"The Meyerowitz Stories": Hành trình tìm về giá trị tình thân

02/11/2020 - 13:51

PNO - Giống “người anh em” "Marriage Story", "The Meyerowitz Stories” (tạm dịch: Chuyện nhà Meyerowitz) cũng của đạo diễn Noah Baumbach có nhiều thứ để nói hơn là những cuộc ly hôn.

Nội dung phim xoay quanh câu chuyện về hôn nhân, gia đình, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, khoảng cách thế hệ, là hành trình tìm về sự cảm thông, thấu hiểu và tha thứ giữa những người thân trong gia đình.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh

Nếu Marriage Story tập trung vào gia đình gồm ba người Charlie, Nicole và con trai Henry, thì câu chuyện của The Meyerowitz Stories lại rộng hơn khi khắc họa cuộc sống gia đình của ba thế hệ nhà Meyerowitz.

The Meyerowitz Stories lại rộng hơn khi khắc họa cuộc sống gia đình của ba thế hệ nhà Meyerowitz
The Meyerowitz Stories khắc họa cuộc sống gia đình của ba thế hệ nhà Meyerowitz

Người đầu tiên là ông nội Harold, một nghệ sĩ điêu khắc đã trải qua bốn cuộc hôn nhân, đang sống tuổi già bên người vợ nghiện rượu. Ông Harold có ba người con là Danny, Jean và Matthew, trong đó Matthew là em cùng cha khác mẹ với hai người còn lại.

Jean không lập gia đình còn Danny và Matthew đều đang gặp trục trặc trong hôn nhân. Danny có một đứa con gái tuổi teen là Eliza, một cô gái 18 tuổi xinh đẹp, ngọt ngào nhưng cũng cá tính và khao khát khẳng định bản thân theo cách của thế hệ Z.

Cùng xoay quanh chủ đề ly hôn nhưng ở Marriage Story, ta hiểu được động cơ, cảm xúc và suy nghĩ của người trong cuộc, từ đó lý giải tại sao hôn nhân tan vỡ. Còn ở The Meyerowitz Stories, đạo diễn lại tập trung vào hậu quả của những chia ly, mất mát, như một cách để nói rằng, dù lý do là gì thì vết thương lòng vẫn rất khó lành lại, dẫu thời gian tính bằng cả đời người.

Mặt tối hôn nhân và phép thử tình thân

Những cuộc ly hôn, dù nhanh chóng hay dây dưa, đều ít nhiều để lại khổ đau cho người trong cuộc. Hôn nhân không chỉ là kết tinh của tình yêu hay sự gắn bó, nó còn là một sự cam kết, cùng nhau hướng tới tương lai tốt đẹp. Dưới góc nhìn của Noah Baumbach, ly hôn không chỉ là cạn kiệt cảm xúc hay những mối quan hệ ngoài luồng, mà do người ta không thể hiểu nhau và không có đủ cam kết với nhau.

Những cuộc chia ly gia đình đều ít nhiều để lại khổ đau cho người trong cuộc.
Hôn nhân tan vỡ đều ít nhiều để lại khổ đau cho người trong cuộc

Trong Marriage Story, Charlie không phải một người chồng, người cha tồi, vô trách nhiệm với vợ con, nhưng sau 8 năm chung sống, anh chưa bao giờ có thể hạ thấp cái tôi để thấu hiểu vợ mình. Trong The Meyerowitz Stories, ông Harold là một nghệ sĩ tài năng, nhưng chính việc chuyên tâm theo đuổi nghệ thuật với khao khát được công nhận ngày càng đẩy ông ra xa gia đình.

Danny và Jean lớn lên thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc của cha, lúc nào cũng chìm trong mặc cảm cha đã có gia đình mới và chỉ coi mình là “công dân hạng 2”. Hai người ngấm ngầm ganh tị với cậu em cùng cha khác mẹ, mà không biết rằng Matthew cũng gánh trên vai vô vàn áp lực của sự công nhận khi cha mình, ông Harold lựa chọn một con đường khác. Những ám ảnh ấy đeo bám họ tới tận tuổi trung niên, kéo theo không ít bất an về hôn nhân, gia đình lẫn giá trị bản thân.

Tuy nhiên, The Meyerowitz Stories không thể trở thành một bộ phim xuất sắc nếu dừng lại ở những tổn thương, mâu thuẫn của con người khi gia đình tan vỡ. Ở mọi nền văn hóa, những xung đột giữa mẹ kế, con chồng hay anh em cùng cha khác mẹ cũng không hiếm. Điểm độc đáo của The Meyerowitz Stories nằm ở chỗ nó hướng tới sự hòa giải, cảm thông và chữa lành mà không mang tính triết lý, giáo điều.

Khi người cha ngã bệnh, Danny, Jean và Matthew đã có cơ hội xích lại gần nhau để cùng chăm sóc cho ông. Họ tìm cách thấu hiểu nhau hơn, dần dần tiến vào cuộc sống cá nhân của người kia với sự quan tâm, chia sẻ như những người anh em ruột thịt. Cùng lúc đó, họ cũng bắt đầu hiểu và chấp nhận cha mình – một người cha không hoàn hảo theo mọi nghĩa.

Họ nhận ra rằng Harold, đằng sau vẻ ngoài xa cách, cáu kỉnh, nhiều khi “ngang ngược” và vô lý, cũng chỉ là một ông già đơn độc, một nghệ sĩ khao khát được công nhận, một người đàn ông bị chính lòng kiêu hãnh của mình làm tổn thương. Sự thấu hiểu ấy không hề dễ dàng, mà là phép thử của tình thân, của huyết thống, rằng liệu các nhân vật có thể vượt qua được những nỗi đau cá nhân để cho người kia một cơ hội hay không.

Cảnh xúc động nhất trong phim có lẽ là cảnh Danny đứng trước mặt cha mình và nói “Con tha thứ cho cha”, dù Harold không nghe được câu nói ấy. Một người đàn ông trung niên, tóc bắt đầu bạc và làm cha của một cô gái 18 tuổi, lần đầu tiên hòa giải được với cha và cho mình một cơ hội để sống khác đi.

 gia đình cũng là nền tảng cơ bản nhất của mọi xã hội và là cách mỗi cá nhân nhận thức về chính mình.
Gia đình là nền tảng cơ bản nhất của mọi xã hội và là cách mỗi cá nhân nhận thức về chính mình

Gia đình nghĩa là gì?

Có lẽ The Meyerowitz Stories và cả Marriage Story đều là nỗ lực của Noah Baumbach trong việc bảo tồn ý nghĩa và giá trị của gia đình trong một thời đại mà tan vỡ trở thành "chuyện thường ngày ở huyện".

Marriage Story, không chỉ có cặp đôi chính mà chị gái của Nicole hay nữ luật sư Nora Fanshaw cũng ly dị chồng. Còn ở The Meyerowitz Stories, ngay cả nữ bác sĩ điều trị cho Harold cũng đột ngột rời bỏ bệnh nhân của mình để đi Trung Quốc với chồng hòng cứu vãn một cuộc hôn nhân đang trên bờ sụp đổ.

Dù khác biệt văn hóa thì ở cả phương Đông lẫn phương Tây, gia đình cũng là nền tảng cơ bản nhất của mọi xã hội và là cách mỗi cá nhân nhận thức về chính mình. Khi nền tảng này tan rã hay có nguy cơ tan rã thì không chỉ xã hội chịu ảnh hưởng, mà sự định danh và lòng tự tôn của từng con người cũng đứng trước những thử thách khắc nghiệt.

Điều Noah Baumbach quan tâm là làm sao để kết thúc những cuộc hôn nhân bế tắc, bất khả cứu vãn mà vẫn bảo vệ giá trị gia đình và danh dự con người. Trong xã hội chúng ta, quan hệ vợ chồng đơn thuần là cam kết bằng giấy tờ và có thể bãi bỏ bằng những thủ tục pháp lý. Nhưng mặt khác, quan hệ giữa cha mẹ và con cái lại là bổn phận đặc biệt mà những cuộc ly dị không thể chấm dứt.

Người ta không thể cư xử với đứa con như một thứ tài sản đơn thuần, mà nó cần lớn lên với đầy đủ tình thương, sự quan tâm của cả cha và mẹ, cho dù cha mẹ đã đường ai nấy đi.

Trong Marriage Story, cuộc ly dị của Charlie và Nicole đã kết thúc êm đẹp khi họ quyết định chia sẻ trách nhiệm chăm lo cho con, đồng thời tôn trọng nhau như những người bạn. Còn trong The Meyerowitz Stories, ta dễ dàng nhận thấy tình yêu và sự bao bọc của Danny dành cho Eliza, dù anh đã chia tay vợ mình và cũng lắm khi bất đồng với đứa con gái “nổi loạn”.

Ở đâu người ta còn thương nhau và hướng về nhau thì gia đình vẫn còn đó
Khi người ta còn thương nhau và hướng về nhau thì gia đình vẫn còn đó

Cùng ly dị vợ nhưng Danny lại chọn cách cư xử hoàn toàn khác biệt với Harold, bởi anh không muốn biến con gái trở thành phiên bản của chính mình thời trẻ, đơn độc, tự ti, hoang mang lạc lối vì thiếu bàn tay dìu dắt của người cha.

Ly hôn không phải điều gì quá đáng sợ, mà trái lại, trong nhiều trường hợp, nó còn giúp các bậc cha mẹ ý thức rõ ràng trách nhiệm với con cái hơn. Đừng quan niệm một cách máy móc rằng gia đình chỉ tồn tại trên những ràng buộc giấy tờ. Khi người ta còn thương nhau và hướng về nhau thì gia đình vẫn còn đó.

Minh Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI