Thế hệ trẻ và quan điểm khác biệt về công việc

24/04/2024 - 06:30

PNO - Đối với nhiều nhà tuyển dụng, 2 chữ “gen Z” đang trở thành nỗi ám ảnh khi thế hệ này có những đòi hỏi cao về phúc lợi. Trong khi người lao động “gen Z” thì thường cảm thấy thị trường việc làm hiện tại gò bó, thiếu linh hoạt và không đủ an toàn.

Bất đồng giữa người thuê và người làm thuê

Ở tuổi 25, Kimi Kaneshina không cảm thấy hài lòng với con đường sự nghiệp của mình. Sau 1 năm làm công việc giám đốc sản phẩm ở một công ty tại bang California (Mỹ), cô bị sa thải vào tháng 6/2023. Giờ đây, khi tìm việc mới, thay vì quan tâm về vấn đề văn hóa công ty hay liệu công việc có phù hợp hay không, điều đầu tiên Kaneshina quan tâm là mức lương.

Ngày càng có nhiều người trẻ thế hệ Z (sinh ra trong giai đoạn 1997-2012) xem tiền lương và sự phát triển nghề nghiệp là 2 điều quan trọng nhất trong công việc. Điều này có thể giải thích tại sao nhiều người thuộc gen Z cảm thấy không hài lòng với công việc so với các đồng nghiệp lớn tuổi. Theo báo cáo của công ty bảo hiểm MetLife (Mỹ), gen Z là những nhân viên cảm thấy kém hạnh phúc nhất trong mọi thế hệ. Chỉ 62% người lao động gen Z được khảo sát cho biết họ hài lòng với công việc của mình, thấp hơn so với mức 66% ở nhóm lao động lớn tuổi hơn. Báo cáo chỉ ra một số yếu tố của vấn đề này bao gồm mức độ mất lòng tin đáng kể giữa thế hệ Z và người sử dụng lao động.

Những nhân sự trẻ gen Z (1997-2012) có quan niệm mới về công việc, sự nghiệp - ẢNH MINH HỌA: ARLAWKA (Adobe Stock)
Những nhân sự trẻ gen Z (1997-2012) có quan niệm mới về công việc, sự nghiệp - Ảnh minh họa: Arlawka (Adobe Stock)

Trước đây, những nhân viên mới tin rằng cách để có thể thăng tiến và nhận được mức lương đáng mơ ước là phải làm việc chăm chỉ. Nhưng ngày nay, điều đó không còn đúng nữa. Trong vài năm qua, khả năng làm việc từ xa, xu hướng nghỉ việc hàng loạt và làn sóng sa thải đã thay đổi cách nhìn của người trẻ về công việc. Kết quả khảo sát Chỉ số kinh tế tự do vào tháng 3/2024 do thị trường kỹ thuật số Public Square và công ty kết nối tuyển dụng Red Balloon thực hiện cho thấy ở Mỹ, thế hệ Z nhận được điểm “tệ” về các khía cạnh công việc.

Cụ thể là: độ tin cậy, thái độ độc hại, sức khỏe tâm thần, nguy cơ tranh chấp tại nơi làm việc và mức độ phù hợp với văn hóa công sở. Ý kiến của 80.000 chủ doanh nghiệp cho rằng, phần lớn vấn đề của gen Z tại nơi làm việc là ý thức về quyền lợi. Một chủ doanh nghiệp nhận xét: “Họ muốn cà phê ngon hơn, tăng lương hằng năm, thăng chức, đặc quyền phúc lợi, làm việc từ xa nhiều hơn, ngay cả khi họ làm việc kém hiệu quả”.

Andrew Crapuchettes - Giám đốc điều hành của Red Balloon - chia sẻ: “Các nhà tuyển dụng cần thế hệ Z phát triển, đặc biệt khi số lượng lớn những người thuộc thế hệ trước bước vào tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, thế hệ Z đang bị điểm kém ở nơi làm việc về độ tin cậy, khả năng thích nghi hướng đến tinh thần đồng đội. Thêm vào đó là những thách thức về sức khỏe tâm thần sau đại dịch. Nhiều nhà tuyển dụng cho biết họ “thà thiếu nhân lực còn hơn là đưa những vấn đề này vào doanh nghiệp của mình”.

Phải thay đổi từ cả 2 phía

Corey Seemiller - giáo sư về lãnh đạo tổ chức tại Đại học Wright State (Mỹ) - nhận định: “Mong muốn có nhiều tiền và đủ khả năng trang trải chi phí sinh hoạt của người lao động là hoàn toàn hợp lý”.

Gen Z hiện phải đối mặt với chi phí cao kỷ lục về nhà ở, học phí đại học và những thứ cơ bản như thực phẩm. Trong cuộc khảo sát của công ty kiểm toán EY, hơn 50% người thế hệ Z cho biết họ “cực kỳ lo lắng về việc không có đủ tiền”.

Gen Z cũng nhận thức sâu sắc về những thách thức tài chính dài hạn như mua nhà và nghỉ hưu. Thế hệ này cũng có khả năng tiếp cận thông tin chưa từng có về thế giới việc làm. Ngày nay, những người có ảnh hưởng trên TikTok, YouTube và LinkedIn đã thu hút hàng trăm ngàn lượt theo dõi bằng cách chia sẻ các mẹo về cách vượt qua vòng phỏng vấn, đàm phán lương và quản lý hiệu suất. Gabrielle Yap (26 tuổi) cho biết: “Chúng tôi đã nhìn thấy mặt tốt - xấu của nhiều công ty khác nhau thông qua mạng xã hội, tin tức và các kênh khác. Vì vậy chúng tôi muốn cảm thấy mình đang đóng góp vào điều gì đó có ý nghĩa tại nơi làm việc”.

Gen Z cũng có thể là động lực thúc đẩy văn hóa làm việc thay đổi. Allison Lancaster - Giám đốc điều hành công ty PR Pressat (Anh) - cho biết: “Những ranh giới mới do gen Z đề ra là một lời cảnh tỉnh rất cần thiết”.

Grace Garrick (29 tuổi) - người sáng lập công ty truyền thông sáng tạo MVMNT ở Sydney, Úc - chia sẻ: “Những trải nghiệm với nhân viên gen Z đã giúp tôi mở mang tầm mắt. Họ dạy cho tôi những bài học quý giá về việc thiết lập ranh giới cá nhân và sức mạnh của việc nói “không”. Họ ủng hộ văn hóa làm việc thông minh hơn, chứ không phải chăm chỉ hơn và ưu tiên những công việc có ý nghĩa”.

Sir Cary Cooper - giáo sư tâm lý học tổ chức tại Đại học Manchester (Anh) - lưu ý rằng, gen Z không chỉ là những người giỏi công nghệ mà còn có tinh thần kinh doanh cao hơn những thế hệ trước. Về vấn đề sức khỏe tâm thần, giáo sư Cary tin rằng những người trẻ tuổi đang thực sự gặp khó khăn, vì họ có trí tuệ cảm xúc cao hơn, khiến những lời chỉ trích từ cấp trên trở nên nặng nề hơn đối với họ. Theo ông, doanh nghiệp không nên yêu cầu gen Z trở nên “mạnh mẽ” hơn, mà ngược lại, họ cần nâng cao kỹ năng của nhà quản lý để có thể dung hòa lợi ích của công ty và mong muốn của người lao động trẻ.

Linh La

(theo Business Insider, New York Post, Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI