"The Hunt": Lời nói dối ngây thơ... gieo tội ác

31/03/2021 - 08:56

PNO - Trong cuộc sống, người ta vẫn hay tin rằng con nít không biết nói dối. Tuy nhiên, sẽ ra sao nếu một đứa trẻ mới học mẫu giáo nói dối, lại còn bịa ra việc mình bị “ấu dâm”?

Bộ phim The Hunt (2012) của nhà làm phim Đan Mạch Thomas Vinterberg đã đặt ra tình huống này, đem tới cái nhìn trăn trở về ranh giới mong manh giữa tình người và thành kiến, về sự đáng sợ của hiệu ứng đám đông.

Góc nhìn ngược lại về vấn đề nhức nhối

Điện ảnh thế giới đã có nhiều bộ phim nói về đề tài ấu dâm gây ấn tượng mạnh như Hope, Silenced, Mystic river… khiến người xem phải rơi nước mắt. The Hunt (từng đại diện Đan Mạch dự Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất) cũng đề cập chủ đề này, nhưng có góc nhìn ngược lại, khi nạn nhân không phải một đứa trẻ đáng thương mà là một người lớn vô tội. 

Lucas là giáo viên của một nhà trẻ địa phương nơi anh sống. Trong số học trò của anh có Klara - một cô bé lớn lên trong gia đình cha mẹ hay cãi nhau, anh trai tuổi mới lớn có thói quen xem hình khiêu dâm. Klara có tình cảm đặc biệt với Lucas, vì thường được thầy đưa đón đi học khi cha mẹ bận, và thầy có chú chó Fanny đáng yêu. 

Nhận ra cô trò nhỏ có cử chỉ khác lạ với mình như tìm cách hôn, tặng quà, Lucas khéo léo bảo bé hãy dành nụ hôn cho cha mẹ, hoặc nên tặng quà cho các bạn. Tức giận vì bị thầy từ chối, Klara đã bịa ra câu chuyện thầy khoe “của quý”. Cuộc đời Lucas từ đó chìm trong nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần.

Trong suy nghĩ của mọi người, con nít luôn nói thật, ít ai nghĩ đến việc liệu những lời chúng nói có hoàn toàn đáng tin. Cách đặt vấn đề của phim rất thú vị. Những tình huống dẫn dắt tới sự hiểu lầm được cài cắm hợp lý. Ban đầu khi nghe Klara nói thầy Lucas có “cái đó”, bà Grethe, quản lý nhà trẻ, điềm tĩnh đáp: “Đàn ông nào mà không có, anh và bố con cũng có đấy thôi”. Đến khi Klara miêu tả “nó” theo hình ảnh cô bé nhớ được từ bức hình anh trai xem, bà Grethe nhanh chóng liên tưởng ngay đến một vụ lạm dụng tình dục.

 Các diễn tiến tâm lý nhân vật cũng được miêu tả xác thực. Nhà tâm lý học được mời đến khi nghe Klara nói Lucas không làm gì xấu với mình, thì lại cho rằng bé sợ hãi, không dám nói thật nên càng gây áp lực buộc cô bé nói thật. Để yên thân, Klara đành lặp lại lời nói dối. 

Nhưng đáng sợ hơn cả là hiệu ứng tâm lý nói dối lan truyền trong đám nhóc và cha mẹ chúng. Các phụ huynh khi nghe bà Grethe hỏi về triệu chứng bị lạm dụng của con em, họ cũng mơ hồ thừa nhận có. Bọn trẻ được bà khuyến khích kể lại những ác mộng, liền nhiệt tình khai việc bị thầy Lucas lạm dụng ở tầng hầm - điều tất nhiên không có thật vì nhà Lucas không có hầm.

Ám ảnh hiệu ứng đám đông 

Tựa phim là The Hunt, cuộc đi săn, như ám chỉ cách dân làng đối xử với Lucas, hệt như với tội phạm. Chỉ bằng niềm tin trẻ con không nói dối, những người dân ở ngôi làng bé nhỏ vứt bỏ luôn sự tỉnh táo, lý lẽ để nhanh chóng hùa vào kết tội Lucas.

Thật xót xa khi thấy cảnh Lucas bị nhân viên siêu thị xua đuổi, hành hung, ném đồ hộp vào đầu đến chảy máu; bạn bè chí cốt xa lánh đuổi Lucas khi anh đến nhà, cô người yêu mới quen Nadja cũng nghi ngờ anh làm chuyện đồi bại với con nít. Và ngay người bạn thân nhất cũng quay lưng với anh.

Không có nỗi đau nào bằng việc bị oan mà không thể minh oan. Lucas như con thú vẫy vùng giữa một đám người đang muốn săn cùng đuổi tận. Phim có nhiều góc quay cận mặt Lucas lột tả nỗi đau của nhân vật.

Trong đó ấn tượng nhất là cảnh Lucas ngồi trong giáo đường, nước mắt lặng lẽ chảy dài khi nhìn vào tượng Chúa. Và khi không còn chịu đựng oan ức được nữa, Lucas đã túm cổ áo Theo, cha của bé Klara, đấm vào mặt hắn và hét lên đầy căm phẫn: “Nhìn vào mắt tôi nè, anh thấy gì không? Vô tội, là vô tội!”. 

Điều đặc biệt nhất ở Lucas là dù bị Klara vu khống thì từ đầu đến cuối, người xem cũng không thấy anh oán trách cô bé. Thậm chí, Lucas còn dang tay đón bé và tiếp tục chỉ đường cho em về nhà như những lần trước đó. “Cuộc đi săn” tưởng chừng đã kết thúc ở đoạn Lucas được thả về nhà và đoàn tụ cùng con trai, nhưng tiếc thay bi kịch vẫn chưa dừng ở đó.

Cuối phim, khán giả lại thấy hình ảnh Lucas gục xuống vì trúng đạn của một người thợ săn. Người bắn anh là ai không rõ, nhưng hình ảnh Lucas thẫn thờ, bàng hoàng sau khi bị bắn thật sự ám ảnh. Cuối cùng thì anh vẫn tiếp tục bị săn đuổi, và vết nhơ tội phạm ấu dâm ấy vẫn cứ là bản án treo lơ lửng trên đầu anh. 

Trong phim, hình ảnh những con hươu, nai và những người đi săn xuất hiện rất nhiều lần như một ví von về bi kịch của Lucas. Đám đông - nhân danh bảo vệ kẻ yếu, bảo vệ chính nghĩa - rất dễ dàng hùa nhau tấn công vào một người bị cho là xấu mà không hề nghĩ đến hậu quả nạn nhân phải gánh chịu. Hiệu ứng đám đông thật đáng sợ khi có thể dìm chết một người vô tội. 

Phim cũng đặt ra vấn đề đáng suy ngẫm trong xã hội là ranh giới giữa niềm tin và thành kiến quá mong manh. Con thú có thể chạy thoát khỏi người đi săn, nhưng con người khi đã trở thành con mồi trong cộng đồng rất khó thể thoát thân. Chà đạp người khác để chứng tỏ bản thân tốt đẹp, đẩy một người vô tội vào nghịch cảnh, hoàn toàn không phải là cách hành xử văn minh, tử tế. Thông điệp của phim cũng nhắc nhở chúng ta đừng tự biến mình thành thợ săn chỉ biết chực chờ giương súng nã đạn vào con mồi mà không cần tìm hiểu lý lẽ thiệt hơn. 

Trailer phim The Hunt:

 

 

 Hương Nhu

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI