Thẻ khám bệnh quá tiện lợi đối với bệnh nhân lớn tuổi

24/12/2024 - 06:08

PNO - Tại TPHCM, các bệnh viện Chợ Rẫy, Từ Dũ, 115… đang đẩy mạnh “số hóa”, đưa thẻ khám bệnh vào sử dụng. Riêng tại Bệnh viện Thống Nhất, bệnh nhân - đa số là người lớn tuổi - cũng đã bắt đầu có thói quen dùng thẻ khám bệnh và rất hài lòng vì sự tiện lợi.

Quẹt thẻ là khám bệnh được ngay

Bệnh viện Thống Nhất triển khai khám chữa bệnh bằng thẻ từ năm 2020. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 năm nay, các bệnh nhân lớn tuổi mới có thói quen dùng thẻ khám bệnh. Với chiếc thẻ này, người bệnh không cần phải thức dậy từ sáng sớm, xếp hàng, sợ quên mang căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế; không sợ mất kết quả xét nghiệm, toa thuốc…

Với ông T.T.C. (72 tuổi, ở quận Phú Nhuận), chiếc thẻ khám bệnh như “bảo bối”. Nhờ đó, khi đi khám bệnh, ông không cần phải soạn thẻ bảo hiểm y tế, căn cước công dân, sổ khám bệnh, phim X-quang… đem theo nữa. Chiếc thẻ có kích thước tương tự như thẻ ATM, tích hợp tất cả thông tin gồm tên, tuổi, số thẻ bảo hiểm y tế… Đến ki-ốt tại Khoa Khám bệnh, ông áp thẻ vào màn hình cảm ứng. Ngay lập tức, màn hình xuất hiện thông tin bệnh nhân, kéo tiếp màn hình, danh sách khoa, phòng, thông tin, hình ảnh bác sĩ đang ngồi phòng khám được cung cấp chi tiết. Sau khi ông chọn khoa khám bệnh liền có số thứ tự, chỉ cần ngồi chờ đến lượt khám.

Bệnh nhân lớn tuổi ở Bệnh viện Thống Nhất đang quẹt thẻ đăng ký, chọn bác sĩ khám
Bệnh nhân lớn tuổi ở Bệnh viện Thống Nhất đang quẹt thẻ đăng ký, chọn bác sĩ khám

Ông cho biết mình bị đái tháo đường, tim mạch đã hơn 8 năm, phải thường xuyên đến bệnh viện để khám định kỳ: “Khi dùng thẻ, tôi được chọn bác sĩ khám. Bấm chọn xong thì số thứ tự chạy ra liền rất công bằng. Trước đây, mỗi lần quên hồ sơ thì phải quay về nhà lấy, hoặc phải làm lại các xét nghiệm rất mệt mỏi…”.

Từ khi có thẻ khám bệnh, bà N.T.K. (83 tuổi, ở quận Bình Thạnh) cũng siêng đi tái khám hơn. Trước đây, mỗi lần đi khám, bà thường dậy lúc 4g30 sáng, xem lại hồ sơ lần nữa, rồi đến bệnh viện khoảng 5 giờ để lấy số thứ tự. Sau một thời gian dùng thẻ, bà K. nhận ra rất nhiều lợi ích: “Lỡ có làm mất toa thuốc thì cứ nhờ bác sĩ lên máy tính tìm là ra liền, kết quả xét nghiệm máu, chụp chiếu, khám bệnh mấy tháng trước vẫn còn, không cần phải khám lại từ đầu”.

Hiệu quả cao trong quản lý, điều trị bệnh

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trương Quang Anh Vũ - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM - cho biết, trung bình mỗi ngày khu khám bệnh bảo hiểm y tế tiếp nhận khoảng 2.000-2.500 bệnh nhân. Đa số bệnh nhân là người lớn tuổi, mắc bệnh mạn tính, cần tái khám hằng tháng. Để bệnh nhân có kết quả điều trị tốt nhất, bác sĩ cần theo dõi kỹ suốt quá trình khám bệnh của họ. Ngoài ra, người lớn tuổi hay quên, nếu không mang sổ khám bệnh, hoặc làm mất kết quả xét nghiệm thì bác sĩ khó nắm được lịch sử khám bệnh. Người bệnh phải đăng ký khám lại từ đầu tốn kém…

Từ khi dùng thẻ khám bệnh, thông tin bệnh sử của người bệnh được lưu trữ trên hệ thống, tích hợp tất cả khoa, phòng vừa thuận tiện cho người bệnh vừa giúp bác sĩ quản lý bệnh tốt hơn. Việc kê đơn, lên kế hoạch điều trị cho bệnh nhân hạn chế được sự cố không đáng có như dị ứng thuốc, phản ứng thuốc… Căn cứ vào bệnh sử, bác sĩ điều chỉnh thuốc phù hợp, phòng tránh nguy cơ lạm dụng thuốc trên người bệnh.

Từ lúc đăng ký đến khi khám xong, tất cả kết quả khám ở các khoa lâm sàng được trả về phòng chỉ định khám ban đầu. Người bệnh chỉ cần trở lại gặp bác sĩ để được tư vấn bệnh, lấy toa thuốc rồi ra quầy dược nhận thuốc về uống. Hoàn tất quá trình khám, toa thuốc, kết quả xét nghiệm, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh… sẽ được lưu trữ, tích hợp dữ liệu trên hệ thống của bệnh viện.

“Bất kỳ bác sĩ nào đang khám cho bệnh nhân cũng dễ dàng vào hồ sơ bệnh án, giúp cho việc chẩn đoán được bao quát, đầy đủ hơn. Đặc biệt, việc được lựa chọn bác sĩ khám cũng giúp người bệnh yên tâm, tạo sự thân thiện, gắn kết giữa bác sĩ và bệnh nhân hơn trước. Vì vậy, từ chỗ không muốn thay đổi thói quen, sợ tiếp cận công nghệ, các bệnh nhân lớn tuổi đã rất ủng hộ việc dùng thẻ khám bệnh” - bác sĩ Trương Quang Anh Vũ chia sẻ.

Hiện Khoa Khám bệnh gần như đã hoàn tất chuyển đổi số cũng như bệnh án điện tử. Bệnh viện đang hướng đến tích hợp mã QR cho mỗi bệnh nhân. Người nhà, bác sĩ của bệnh viện khác có thể cùng theo dõi sức khỏe người bệnh thông qua quét mã QR, để hiển thị kết quả khám, đơn thuốc…

Bác sĩ Trương Quang Anh Vũ

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI