Thế lực ngầm đáng sợ trong giới nữ sinh

13/03/2015 - 14:42

PNO - PN - Trong khi dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước hình ảnh một nữ sinh lớp 7 Trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh) bị 7 bạn học đánh đập tàn nhẫn thì tại TP.HCM, một nữ sinh lớp 6 vừa bị 2 nữ sinh lớp 9 đánh đến mức phải...

edf40wrjww2tblPage:Content

Thé lục ngàm dáng sọ trong gioi nũ sinh

Đánh cho đổ máu mới thôi

Chiều 12/3, chúng tôi tìm đến nhà của anh Nguyễn Văn Hoàng, chị Trần Thị Thanh Tuyền ở xã Tân Hiệp, H.Hóc Môn - phụ huynh của bé Nguyễn Quỳnh H., học sinh (HS) lớp 6 Trường THCS Tam Đông 1, H.Hóc Môn. Hôm 10/3, ngay trong lớp học, H. bị hai nữ sinh lớp 9 cùng trường liên tục túm tóc, đập đầu vào bàn khiến em chảy máu mồm, máu mũi, cả cơ thể đầy thương tích, đến mức phải nhập viện. Nguyên nhân là do H. “láo, dám liếc hai chị”.

Trò chuyện với chúng tôi, H. vẫn còn hoảng sợ. Khuôn mặt thất thần, một bên má của em sưng húp. Cuộc nói chuyện thỉnh thoảng bị ngắt quãng vì chân tay đau nhức, em phải nhờ mẹ xoa bóp dầu.

H. kể: “12g30 trưa hôm đó, ba chở con vô lớp, lúc đó cô giáo chưa vô. Trong lớp học có mấy chị lớp 9 ngồi ngay chỗ con học, ăn uống xả rác. Thấy con, chị Hiền Vy, lớp 9/2 nói: “Có đứa liếc tao, mà liếc không chớp mắt”. 

Sau đó chị Vy quay qua hỏi con, liếc chị phải không? Con nói không có, thì chị này phá lên cười. Mấy anh chị khác cũng cười ồ lên. Chị Hiền Vy lại chỗ con đập bàn nói “mày mới có lớp 6 mà mày láo hả. Bây giờ mày muốn gì? Mày muốn tao đánh mày phải không?”. Rồi chị đó chỉ tay, “tao tặng mày cú đấm này, mày chịu được không?”.

Lúc đó, con sợ quá nên nói: “Mấy chị ra đi, không thầy cô vào thì bị la”. “Tao không ra mày làm gì tao?”. Chị nói xong thì chụp tay con. Chị Minh Châu kéo con xuống nắm đầu, xách lên cho chị Hiền Vy tát mấy cái. Tiếp đó, hai chị nắm đầu con đập vô bàn, vô ghế, kéo chân, đánh tát vào mặt con. Lúc này, máu me con chảy bê bết nhưng các bạn chỉ đứng xem, không ai vô can ngăn. Mấy anh chị lớp 8, 9 vỗ tay nói “tụi bay cứ đánh đi, đánh nhiều lên”.

Sau đó, chị Hiền Vy kéo tay con nói “lên phòng giám thị xem mày có dám đi không?”. Con sợ quá nên bỏ tay chị ra chạy lên phòng giám thị nhưng không ai ở đó. Chú bảo vệ trông thấy nên nói con ngồi ở đó, rồi con mượn điện thoại gọi cho mẹ con”. Kể đến đây, H. òa khóc và ôm đầu kêu đau.

Anh Hoàng bức xúc: “Hôm đó, tôi đưa cháu đến trường khoảng 10 phút là trở về nhà thì nhận được tin báo “H. bị mấy đứa lớp 9 đánh rất thê thảm”. Tôi và vợ tức tốc chạy vào trường thì thấy con đầu tóc bù xù, miệng sưng, chảy máu, cổ bầm, người xỉu xuống đang được các bạn dìu. Chúng tôi đưa con vô bệnh viện Hóc Môn thì các bác sĩ cho biết cháu bị chấn thương đầu, bị đa chấn thương”.

Vừa ôm con, chị Tuyền vừa xót xa: “H. rất hiền, không bao giờ gây gổ với ai. Trong trường, cũng do H. ít nói nên bị nói là chảnh, rồi đánh. Từ hôm bị đánh về, con luôn rên đau đầu, đau cổ, nuốt nước miếng vẫn đau nên chưa ăn được gì nhiều. Đêm cháu mất ngủ khóc suốt. Gân cổ đang bị căng, phải có người đỡ mới dậy được. Nhìn con mà tôi xót quá”.

Theo H., trong hai nữ sinh đánh H. thì Hiền Vy trước đây học ở trường Nguyễn Hồng Đào, do đánh nhau, nhà trường đuổi nên mới chuyển về trường Tam Đông 1 năm nay. Sau khi sự việc xảy ra, chiều 11/3, gia đình chị với Ban giám hiệu nhà trường đã gặp nhau. Phụ huynh của nữ sinh Vy và Châu đã gặp xin lỗi cháu H. Vy và Châu cũng đã bị đình chỉ học một tuần.

Chuyện nữ sinh đánh nhau ở trường này diễn ra khá thường xuyên và đa số là HS cùng trường tổ chức “xử” nhau. Một số giáo viên ở đây tiết lộ, một học kỳ trung bình có 10 vụ nữ sinh đánh nhau nghiêm trọng (có sự can thiệp của công an), còn các vụ ẩu đả nho nhỏ có sự tham gia của nữ sinh thì hầu như tuần nào cũng có.

Thời điểm trước Tết Ất Mùi, tại trường Tam Đông 1 cũng xảy ra một vụ đánh đập bạn dã man của một nhóm nữ sinh. Em S. (HS lớp 6) khi đi vệ sinh đã bị một nhóm nữ sinh theo dõi, trùm áo khoác lên mặt và nhảy vào đấm đá tới tấp rồi bỏ chạy. Nhà trường đã phải mời công an vào cuộc nhưng vẫn không tìm ra người đánh.

Sau này, một số HS cho biết, do S. dám thổ lộ tình cảm trên mạng với bạn trai của một người trong nhóm nữ kia nên “bị xử”. Vì quá sợ nên sau sự việc bị đánh, S. đã xin nghỉ học.

Thé lục ngàm dáng sọ trong gioi nũ sinh

Mẹ của Nguyễn Quỳnh H. đau đớn vì gương mặt còn sưng húp của con

Thích làm đàn chị, thích nổi tiếng

ThS Phạm Phúc Thịnh, Giám đốc Trung tâm tư vấn Nhịp cầu hạnh phúc cho biết, nữ sinh đánh nhau đang ngày càng gia tăng về số lượng và cả mức độ nghiêm trọng. Điều đáng lo, trong trường học đang dần xuất hiện những thế lực khống chế, điều khiển số đông, khiến các em bị đánh không dám lên tiếng, người chứng kiến cũng không dám can ngăn.

Theo các chuyên gia tư vấn tâm lý, nữ sinh, nhất là lứa tuổi đang thay đổi mạnh về tâm sinh lý rất nhạy cảm, dễ xảy ra hiềm khích và dễ tổn thương hơn các nam sinh. Đôi khi chỉ cần thấy bạn kia xinh hơn, học giỏi hơn là mặc định bạn “chảnh”, xem thường mình, dẫn đến đánh nhau. Đánh nhau vì vấn đề tình cảm cũng đang gia tăng. ThS Phạm Phúc Thịnh phân tích: sở dĩ số vụ nữ sinh đánh nhau ngày càng nhiều vì người lớn đang dạy cho các em sự bình đẳng một cách thô thiển, rằng cái gì nam làm được nữ cũng làm được. Nam chửi thề thì nữ cũng chửi thề, nam sinh đánh nhau được thì nữ sinh cũng đánh nhau...

Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, môi trường học đường không dạy các em về đạo đức mà chủ yếu dạy kiến thức. Chẳng ai dạy các em làm thế nào để hạn chế xung đột, tự vệ, yêu thương bản thân và tôn trọng người khác… HS phải “cắm mặt” học từ 6g sáng đến 11g đêm thì stress là tất yếu. Đôi khi các em đánh nhau là để giải tỏa những áp lực trong học tập, đời sống.

Bên cạnh đó, theo ThS Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (TP.HCM) thì truyền thông, mạng xã hội, phim ảnh góp phần cổ xúy cho các em đánh nhau. Khi công an vào cuộc, nhiều em khai rằng đánh nhau tung clip để được nổi tiếng, để được lên mạng. Còn đánh như thế nào cho hấp dẫn chỉ cần... bật mạng lên học theo. Nguyên nhân dẫn đến đánh nhau một phần do thiếu sự quan tâm của gia đình. Nếu nhà trường và gia đình có sự phối hợp tốt, phát hiện sớm thì sẽ dễ hóa giải mâu thuẫn giữa các em.

 QUỲNH MAI - TIÊU HÀ

Tại hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường trong trường phổ thông”, do Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức, ThS Đinh Anh Tuấn, Khoa Tâm lý giáo dục và công tác xã hội, Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định) nêu: theo một nghiên cứu về bạo lực học đường ở Quy Nhơn cho thấy khi xảy ra ẩu đả, khoảng 22,6% học sinh cho biết chỉ đứng xem, 36,5% nói báo với giáo viên, 5,4% quay phim chụp hình, 7,3% hô hào, cổ vũ và đến 30,9% bỏ đi nơi khác để an toàn.

Chị N.T.V., phụ huynh của một học sinh (HS) trường chuyên ở một tỉnh miền Tây, cho biết: “Mới đây, tôi vô tình dùng máy tính của con mình mới phát hiện, ngoài những tài khoản cá nhân trên facebook, tụi nhỏ còn lập ra nhóm kín để trao đổi những chuyện nội bộ, để bày tỏ bức xúc đối với nhà trường, thậm chí để chửi giáo viên”. Chị V. kể, sau khi biết được sự việc, chị có hẹn gặp cô hiệu trưởng nhằm báo động tình trạng này. Tuy nhiên, cô nghe qua, hẹn ngày gặp rồi… không đến.

Cháu L.T.T., HS một trường THCS ở thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang học khá giỏi nhưng nhà rất nghèo, học đến lớp 7 mà chưa biết đến điện thoại di động. Một hôm thấy N. - bạn học cùng lớp để điện thoại dưới ngăn bàn, T. bèn tò mò lấy ra xem. Không ngờ, N. la toáng lên, nói T. ăn cắp. Sau khi nghe hai HS trình bày, cô giám thị phân tích nhưng N. vẫn không đồng ý. Mấy hôm sau, trên đường đi học về, N. kéo thêm một nhóm bạn nữ chặn đường T. tại một đoạn đường vắng, bắt T. quỳ gối nhận lỗi, xin lỗi. N. còn mang theo hai chai nhựa đựng nước mắm, nước tương, trút xối xả lên đầu bạn. Buổi hành hạ chỉ chấm dứt khi có người lớn tình cờ đi ngang can thiệp.

Cô P.T.L., giám thị tại một trường THCS tại Tiền Giang cho biết, mỗi năm học, có đến gần chục lần cô phải xử lý những ca bạo lực học đường do HS nữ gây ra. Các em lập thành nhóm, đặt tên rất “kêu”: nhóm “Nữ Quái”, nhóm “Nón Tím”, nhóm “Áo Đỏ”... Nếu một thành viên trong nhóm có xích mích gì với ai thì cả bọn cùng đi nói chuyện "phải quấy". Nhẹ thì dùng móng tay cào vào mặt bạn, nặng hơn thì túm tóc, bợp tai. Có trường hợp, sau khi bị giám thị xử lý đình chỉ học tập hoặc hạ hạnh kiểm theo giai đoạn, các em đi ngang nhà cô và lấy rác, đá liệng vào nhà…

 HIỀN DUNG

Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự:

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Như vậy ta hiểu với độ tuổi dưới 14 sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự với mọi hành vi mà họ gây ra. Nhưng từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Và người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

Luật sư Phạm Lĩnh Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI