TTheo tìm hiểu của chúng tôi, các sản phẩm này dưới dạng hàng xách tay và chủ yếu rao bán qua các diễn đàn, mạng xã hội. Tại fanpage Shopping US, phía người bán cho biết, đang có sẵn ví xách tay từ Mỹ có công nghệ RFID (nhận dạng qua tần số vô tuyến) chống trộm mã thẻ từ, thẻ tín dụng ngân hàng với giá 900.000 đồng/sản phẩm. Một số trang bán hàng khác thì gọi đây là ví chặn RFID, cũng đều là hàng xách tay từ Nhật, Hàn, Mỹ.
Đặc điểm chung của dòng ví này là có rất nhiều khe cắm thẻ tín dụng (từ 6 - 22 khe), một miếng thẻ từ gắn kèm vào ví có logo sóng wifi với dòng chữ chặn “RFID”. Nếu sản phẩm ví không kèm miếng thẻ từ chắn sóng RFID thì được làm bằng chất liệu có khả năng chặn được sóng này. “Hiện, tất cả thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ được phát hành có gắn chip RFID lưu trữ tất cả thông tin cá nhân khách hàng. Kẻ gian có thể dùng thiết bị lướt qua các thẻ có gắn chip RFID để lấy cắp thông tin thẻ. Do đó, để ngăn chặn dữ liệu bị đánh cắp, cần phải ngăn việc lướt qua sóng RFID trên bộ lưu trữ thẻ bằng các thiết bị hoặc vật liệu chặn sóng RFID”, một chủ cửa hàng nói.
|
Rất nhiều sản phẩm ví, túi rao bán trên mạng được quảng cáo có khả năng chặn sóng RFID |
Ngoài ra, trên các trang thương mại điện tử còn rao bán nhiều loại túi nhựa chắn sóng RFID, thoạt nhìn như hộp nhựa đựng danh thiếp. Sản phẩm quảng cáo nhập từ Mỹ nhưng chỉ có giá 25.000 đồng/túi. “Do được làm bằng chất liệu nhựa Dupont Tyvek nên chỉ cần bỏ thẻ tín dụng vào túi này sẽ chắn được các sóng RFID, tránh mất tiền trong thẻ”, một người bán trên Shopee nói.
Trong khi đó, các loại đầu đọc RFID cũng được rao bán và quảng cáo có thể nhận dạng người thuộc đối tượng nguy cơ hoặc đang nhiễm COVID-19. Sản phẩm sẽ giúp phát hiện những người đã được ngành y tế theo dõi, giám sát đang không thực hiện cách ly. Vì những người này thường có RFID tích hợp trong mã vạch, có thể trên vòng đeo tay, thẻ…(?).
Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, RFID còn được gọi là công nghệ nhận dạng qua tần số vô tuyến radio hoặc liên lạc với nhau nhờ sóng radio. Hiện lĩnh vực ứng dụng RFID ngày càng nhiều. Ví dụ chỉ cần đặt sản phẩm có gắn tem, nhãn có RFID gần máy quét là có thể biết thông tin, giá cả về sản phẩm để thanh toán; hoặc đưa thẻ từ có RFID vào máy quét là có thể vào thang máy chung cư. Năm 2020, một bệnh viện phụ sản tại tỉnh Bình Dương cũng ra mắt cặp thẻ đeo thông minh có công nghệ RFID cho mẹ và bé; có cài đặt cùng mã số nhận diện, cùng lúc đeo tay mẹ, trên cổ chân của bé để chống giả mạo, theo dõi được vị trí của mẹ và bé…
Các ngân hàng gần đây cũng sử dụng nhiều loại thẻ tín dụng, thẻ thanh toán không tiếp xúc có ứng dụng công nghệ RFID để giúp thông tin giao dịch nhanh hơn, lưu trữ thông tin gấp 13 lần để tích hợp nhiều tiện ích trên cùng một thẻ, tăng tính bảo mật, hạn chế làm thẻ giả, không cần xuất trình thẻ cho người bán hàng… Một số quốc gia trên thế giới đã tích hợp RFID vào hộ chiếu cho công dân.
Trước đây, rộ lên thông tin kẻ gian có thể đánh cắp thông tin thẻ nhờ sóng RFID khiến nhiều hãng sản xuất ví, túi xách, thậm chí quần jeans có chức năng chặn sóng RFID. Theo lý giải thì kẻ gian sẽ mua một chiếc máy đọc, lén quét vào các ví hoặc túi quần có chứa thẻ tín dụng gắn công nghệ RFID để ăn cắp thông tin thẻ tín dụng. Việc dùng ví chắn sóng RFID sẽ chặn được kẻ gian. Song theo ông Võ Đỗ Thắng, người dân không cần phải sử dụng các ví, túi xách chặn sóng RFID này. Bởi hiện nay, các thẻ tín dụng có RFID được bảo mật rất tốt, cho dù máy quét kẻ trộm có đặt gần thì chỉ phát sóng một đoạn mã giao dịch đã được mã hóa, không thể có thông tin thẻ, chủ thẻ, càng không có dãy số CCV. Hơn nữa, các ví, túi chặn sóng RFID không có tác dụng như quảng cáo, chỉ đánh vào tâm lý lo sợ của người dùng là chính.
Một bác sĩ công tác tại một bệnh viện lớn tại TP.HCM thông tin, có thể gần đây một số tờ báo nước ngoài thông tin năm 2022 Mỹ sẽ ra mắt vắc-xin có gắn chip RFID. Theo đó, khi tiêm loại vắc-xin này, người tiêm được dễ dàng theo dõi mà không cần phải đeo vòng tay nhận dạng như hiện nay. Cũng từ đây, trên mạng xã hội rộ lên thông tin tem nhãn có RFID sẽ nhận dạng được người có nguy cơ và đang mắc COVID-19, trong khi đó chỉ là những con tem giấy, có thể xé rách bất cứ lúc nào và cũng không hiểu bằng cách nào để nhận dạng được người mắc COVID-19?
Sản phẩm từ giun đất cũng quảng cáo ngừa COVID-19
Gần đây nổi lên nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo diệt được vi-rút COVID-19. Như sản phẩm viên uống D.R.G, được chiết xuất từ địa long (giun đất) được quảng cáo sẽ chặn đứng các triệu chứng ho, đau họng, sốt, nhức đầu, viêm phổi, khó thở, đau các khớp, mệt mỏi. Sau một thời gian dùng sản phẩm, bất kể nhiễm vi-rút gì thì vi-rút cũng tự biến mất.
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, Hội Dược liệu TPHCM, cho biết địa long có tác dụng thanh nhiệt, trấn kinh, lợi tiểu, giải độc nên được dùng chữa bệnh ho suyễn, kinh phong mãn và cấp, tiểu tiện khó khăn, đắp mụn nhọt, hạ sốt, huyết áp. Nhiều nhà sản xuất dùng địa long để sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ bệnh tăng huyết áp, nhức đầu, khó ngủ, tăng hệ miễn dịch… Không có thông tin nào cho thấy diệt được các loại vi-rút.
Không chỉ địa long, thời gian qua, xuất hiện nhiều thông tin về các vị thuốc Đông y chữa trị được COVID-19. Như ở Trung Quốc rộ lên thông tin hổ trượng căn, còn Thái Lan thì giới thiệu vị thuốc tên xuyên tâm liên (cách đây 20 năm các nhà khoa học nghiên cứu có khả năng chữa triệu chứng suy giảm miễn dịch mắc phải như sốt cao, tiêu chảy…). Mới đây, ở Mỹ lại giới thiệu cây thanh hao hoa vàng. Từ đó dẫn đến nhiều người tìm mua các vị thuốc này với tâm lý “diệt và phòng được vi-rút”. Thực tế, các vị thuốc Đông y có công dụng “phù chính khu tà”, tức nâng thể trạng lên thì bệnh tật thoái lui. Do đó, các thực phẩm chức năng được bào chế từ thảo dược Đông y chỉ có công dụng hỗ trợ điều trị thì đúng hơn, còn quảng cáo cụm từ “tiêu diệt được vi-rút” là không đúng, gây ngộ nhận với mọi người sẽ rất nguy hiểm.
|
Thanh Hoa