Phim xoay quanh câu chuyện của hai cậu bé Andrey và Ivan, đang ở độ tuổi dậy thì, với sự trở về đột ngột của người cha sau 12 năm vắng bóng.
Ông đưa hai chàng trai đi nghỉ ở một hòn đảo xa xôi, bao quanh là mênh mông nước. Trong bảy ngày, với những diễn biến chậm chạp, căng thẳng và phức tạp đã tạo nên một bức tranh ám ảnh về mối quan hệ cha con nói riêng và tâm hồn của đất nước Nga nói chung.
Bộ phim đã giành được giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice.
Bảy ngày thay đổi cuộc đời khi cha trở về
Bộ phim mở đầu bằng một cảnh dài, khắc họa sâu một nỗi ám ảnh sợ hãi của Ivan. Cậu đứng trên tháp cao, run rẩy khi nhìn xuống mặt nước, trong khi lũ bạn đã lần lượt nhảy xuống, cười đùa và ra đi. Mẹ của cậu phải chạy đến giúp cậu trèo xuống. Điểm mở đầu ấy sẽ lặp lại ở cuối phim, đóng vai trò then chốt đẩy bộ phim đến cực điểm cao trào.
Khi trở về nhà, lần đầu tiên chúng thấy cha đang nằm ngủ, với vẻ mệt mỏi, uể oải. Đó cũng là khoảnh khắc duy nhất người cha hiện lên trông hiền lành. Ông nhanh chóng thiết lập những kỷ luật với mỗi đứa con - không một lời hối hận hay xin lỗi.
Hai đứa trẻ chưa từng có một kinh nghiệm nào về việc trở thành con trai của cha, chúng không biết cách cư xử với ông thế nào. Những điều đang diễn ra ở đây vào lúc này đều không có la bàn diễn giải.
Trong khi Ivan cố gắng lấp đầy lỗ hổng bị bỏ rơi của mình bằng sự thách thức và thù địch, Andrey lại nỗ lực tìm kiếm sự chấp thuận và tình cảm của người cha bằng cách nghe theo những lời ông bảo, tỏ ra là người lớn và hiểu biết. Bản thân người cha lại được tái hiện trong nhân dạng nhẫn tâm, bạo lực. Những điều ông ta làm khơi dậy nhiều thù ghét với bọn trẻ hơn là tình yêu thương.
Mỗi nhân vật đều có khuyết điểm theo cách tinh tế của riêng mình, và khi bộ phim tiến triển, chúng ta có thể từng bước chứng kiến những sai sót đó được sửa chữa.
Nếu ban đầu việc người cha đẩy cả ba lên đảo hoang gợi nên cảnh tượng khủng khiếp tựa như trong tiểu thuyết Chúa ruồi của William Golding - khơi dậy cái ác tiềm tàng trong mỗi con người, thì The Return lại cố gắng đánh thức những gắn kết đang mất dần trong họ. Nó khiến bộ phim bớt đi phần cay nghiệt - điều mà ở những tác phẩm sau này Zvyagintsev xoáy sâu vào.
|
Phim xoay quanh chuyện của hai cậu bé Andrey và Ivan, đang ở độ tuổi dậy thì và người cha sau 12 năm vắng bóng đột ngột trở về |
Bảy ngày cùng sống trên hòn đảo xa xôi, chúng càng trở nên mơ hồ về cha. Nhưng bằng cách nào đó, khi cùng ăn, uống, câu cá và nói vài ba câu chuyện - dù vẫn rất mơ hồ, chúng bắt đầu cảm nhận sự hiện diện của cha. Chúng cảm thấy chúng thật sự là những đứa trẻ có cha.
Cảnh ba cha con đuổi bắt nhau khi Ivan cố gắng trèo lên tòa tháp cao, trong cơn bực tức. Hình ảnh một người cha hiền hòa, và đáng thương lần đầu tiên được đạo diễn khắc họa chỉ bằng vài cú máy cận mặt, không cần lời thoại, không cần dẫn giải.
Bi kịch là điều không tránh khỏi, người cha đến và đi như một giấc mơ. Hai đứa trẻ lại tiếp tục cuộc sống vắng bóng người cha trong chặng đường lớn lên, nhưng sau bảy ngày này, chúng đã không còn là những đứa trẻ như trước nữa.
Tiếng gọi “cha ơi, cha ơi” trong nước mắt của hai đứa trẻ ở cuối phim đã gợi nên những cảm giác thương yêu, gần như thiếu vắng trong suốt bộ phim.
Bộ phim đầu tay xuất sắc
Với The Return, Zvyagintsev đã chế tác ra một tác phẩm nghệ thuật. The Return không chỉ là một kỳ quan thẩm mỹ - nó còn đánh dấu một sự “trở lại”. Một người cha thực sự trở về với các con của mình. Bộ phim cũng là sự nối dài những bóc tách tâm hồn Nga từ thời Dostoyevsky đến triết gia Berdyaev.
Zvyagintsev không xuất thân từ đạo diễn chuyên nghiệp. Ông bắt đầu sự nghiệp với công việc ở rạp hát, tiếp xúc sâu sắc với kịch bản và màu sắc của sân khấu. Điều này đã khiến những bộ phim của ông luôn có dấu ấn màu sắc cổ điển, đậm chất kịch.
Cách kể chuyện trong phim cũng được tiết chế bằng những khung hình tĩnh, những cú máy dài, tạo nên cảm giác mênh mông, báo trước những dự cảm không lành.
|
Bộ phim khắc họa rõ nét nội tâm của nước Nga đương đại |
Trong một buổi trả lời phỏng vấn, khi có nhiều người nói rằng The Return của ông thực sự rất khó xem, mọi thứ đều rất mơ hồ, như trong thần thoại, Zvyagintsev đã trả lời rằng: “Có những điều không có câu trả lời, cũng không một lời giải thích. Chúng ta chỉ có thể cảm thấy chúng, cảm nhận chúng hoặc không. Đôi khi chúng ta từ bỏ. Đôi khi tiếp tục. Đó là điều bình thường. Tôi không thể giúp được gì nhiều cho những khán giả không hiểu những điều trong phim”.
Theo Zvyagintsev, nghệ thuật không phải kim chỉ nam để hiểu. Ông muốn nghệ thuật là chính nó, và đối với ông, quan trọng nhất là hình ảnh chứ không phải tư tưởng. Trong mỗi hình ảnh mà ông cất đặt vào bộ phim của mình, nó đều mang đậm bản sắc của một câu chuyện, mà có lẽ chính tác giả muốn người xem tự mình chạm vào.
Không có một cắt nghĩa nào về sự đến và đi của người cha. Nó ẩn giấu bí ẩn. Thậm chí nhiều người sẽ tự hỏi liệu người cha ấy có tồn tại thật sự hay không. Khi thân thể người cha từ từ chìm xuống biển, đạo diễn lôi kéo khán giả vào một khung hình để họ ở đó, chậm rãi chiêm nghiệm.
Bộ phim còn gây nên một nỗi ám ảnh cho khán giả bởi tai nạn thảm khốc vào ngày 25/6/2003. Ngay trước buổi chiếu đầu tiên, cậu bé đóng vai Andrey đã chết đuối tại chính hồ nước là bối cảnh quay phim. Nó đánh dấu một nỗi bi thương từ phim đến đời thực - tăng thêm cảm giác nhức nhối cho một cuộc trở về, một cuộc chia ly.
Sau bộ phim đầu tay The Return, Zvyagintsev liên tiếp thành công với những tác phẩm khắc họa rõ nét nội tâm của nước Nga đương đại: những mối mâu thuẫn giai cấp trong Elena, hay một sử thi khắc khoải về đời sống nông thôn Nga trong Leviathan. Những thước phim đậm chất thời sự lại được biểu đạt bằng ngôn ngữ điện ảnh thi vị khiến ông được xem là người kế vị của Andrei Tarkovsky và Alexander Sokurov - hai đạo diễn huyền thoại của điện ảnh Nga.
Phong linh