. Ông cho rằng, đã quá muộn để thay đổi thế giới khi con người vẫn không ngừng u mê.

Tuy nhiên, với đạo diễn Tarkovsky, có lẽ ông vẫn tin rằng điện ảnh có thể đem đến “cái gì từa tựa lẽ phải” (Nguyễn Huy Thiệp) cho con người khi đứng trước tai ương của số phận. Do đó, ông mới làm một bộ phim đặc quánh nỗi tuyệt vọng và những sang chấn tinh thần như The Sacrifice với sự duy mỹ và tinh tế đã được mài giũa qua 24 năm đứng trên đỉnh vinh quang.

Từng khung hình trong The Sacrifice đều chạm đến một tiêu chuẩn thẩm mỹ rất cao về bố cục, ánh sáng và màu sắc. Ở đó, các cảnh quay trong nhà tạo cảm giác xa hoa, sang trọng nhưng tù túng, gợi hình dung về một không gian lạnh lẽo, u ám không ngừng vây hãm nhân vật. Trái lại, cảnh ngoài trời, qua những góc quay rộng, lại mênh mông và khoáng đạt, đem đến ý niệm về thiên nhiên như một sự chữa lành tâm hồn.

Mặt khác, Tarkovsky cũng rất tài tình khi kết hợp cảnh quay màu với những khung hình đen trắng. Nếu màu sắc diễn tả những biến động trong đời sống và tâm trạng của nhân vật – màu xanh tươi mát của cây cối và dòng sông, màu đỏ của ngọn lửa cháy rừng rực, màu đen thẫm của làn khói khi ngôi nhà oằn mình sụp đổ…, thì cảnh quay đen trắng lại phô bày một thứ mỹ cảm diệu vợi và hư ảo.

Sự tương phản của hai tông màu đem đến một chiều sâu không tưởng cho khung hình, khiến chúng như thuộc về một thế giới khác, vượt lên trên mọi định nghĩa và diễn giải.

Những khung hình đen trắng của The Sacrifice đều tráng lệ và trừu tượng
Những khung hình đen trắng của The Sacrifice đều tráng lệ và trừu tượng

Trong The Sacrifice, song hành cùng những khung cảnh tráng lệ là những âm thanh hết mực vi tế. Chúng giống như tiếng bi lăn trên sàn, tiếng gió, tiếng ngôi nhà rung lắc, hay tiếng những vật thể va chạm vào nhau và đổ vỡ. Vừa quen thuộc vừa xa lạ, chúng sở hữu một nhịp điệu riêng, như vọng lại những linh cảm về tai họa sắp tới của loài người.

Cùng với đó là âm nhạc cổ điển do J.S.Bach sáng tác, thứ âm nhạc thoát tục như đến từ những thánh đường. Tất cả tạo nên một trải nghiệm điện ảnh kỳ vĩ khó lòng tìm thấy ở bất cứ đâu.

Và giống như âm nhạc của Bach, bộ phim của Tarkovsky dường như cũng muốn dẫn lối con người đến với niềm hy vọng, dù là mong manh nhất.

Trailer phim The Sacrifice: 

 

 

Ở đầu phim, Alexander đã cùng đứa con nhỏ trồng một cái cây bên bờ sông. Ông kể cho cậu nghe chuyện về một vị tu sĩ yêu cầu môn đồ của mình tưới cho một cái cây khô trên sườn núi. Kết quả là sau ba năm ròng rã, cây đã nở hoa. “Thế giới sẽ thay đổi khi con người chuyên tâm làm một điều gì đó”, ông kết luận.

Sau đó, bộ phim khép lại ở cảnh cậu bé múc nước tưới cây rồi nằm dưới tán cây để nhìn ngắm bầu trời. Với cái nhìn ấy, cậu thu cả thế giới vào trong tầm mắt mình. Đó là một thế giới giản đơn và tươi đẹp, không có đau đớn, bất hạnh hay bế tắc đến hóa điên như những gì người lớn trong gia đình cậu trải qua. Đoạn kết này mang đến một niềm hy vọng, rằng ngày nào đó mọi hận thù sẽ được hóa giải, và thế giới sẽ trở lại trong ngần như ánh mắt của trẻ thơ.

*Tựa bài lấy cảm hứng từ cuốn sách Phế tích tráng lệ của Jess Walter

Minh Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI