Thế hệ của biến đổi khí hậu
Năm 2015, Thỏa thuận Paris đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng nhằm thoát khỏi những thiệt hại không thể đảo ngược về môi trường. Đến nay, phần lớn các quốc gia và tập đoàn đều không đạt được các mục tiêu đã cam kết và khi các thảm họa thiên nhiên gia tăng với tốc độ chưa từng có, nỗi lo về khí hậu tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ở nhóm dân số sinh từ năm 1997 trở về sau, còn gọi là gen Z.
Hơn bất kỳ thế hệ nào khác, gen Z tương tác nhiều hơn với các nội dung trực tuyến về biến đổi khí hậu và nhu cầu hành động vì khí hậu.
|
Những nhà hoạt động môi trường trẻ như Greta Thunberg trở thành ngọn hải đăng cho thế hệ Z trên con đường đấu tranh vì tương lai - Ảnh: AFP |
Theo khảo sát của Tổ chức Kiểm toán Ernst & Young (EY), 37% thanh niên thế hệ Z tham gia xem biến đổi khí hậu là mối quan tâm cá nhân số một của họ và 32% đã tự mình hành động để giải quyết vấn đề. Cả hai tỷ lệ trên đều cao hơn so với các thế hệ đi trước. Bên cạnh đó, hơn 3/4 thế hệ Z muốn những vấn đề về môi trường được giảng dạy ở trường học.
Gillian Hinde - Trưởng nhóm Trách nhiệm Doanh nghiệp Toàn cầu của EY - cho biết: “Thế hệ Z sẽ gánh chịu gánh nặng của biến đổi khí hậu một cách không cân xứng. Họ cảm thấy hiện tại bản thân không thể tác động đến sự thay đổi một cách có ý nghĩa, đặc biệt về khía cạnh kinh tế”.
Được truyền cảm hứng từ những nhà hoạt động như Greta Thunberg, mối quan tâm của thế hệ Z đối với cuộc khủng hoảng khí hậu sánh đôi với sự vỡ mộng của họ về việc các chính quyền đã ”không hành động gì”.
Sự thất vọng của giới trẻ đã tăng mạnh kể từ khi đại dịch bắt đầu, với 80% thanh niên cho biết họ có các triệu chứng trầm cảm, lo lắng và hoài nghi trước vấn đề khí hậu. Đáng chú ý là hơn 2/3 (67%) thế hệ Z đã nói về sự cần thiết phải hành động vì khí hậu ít nhất một lần trong vài tuần qua và nhiều người tự hỏi liệu có ai đang thực sự lắng nghe những gì họ muốn nói?
Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống Joe Biden, chính sách về khí hậu, năng lượng và môi trường là chủ đề mới được chính phủ Mỹ quan tâm. Đáng chú ý, Mỹ đã tham gia lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đã quyết định hạn chế mạnh mẽ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và Tổng thống Joe Biden đã nêu ra một loạt chính sách nhằm cải thiện môi trường sống.
Hành động vì môi trường
Những người Mỹ trẻ nổi bật hơn trong một cuộc khảo sát mới của Trung tâm Nghiên cứu Pew, đặc biệt là ở mức độ tương tác cao của họ với vấn đề biến đổi khí hậu. So với thế hệ trước, gen Z nói nhiều hơn về sự cần thiết phải hành động; giữa những người sử dụng mạng xã hội, họ thấy nhiều nội dung về biến đổi khí hậu hơn trên mạng và họ đang tham gia nhiều hơn vào vấn đề này thông qua các hoạt động tình nguyện, tuần hành…
|
Hàng trăm người tuần hành đến Nhà Trắng kêu gọi hành động vì khí hậu - Ảnh: SHUTTERSTOCK |
Gen Z đã quyên góp tiền, liên hệ với các quan chức được bầu cử, tình nguyện hoặc tham dự tuần hành để giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong năm qua.
Trên thế giới, số nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi xuất thân từ thế hệ Z ngày càng tăng, kể từ khi Greta Thunberg đứng bên ngoài tòa nhà quốc hội Thụy Điển với tấm biển ghi dòng chữ “Bãi khóa vì khí hậu” vào năm 2018, lúc cô chỉ mới 15 tuổi.
Từ một nhân vật đơn độc ban đầu, Greta nhanh chóng được hơn 20.000 sinh viên khắp thế giới ủng hộ, cùng bãi khóa để yêu cầu chính phủ hành động về biến đổi khí hậu.
Năm 16 tuổi, Greta nhận đề cử giải nobel Hòa bình đầu tiên và những lời của cô đã trở thành tiếng lòng của một thế hệ quyết tâm không bị cuốn trôi vì biến đổi khí hậu.
Bây giờ, ở tuổi 18, Greta chia sẻ: "Tôi không thấy mình là một người nổi tiếng về khí hậu, tôi coi mình là một nhà hoạt động khí hậu... Tôi nên biết ơn vì có rất nhiều người giống tôi đã không có được nền tảng vững chắc. Họ không được lắng nghe, tiếng nói của họ đang bị đàn áp và rơi vào im lặng".
Sự thay đổi trong nghề nghiệp và tiêu dùng “xanh”
Nghiên cứu cho thấy thế hệ Z nhận thức sâu sắc về tác động của việc hành tinh đang nóng lên và nhiều người chọn theo đuổi con đường sự nghiệp tập trung vào giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Theo ghi nhận của tờ The Guardian, lãnh đạo nhiều trường đại học tại Mỹ tiết lộ số lượng sinh viên tìm kiếm bằng cấp và nghề nghiệp liên quan đến môi trường đang tăng lên.
Ví dụ Đại học Nam California vào tháng Sáu cho biết họ đã khởi động một chương trình nhằm hướng dẫn 20.000 sinh viên đại học về "cách các chuyên ngành giao thoa với tính bền vững và môi trường".
Tương tự, chương trình nghiên cứu môi trường của Đại học New York đã có sự tăng trưởng về số lượng tuyển sinh. Christopher Schlottmann - điều phối viên toàn cầu của chương trình - tin rằng việc có bằng cấp chuyên môn về môi trường sẽ giúp sinh viên mới tốt nghiệp dễ dàng tìm được việc làm.
Nhìn chung, trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, công nghệ thông tin, năng lượng sạch, giao thông bền vững và nhà ở bền vững, nhiều người trẻ đang hợp tác và nắm bắt cơ hội để đưa ra những ý tưởng giúp giải quyết vấn đề khí hậu.
|
Thế hệ Z ngày càng quan tâm về tiêu dùng “xanh”, sản phẩm bền vững và những trách nhiệm với môi trường nơi họ sinh sống |
Mimi Ausland (25 tuổi) đã thành lập một công ty nhằm mục đích loại bỏ nhựa khỏi đại dương. Mimi nói với The Guardian: "Tôi không thể tưởng tượng sự nghiệp cho bản thân nếu điều đó không liên quan đến những sáng kiến vì môi trường dù là nhỏ nhất".
Mimi cũng là người sáng lập Freekibble, một trang web đố vui tương tác khuyến khích người dùng trả lời các câu hỏi về động vật và quyên góp thức ăn cho vật nuôi tại các trại cứu hộ động vật khắp nước Mỹ.
Tương tự, Brooke Hoese, một sinh viên ở Texas, đang theo đuổi lĩnh vực sinh thái phục hồi thông qua cách tiếp cận liên ngành. Cô đã dành cả mùa hè năm nay để làm việc trong một trang trại thực hành nông nghiệp tái sinh theo phương pháp giúp khôi phục sự đa dạng sinh học của đất.
Brooke chia sẻ: “Mục tiêu của tôi là sử dụng lăng kính văn học và triết học để nghiên cứu và hy vọng giúp sửa chữa mối quan hệ giữa con người với môi trường của chúng ta”.
Trong khi đó, Mya-Rose Craig - một nhà điểu học 19 tuổi người Anh - Bangladesh, đồng thời là nhà hoạt động môi trường - đã nhận được bằng tiến sĩ danh dự từ Đại học Bristol (Anh) cho những thành công đáng ngưỡng mộ trong lĩnh vực bảo tồn. Mya-Rose đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận Black2Nature giúp trẻ em và thanh thiếu niên dân tộc thiểu số tương tác với thiên nhiên.
Riêng đối với nữ sinh Trinity Gbla, hành động vì tương lai đến từ những sự lựa chọn bền vững ở hiện tại. Gbla nhận thấy biến đổi khí hậu là vấn đề ngày càng cấp bách, thể hiện rõ tại khu vực Nam California nơi cô sinh sống với những trận cháy rừng và cái nóng khắc nghiệt.
Gbla chia sẻ: “Có một cuộc khủng hoảng khí hậu lớn đang diễn ra trên thế giới mà bạn không thể bỏ qua. Thông thường, khi đi mua sắm, tôi thích chọn những mặt hàng có nguồn gốc rõ ràng, thân thiện với môi trường. Giá cả chắc chắn là điều quan trọng, đặc biệt vì tôi là sinh viên, nhưng tôi sẵn sàng trả cho những thứ đắt tiền hơn nếu chúng giúp tôi cảm nhận được khía cạnh đạo đức và bền vững”.
Ngọc Hạ