Nếu tính chi phí phát hành thẻ là 50.000 đồng thì hiện các ngân hàng đang lãng phí số tiền là 2.750 tỷ đồng, nhưng theo các chuyên gia, ngân hàng vẫn thu lợi không nhỏ, chỉ có khách hàng là chịu nhiều thiệt thòi.
Vay tiền, mua trả góp cũng bắt mở thẻ
Chưa bao giờ các ngân hàng (NH), công ty tài chính lại đẩy mạnh việc phát hành thẻ như hiện nay. Nhiều khách hàng có nhu cầu vay tiền mặt nhưng đều được các NH cho vay qua hình thức mở thẻ tín dụng.
Tại sàn giao dịch vay ngang hàng Tima.vn, sau khi tạo đơn vay, một nhân viên tự xưng từ NH VPBank gọi điện thoại mời cho vay. Sau khi biết chúng tôi cần vay 20 triệu đồng, thời hạn 6 tháng, nhân viên này khuyên chúng tôi nên mở thẻ tín dụng. “Hạn mức thẻ là 20 triệu đồng, chị có thể rút tiền sử dụng và tất toán sau khi có nhu cầu, lãi suất bằng khoản vay tiền mặt”.
|
Những chiếc thẻ “rác” vẫn biến khách hàng thành con nợ. |
Khi chúng tôi tỏ vẻ lo ngại việc rút tiền từ thẻ tín dụng sẽ mất phí 3-4%/lần rút tiền, chịu lãi suất 2-3%/tháng, chỉ rút được 50% số tiền trong thẻ tín dụng thì nhân viên này khẳng định, sẽ kết nối các điểm có dịch vụ (dịch vụ rút tiền từ thẻ tín dụng “chui” thông qua hình thức mua hàng hóa) để khách rút 100% hạn mức, miễn phí lãi suất trong 45 ngày, chỉ mất phí 1,2-1,8% số tiền rút.
“Khi đến kỳ, nếu không đủ tiền tất toán, chị có thể thanh toán tạm từ 15-20% số tiền đã rút để tránh bị NH tính phí trả chậm và lãi suất quá hạn (bằng 150% lãi suất trong hạn). Chỉ cần chị duy trì trả một ít hằng tháng, chị sẽ được sử dụng thẻ lâu dài” - người tự xưng là nhân viên VPBank hướng dẫn.
Riêng thẻ ATM, dù thẻ không hoạt động, khách vẫn phải duy trì một khoản tiền tối thiểu trong tài khoản (50.000-100.000 đồng tùy NH). Số tiền này, khách không rút ra được và sẽ bị mất nếu đóng thẻ.
Với mức duy trì thẻ trên, hệ thống NH sẽ thu được 2.750-5.500 tỷ đồng từ 55 triệu thẻ “rác” và NH có quyền dùng số tiền này để cho khách vay ngược lại mà không cần trả lãi.
Do đó, số lượng 55 triệu thẻ “rác” này là thẻ “rác” lũy kế, tức nhiều thẻ đã được sử dụng và sinh lợi cho NH.
|
Một số khách hàng khi vay tiền mua hàng trả góp cũng bị các NH buộc phải làm thẻ tín dụng. Anh Phạm Văn Linh (ngụ tại tỉnh Trà Vinh) cho biết, trong năm 2017, khi mua xe tải trả góp, cửa hàng bán xe đã kết nối với NH VPBank để anh Linh vay 126 triệu đồng.
Mặc dù anh có trả 40 triệu đồng trước khi vay tiền, nhưng NH vẫn yêu cầu anh Linh mở một tài khoản trong đó có 18 triệu đồng do NH cung cấp với lý do: phải đảm bảo tài chính mới cho vay.
Theo anh Linh, anh không hề biết đây là thẻ tín dụng, nhân viên cũng không nói rõ, chỉ lập lờ “thẻ sử dụng một lần” nên anh Linh có rút số tiền đó sử dụng và phải chịu mức lãi suất 2,99%/tháng.
Ngoài ra, các NH còn áp chỉ tiêu, bắt nhân viên phải phát hành thẻ. Chẳng hạn, nếu NH áp chỉ tiêu tiền cho vay là 1,5 tỷ đồng/tháng thì nhân viên phải phát hành khoảng 15-30 thẻ tín dụng mỗi tháng/nhân viên.
Thẻ “rác” phát sinh nhiều còn do khách hàng ngừng hoặc thay đổi nhu cầu sử dụng. Tiến sĩ Doãn Hữu Tuệ - chuyên gia cao cấp tài chính NH - cho rằng, NH luôn ồ ạt phát hành thẻ, tăng thu phí dịch vụ trong thời gian qua nhưng lợi ích khách hàng hưởng từ thẻ không nhiều.
Bằng chứng là trụ ATM hiện phân bổ không đều, tại khu vực trung tâm luôn dày đặc nhưng tại khu công nghiệp, có những nơi không có trụ ATM, khách phải chạy vài chục cây số để rút tiền nên khách hàng không còn mặn mà sử dụng thẻ.
Một câu hỏi được đặt ra là, liệu các NH có nhìn thấy được sự lãng phí từ các thẻ “rác” không? Theo tiến sĩ Doãn Hữu Tuệ, NH không hề lãng phí và sự lãng phí này đã được chuyển sang cho khách hàng. NH thu được lợi không nhỏ từ khách hàng thông qua việc thu phí phát hành thẻ (từ 50.000-300.000 đồng/thẻ, tùy thẻ).
Thành con nợ của thẻ “rác”
Hiện mỗi khách hàng đang sở hữu ít nhất từ 2-4 thẻ (cả ATM và tín dụng) nhưng chỉ sử dụng 1-2 thẻ, còn lại đều là thẻ “rác”. Đã có nhiều khách hàng trở thành con nợ chỉ vì mức phí thường niên của thẻ do thẻ chưa được hủy, đóng.
Các NH lý giải, việc NH vẫn thu phí khi thẻ đã ngừng giao dịch là để duy trì hệ thống và quản lý tài khoản của khách hàng.
Nhưng luật sư Nguyễn Hà Phong cho rằng, các NH không minh bạch với khách hàng, khi mời gọi mở thẻ thì rất nhiệt tình, còn khi khách hàng ngừng sử dụng thẻ, NH không gọi điện thông báo những mức phí phát sinh hằng năm cho khách hàng nắm.
|
Riêng với thẻ tín dụng, nhiều khách hàng dở khóc dở cười vì rơi vào diện nợ quá hạn, nợ xấu chỉ vì không đóng phí thường niên. Như trường hợp anh Phạm Văn Linh ở trên, sau khi tất toán, nhân viên VPBank không tư vấn cho anh thủ tục đóng thẻ mà chỉ nói có thể bỏ thẻ đi.
Nhưng sau đó, anh được NH thông báo bị nợ quá hạn do không đóng phí thường niên là 230.000 đồng (phí duy trì thẻ 100.000 đồng, còn lại là lãi phạt do chậm nộp).
Anh Phan Văn Quyền (ngụ tại Q.6, TP.HCM) được mời chào mở 2 thẻ tín dụng, miễn phí 2 năm đầu, không dùng thì hủy nên anh Quyền nhận lời. Suốt 4 năm, do không có nhu cầu sử dụng, anh Quyền để thẻ trong túi.
Đầu năm 2018, anh Quyền vay vốn NH thì được thông báo đang có khoản nợ xấu bậc 4 hơn 1,8 triệu đồng nên không được vay. Hỏi kỹ thì được NH cho biết, anh nợ phí duy trì thẻ (200.000 đồng/năm) và phí phạt do chậm thanh toán (50.000 đồng) trong nhiều năm.
Theo luật sư Nguyễn Hà Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM), thẻ “rác” nhiều còn mang lại rủi ro cho khách hàng nếu các đối tượng lừa đảo lợi dụng thu mua lại. Khách hàng vô tình phải chịu trách nhiệm liên đới nếu có khoản tiền bất hợp pháp được chuyển vào tài khoản. Đã có trường hợp, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh kế và chức vụ Công an TP.HCM triệt phá một đường dây mua bán thẻ ATM bất hợp pháp.
Do đó, để tránh phát sinh chi phí ngoài ý muốn, trước khi mở thẻ (nhất là thẻ tín dụng), khách hàng cần hỏi rõ những khoản phí thường niên, chi phí phát sinh. Khi không sử dụng, khách cần phải đến NH để đóng tài khoản.
Thanh Hoa