Tôi là một gã “thẳng tưng”, không cần có chút nghi ngờ nào. Đó chẳng phải là điều gì to tát, cha mẹ sinh sao được vậy thôi. Nhưng đó là tiêu chuẩn đầu tiên để tôi ngầm tự hào mình “men lỳ”, và biết từ “men lỳ” đến “chuẩn men” là hoàn toàn có thể.
Đàn ông không hay bàn về “chuẩn men”, nhưng chị em thì có. Tôi biết điều này vì tôi là bạn thân của em, tôi biết em và hội chị em thần tượng một anh chàng “chuẩn men” đến thế nào. Và tôi muốn trở thành chàng “chuẩn men” của em.
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Mà nói về cái sự “chuẩn men” này, tôi không tìm ra định nghĩa nào chung cả. Cứ hình dung qua những câu chuyện của em thì chàng “chuẩn men” chắc phải cao - ít nhất là cao hơn em, có hình thức khỏe mạnh, nam tính, tóc nhiều - kể cả có cạo trọc vẫn biết là nhiều… nói chung là nhìn không ẻo lả. Ổn thôi, thế nhưng hình thức nam tính chưa hẳn đã thực sự “men”, em bảo vậy. Tôi đồng ý ngay, nhiều anh nhìn nam tính ngời ngời nhưng chỉ thích con trai thôi. Tôi cao 1,78m, với phụ nữ Việt, chiều cao thế là đủ.
Tôi “men lỳ” nhưng không thích đá banh, cũng không thích coi đá banh, tôi không nhậu nhẹt, không thích xe mô tô hầm hố. Xét về sở thích, tôi thích tập võ, Vịnh Xuân quyền. Tôi coi giờ tập võ cũng là một giờ luyện tâm dưỡng tính, không ồn ào. Tôi có thể bình tĩnh trong lúc những anh khác nóng nảy, tôi có thể tự vệ, có thể bảo vệ người phụ nữ tôi yêu. Nhưng ông nội dạy không cần thiết phải thi thố chuyện này mọi nơi mọi lúc, tôi thấy đúng vậy. Đánh nhau chỉ tổ làm trò cho người khác xem, không phải chuyện tốt.
Phụ nữ thường mơ một người đàn ông biết lắng nghe, biết chia sẻ mọi buồn vui. Xét vụ đó tôi chắc chắn đáp ứng yêu cầu. Tôi với em là bạn thanh mai trúc mã, cùng học với nhau suốt mấy năm phổ thông, cho dù sau này có học đại học khác trường, nhưng hai đứa vẫn chia sẻ bao chuyện vui buồn theo cách chỉ bạn bè thân thiết mới nói được. Cũng vì gần gũi bên nhau nên tôi biết em từng yêu một người, từng bị phản bội, hụt hẫng, đau đớn. Anh ta - mối tình đầu của em, chỉ là một cậu ích kỷ, khoe mẽ. Nhưng tôi chắc đến bây giờ em vẫn không quên được anh ta - phụ nữ vẫn yêu cả những kẻ làm cho họ đau đớn, trong việc này, phụ nữ không cân nhắc xem kẻ đó “chuẩn men” hay không.
Tôi tự nhận mình sẽ che chở em, bảo vệ em suốt đời, sẽ không để em bị tổn thương bởi một kẻ nào như vậy nữa. Tôi yêu em, dù em chưa yêu tôi, không sao, tôi vẫn có thể đợi. Đàn ông đích thực không cần so đo tính toán, cũng không cần ích kỷ giữ rịt em cho mình, tôi rộng rãi để em kết bạn mới, tự do đi chơi, tự do quyết định thanh xuân của mình. Và rồi em lấy chồng, một ông lớn hơn em chục tuổi, “củi tre dễ nấu chồng xấu dễ xài”. Trong lần chia tay nước mắt em rơi long lanh, em bảo em biết rằng người đó không tốt bằng anh, người đó không yêu em bằng anh, nhưng người đó… an toàn cho cuộc đời em.
À há, thì ra đàn ông đích thực là đàn ông an toàn. Cho dù sự an toàn hơi… ít tóc. Phụ nữ có thể thích và thử nhiều chiếc váy, nhưng rồi họ sẽ không mua chiếc váy mà vì nó họ bước vào tiệm, đa phần họ sẽ mua chiếc váy an toàn, che giấu được khuyết điểm của họ. Mà cũng không hẳn, phụ nữ mua bộ váy nào đó có trời mới biết được lý do tại sao.
Đàn ông “chuẩn men” không ích kỷ, nhưng nếu anh ta không ích kỷ, anh ta không thể giữ được bạn gái của mình. Tôi vẫn là bạn tốt của em. Nhờ đó, tôi biết rằng chẳng nên tin vào những tiêu chuẩn mơ ước của phụ nữ. Khi yêu, ích kỷ là mạnh mẽ, khi lấy nhau rồi, ích kỷ là nhỏ nhen ràng buộc, khó vậy đó. Chồng em sau chưa đầy năm chung sống đã trở thành người sở hữu hàng núi thói xấu, em vẫn tâm sự với tôi, vẫn bảo đàn ông “chuẩn men” phải thế này thế kia cơ. Tôi chỉ cười.
Tôi kết luận rằng đàn ông “chuẩn men” chỉ là “thứ” tưởng tượng của phụ nữ. Mà phụ nữ thì… thứ có trước mặt họ còn nhìn không ra, còn mỗi người nhìn một phách, nhất định không chịu thống nhất với nhau, huống hồ gì thứ tưởng tượng, lại là tưởng tượng về đàn ông!
Gánh nặng “chuẩn men” là gánh nặng sĩ diện, là do quá quan tâm đến những điều mà người khác nghĩ về mình. Tôi cũng như nhiều đàn ông Việt, từ buổi dậy thì đã bị ám ảnh bởi vai trò trụ cột gia đình, về trách nhiệm, nào “đàn ông là phải thế”, nào “đàn ông phải có sự nghiệp”… Đàn ông phải rộng rãi nhưng phải quan tâm tinh tế, phải mạnh mẽ nhưng phải nhường nhịn chia sẻ, phải đẹp trai thu hút người khác giới nhưng lại chung thủy tuyệt đối, trong mắt trong tim không có ai đẹp hơn vợ mình…
“Chuẩn men” có phiên bản nam tính bá quyền, nhưng cũng phải có phiên bản tóc tai láng lẩy, áo quần tươm tất, thậm chí hàng hiệu. Mở ngoặc áo quần này chàng phải tự giặt ủi, có chia sẻ bớt gánh nặng việc nhà thì mới là đàn ông.
Chẳng biết bao giờ phụ nữ mới ngừng nói về “người đàn ông đích thực”, chẳng biết cái hình mẫu “đích thực” này rồi sẽ còn cõng thêm những gì nữa. Tôi thì biết rằng mình đã được giải phóng ra khỏi cái hình mẫu ấy. Vợ tôi bây giờ, và em, và bạn bè các kiểu cứ việc tự do mơ mộng hoàng tử bạch mã của mình. Họ chỉ tự làm mình mệt thôi. Tôi đã từng “chuẩn men”, như tất cả những cậu trai trẻ đang hăng hái thể hiện nam tính của mình trong kỳ vọng của bạn gái, của vợ. Khi chúng tôi không còn bị ám ảnh bởi “chuẩn men” nữa, chúng tôi là đàn ông trưởng thành.
Tình yêu của chồng đã sưởi ấm trái tim tưởng chừng nguội lạnh của chị. Chị viết: “Tôi nhìn mọi thứ trong cuộc sống nhẹ nhàng hơn sau những chuyến đi...".