Diễn đàn: "văn hóa" nói tục

Thế hệ Z và các tác động tinh thần nặng nề từ đại dịch

13/12/2021 - 05:50

PNO - Những căng thẳng của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng những cuộc thăm dò mới cho thấy thanh thiếu niên phải đối mặt với một số cuộc đấu tranh tinh thần nặng nề khi phải trưởng thành trong thời kỳ vô cùng hỗn loạn.

Thế hệ Z đang bị tụt hậu

Trong thời gian lây lan ban đầu của COVID-19, thế hệ Z hay gen Z (sinh từ năm 1997 trở về sau) phải đối mặt với việc học trực tuyến, một thay đổi quan trọng về tương tác xã hội và phát triển nghề nghiệp đối với họ. Bên cạnh đó, thanh thiếu niên từ 12 - 15 tuổi tại nhiều nước chỉ đủ điều kiện để được tiêm chủng trong những tháng gần đây, trước khi quay lại lớp học trực tiếp. Sau nhiều tháng học từ xa và hạn chế tương tác xã hội, thanh thiếu niên có tỷ lệ trầm cảm và lo lắng cao hơn hẳn so với các nhóm tuổi còn lại.  

Theo khảo sát của MTV Entertainment Group đối với những người Mỹ từ 13 - 24 tuổi, có 46% cho biết đại dịch khiến việc theo đuổi mục tiêu học hành hoặc nghề nghiệp của họ trở nên khó khăn hơn. Đối với các mối quan hệ hẹn hò lãng mạn, 40% gen Z nói rằng điều đó trở nên bất khả thi, 45% cũng cho biết cảm thấy trở ngại trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè.

Các tác động từ đại dịch khiến nhiều người trẻ thế hệ Z cảm thấy khó khăn trong giai đoạn trưởng thành, hôn nhân hoặc làm cha mẹ ẢNH: STRAITS TIMES
Các tác động từ đại dịch khiến nhiều người trẻ thế hệ Z cảm thấy khó khăn trong giai đoạn trưởng thành, hôn nhân hoặc làm cha mẹ - Ảnh: STRAITS TIMES

 

Phát hiện trên tại Mỹ phù hợp với những gì các chuyên gia y tế và giáo dục ở châu Á đang nhận thấy. Theo khảo sát được thực hiện bởi Tổ chức Sandpiper Communications tại Úc, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore, có đến 73% người thuộc thế hệ Z hiện đang trải qua mức độ căng thẳng cao do đại dịch, 57% cho biết sức khỏe tâm thần của họ ngày càng giảm sút.

Ngoài ra, gần 80% phải đối mặt với tình trạng căng thẳng quá mức hằng tháng hoặc thường xuyên hơn, trong đó 28% người được khảo sát phải trải qua điều này hằng tuần và 11% là hằng ngày. Đáng chú ý, chỉ có 41% người thuộc thế hệ Z trên khắp châu Á - Thái Bình Dương cảm thấy thoải mái khi nói về sức khỏe tinh thần của bản thân trước áp lực từ kỳ vọng gia đình và xã hội.

Tiến sĩ Cora Breuner - bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Seattle (Mỹ) - cho biết tác động quá lớn của đại dịch đến trẻ em và thanh thiếu niên một phần có liên quan đến vị trí của nhóm tuổi này trong quá trình phát triển não bộ. Họ đang ở giai đoạn phát triển mạnh nhất những kỹ năng tinh thần phức tạp cần thiết để thích ứng với cuộc sống hằng ngày. Ông giải thích: “Đó là cơn ác mộng khi bạn bị cô lập về học tập, giảm tương tác xã hội với bạn bè và nhìn thấy cha mẹ cũng đang phải vật lộn với những vấn đề trong cuộc sống. Điều đó nghĩa là, trong khi những người trẻ tuổi đang bị tụt hậu ở trường học, họ cũng đang bị tụt hậu về các kỹ năng cần thiết để đối phó với căng thẳng và khả năng đưa ra quyết định”.

Áp lực và sự thích nghi

Đối với Ivy Enyenihi (16 tuổi), chỉ nghĩ về năm học 2020 thôi cũng đã là một áp lực. Trong khi cha mẹ tiếp tục làm việc trực tiếp, Ivy dành ngày này qua ngày khác một mình tại nhà ở Knoxville, bang Tennessee (Mỹ). Các lớp học trực tuyến ở trường trung học có tương tác với giáo viên chỉ diễn ra hai ngày/tuần, khiến cô gái trẻ hoàn toàn bị cô lập trong khoảng thời gian còn lại.

Ivy kể: “Tôi là người rất thích giao tiếp xã hội và vì vậy việc không có mọi người xung quanh dường như là điều khó khăn nhất. Nó làm cho những điều bình thường trở nên khó thực hiện và khiến tôi chán nản”. Điều đáng mừng là tình hình đã được cải thiện kể từ khi Ivy trở lại lớp học trực tiếp vào năm nay. Nhìn chung, cảm giác bị cô lập đã mất dần, nhưng ký ức về nó vẫn còn ám ảnh Ivy. 

Trong khi đó, sinh viên Meghana Prasad (24 tuổi) bắt đầu “cảm thấy ngột ngạt” ở Singapore khi cảm thấy những người bạn của mình ở châu Âu, Mỹ, Canada và Úc sống cuộc sống “bình thường hơn nhiều” so với cô. Điều này cũng dẫn đến việc Meghana cảm thấy “bị cô lập về mặt xã hội”. Cô thổ lộ: “Đại dịch chắc chắn đã ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của tôi và tôi đang khao khát được thoát khỏi giai đoạn này cả thể chất lẫn tinh thần. Tôi vẫn đang đương đầu, nhưng tôi không biết mình có thể cầm cự được bao lâu nữa”.

Thực tế đáng thất vọng là đại dịch không phải cuộc khủng hoảng cuối cùng trong cuộc đời của thế hệ Z, những người còn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tăng và khả năng xảy ra những đại dịch khác trong tương lai. Do đó, việc phát triển khả năng phục hồi chống lại khủng hoảng là điều không thể khác.

Delfine Yew (17 tuổi), sinh viên năm nhất đại học tại Singapore, bộc bạch: “Tôi khẳng định mình khá quyết tâm trong việc thích nghi với COVID-19 và làm quen với cuộc sống bình thường mới. Thật khó khăn khi bắt đầu, nhưng tôi có thể cảm thấy bản thân ngày càng kiên cường hơn. Tôi nghĩ, nếu xem những thay đổi này là thử thách mà bản thân phải chinh phục trên con đường đến thành công, thì tôi sẽ lạc quan hơn cho những ngày sắp tới”. 

Ngọc Hạ (theo AP, The Drum, Forbes, CNA, Straits Times)
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI