The invisible man (tựa Việt: Kẻ vô hình, kịch bản và đạo diễn: Leigh Whannell, dựa theo tiểu thuyết của H.G.Wells) bắt đầu khi một cô gái chạy trốn khỏi chiếc lồng son thời hiện đại. Một căn biệt thự tuyệt đẹp bên bờ biển, một người chồng hào hoa và tài giỏi, một cuộc sống bao người ước mơ… Nhưng Cecilia Kass (do Elisabeth Moss thể hiện) đã bỏ lại tất cả, chạy trốn giữa đêm khuya như một kẻ tội đồ.
Không ai tin Adrian Griffin, chồng của Cecilia là một kẻ đáng sợ như vậy. Nhưng Cecilia rất tỉnh táo, cô không bỏ chồng để chạy theo một cơn say nắng chông chênh nào khác. Cecilia chỉ chạy trốn chiếc lồng son như chú chim muốn tung cánh về bầu trời tự do. Phải, Cecilia chỉ muốn tự do, được là mình, chứ không phải là một con búp bê xinh đẹp luôn nơm nớp sống mỏi mòn theo niềm vui, nỗi buồn của ông chủ với tên gọi mỹ miều: bạn đời.
Bạo hành phụ nữ và bạo hành gia đình đã là nỗi ám ảnh phụ nữ từ rất lâu đời, trải dài theo sự tiến bộ văn minh của nhân loại. Theo thời gian, nắm đấm bạo lực đã thay bằng bạo hành tinh thần, là sự gia trưởng, cưỡng ép suy nghĩ và lối sống của người vợ theo ý chí chủ quan của ông chủ gia đình. Cecilia sống trong nhung lụa và giàu có nhưng cô ngộp thở và cảm thấy tính độc đoán, sở hữu của Adrian (do Oliver Jackson-Cohen thể hiện) đang ngày càng giết chết sự sống trong cô.
Câu chuyện dần hé mở cho thấy người phụ nữ bị bạo hành luôn có hành xử giống nhau, dù đó là một phụ nữ ở tầng lớp bình dân hay người phụ nữ trí thức, tài giỏi như Cecilia. Phụ nữ thường chỉ chạy trốn và không dám đối mặt.
Mỹ là đất nước nổi tiếng bảo vệ quyền phụ nữ. Nhưng Cecilia không dám dùng sức mạnh pháp luật để bảo vệ mình, cô cũng như bao nhiêu người phụ nữ yếu đuối và cam chịu khác chọn cách: chạy trốn. Có lẽ trái tim mềm yếu của phụ nữ khi yêu luôn có lời biện hộ dành cho chồng mình: đó là vì quá yêu và không muốn mất mình nên anh ấy mới như vậy.
Có thật người đàn ông muốn sở hữu, khống chế vợ trong vòng kềm tỏa của mình chỉ vì họ quá yêu?
Bộ phim lần mở ra những sự kiện để phản biện lại sai lầm ngốc nghếch của trái tim phụ nữ. Adrian đã chứng minh anh ta chỉ yêu chính mình, yêu cái tôi vĩ đại của bản thân. Hành trình khống chế và bắt Cecilia quay trở lại chiếc lồng son lạnh lẽo chỉ để thỏa mãn quyền lực của ông chủ: không cho phép “nô lệ” rời bỏ mình.
Ngay ở Việt Nam, thỉnh thoảng báo chí lại đưa tin những vụ án đau lòng về những người đàn ông đã ra tay tàn ác với vợ, bạn gái, người yêu… chỉ vì người phụ nữ dám ly dị hoặc chia tay chồng, bạn trai. Và những gã tội phạm đáng lên án ấy luôn biện hộ cho hành vi tội ác mình bằng tình yêu và sự ghen tuông.
The invisible man hé mở thế giới nội tâm của đàn ông, cho thấy ranh giới giữa tình yêu và tính sở hữu chiếm đoạt rất mong manh. Lằn ranh này dễ biến người đàn ông thay vì là người hùng bảo vệ người mình yêu thương trở thành tên bạo chúa tàn ác, luôn muốn trừng trị và khống chế người phụ nữ nếu họ dám rời bỏ hắn ta.
Khán giả đàn ông khi xem The invisible man có lẽ sẽ thấu hiểu suy nghĩ bệnh hoạn của Adrian, nhưng cũng tự nhắc nhở về cái lằn ranh mong manh kia nếu họ không muốn nối dài bi kịch của phụ nữ trong chính mái ấm yêu thương.
Nếu Cecilia tiếp tục chạy trốn, tiếp tục không dám đối mặt với Adrian, gã chồng thông minh xảo quyệt thì số phận của cô như thế nào? Quay trở lại lồng son để được yêu thương cưng chiều và sống kiếp búp bê? Chấp nhận quên đi những tổn thương, mất mát, đau đớn… xảy ra với cô bằng nụ cười hiền lành giả tạo của Adrian ư?
Giây phút đứng giữa chọn lựa quay về cuộc hôn nhân đáng sợ hay bỏ đi mãi mãi, Cecilia đã có quyết định thứ ba đầy bất ngờ. Cô đã dũng cảm đối mặt với Adrian.
Giá như Cecilia có được sự dũng cảm ngay từ đầu thì cuộc đời cô đã không chịu quá nhiều mất mát như vậy. Giá như mọi phụ nữ dám dũng cảm đứng lên đấu tranh với bạo hành gia đình thì những gã đàn ông hung bạo kia đã không thể làm hại họ. Bởi vì theo nguyên tắc người ta chỉ bóp quả hồng mềm.
Từ đầu tới cuối phim, Cecilia luôn sợ hãi và mềm yếu thông cảm và tha thứ cho cơn điên loạn của Adrian. Cô mặc cho Adrian phá hủy cuộc đời mình chỉ vì tin rằng tình yêu đã biến Adrian thành ác quỷ. Chỉ đến khi cô hiểu ra cô chỉ là cái bóng của lòng yêu bản thân đến bệnh hoạn của Adrian, chỉ đến khi cô hiểu hóa ra chưa bao giờ gã chồng tàn ác kia yêu mình dù chỉ là một phút giây… Đó là khi Cecilia đã tìm thấy tự do cho chính mình.
Tình yêu vốn dĩ đẹp vô cùng, nhưng với Adrian tình yêu chỉ là chiếc áo vô hình hắn khoác lên nhằm che đậy nội tâm đen tối của mình.
Trailer phim The invisible man :
Bùi Quốc Bảo
*The invisible man do Mỹ sản xuất năm 2020.