Thế hệ trẻ mong muốn một Biển Đông hòa bình, thịnh vượng và tôn trọng luật pháp quốc tế

26/10/2023 - 22:43

PNO - Tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông, các diễn giả trẻ đã nêu lên những giải pháp nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực.

 

Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn – Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao - phát biểu tại ngày làm việc thứ 2 của Hội thảo quốc tế về Biển Đông  lần thứ 15
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn - Phó giám đốc Học viện Ngoại giao - phát biểu tại ngày làm việc thứ hai của Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 15

Ngày làm việc thứ hai của Hội thảo bao gồm 4 phiên thảo luận chính. Trong phiên đầu tiên, bàn về “Vai trò của Cảnh sát biển trong tăng cường hợp tác ở Biển Đông”, các học giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các lực lượng Cảnh sát biển ở khu vực.

Hầu hết các đại biểu bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hoạt động “vùng xám”, một số hoạt động đơn phương của tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông thời gian gần đây

Các ý kiến cho rằng các nước nhỏ và vừa nên đẩy mạnh hợp tác, tương tác với nhau, hành động nhất quán, đoàn kết dựa trên luật pháp quốc tế để tạo sức mạnh tập thể, trong đó có khuyến nghị thể chế hoá Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN.

Bước sang chủ đề thảo luận “Thời điểm quyết định: Năng lượng truyền thống hay năng lượng tái tạo?”, các học giả đã trình bày về việc phát triển điện gió ngoài khơi, chuyển đổi năng lượng và khai thác tài nguyên đất hiếm.

Sau 2 phiên thảo luận, bà Paola Pampaloni - quyền Vụ trưởng Vụ Châu Á và Thái Bình Dương, Cơ quan Đối ngoại Liên minh châu Âu - EU (EEAS) - đã tham gia Hội thảo trực tuyến và có bài phát biểu quan trọng.

Bà Pampaloni cho biết, đối với EU, chủ nghĩa đa phương có ý nghĩa quan trọng, đặt trong bối cảnh chủ nghĩa đơn phương và cạnh tranh nước lớn có xu hướng ngày càng gia tăng.

Theo bà Pampaloni, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là “ngọn đèn dẫn đường”, “kim chỉ nam” định hướng cho giải quyết hòa bình các tranh chấp tại khu vực. Bên cạnh đó, EU ủng hộ tiến trình đàm phán do ASEAN dẫn dắt nhằm hướng tới một bộ quy tắc ứng xử COC hiệu quả, thực chất và ràng buộc pháp lý, tôn trọng lợi ích của bên thứ ba, cũng như phù hợp với luật pháp quốc tế.

Diễn giả trẻ của Việt Nam trình bày về những khả năng hợp tác để khai thác bền vững tài nguyên tại Biển Đông và ứng phó với các vấn đề chung như biến đổi khí hậu
Diễn giả trẻ của Việt Nam - Nguyễn Trịnh Tâm Hiền - trình bày về những khả năng hợp tác để khai thác bền vững tài nguyên tại Biển Đông và ứng phó với các vấn đề chung như biến đổi khí hậu

Trong phiên thảo luận cuối cùng, “Tiếng nói của thế hệ kế cận”, 5 diễn giả trong chương trình Lãnh đạo trẻ của Hội thảo từ Úc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Tổ chức quốc tế Quản lý tổng hợp bền vững Biển Đông Á (PEMSEA) đã thảo luận về những lo ngại của thế hệ trẻ trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Những diễn giả trẻ khẳng định bên cạnh những mối lo ngại của khu vực từ trước đến nay liên quan đến các tranh chấp biển giữa các quốc gia, khu vực Đông Nam Á nói chung và Biển Đông nói riêng đang phải đối mặt với rất các mối đe dọa mang tính phi truyền thống khác như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cạn kiệt tài nguyên biển, thiếu năng lượng sạch…

Họ cho rằng, để cùng đạt được hòa bình và ổn định trên Biển Đông, các quốc gia trong khu vực phải tăng cường tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và Phán quyết của Tòa Trọng tài Phụ lục VII trong vụ kiện Biển Đông; sớm hoàn thành COC và đặc biệt tăng cường hợp tác với nhau cũng như với các quốc gia ngoài khu vực để cùng giải quyết các vấn đề chung như phát triển năng lượng sạch, thúc đẩy nghiên cứu khoa học biển, phòng chống nước biển dâng, bảo vệ hệ sinh thái biển…

Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Hùng Sơn - Phó giám đốc Học viện Ngoại giao - đánh giá Hội thảo đã chỉ ra những tiềm năng to lớn của biển và đại dương, đã đề xuất nhiều cơ chế và ý tưởng hợp tác sáng tạo để hiện thực hóa tiềm năng của biển.

TS. Nguyễn Hùng Sơn nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì môi trường hòa bình, tăng cường đối thoại, hợp tác để tăng cường hiệu lực của luật pháp quốc tế, các cơ chế hợp tác đa phương, giảm bớt các hành động đơn phương, qua đó “thu hẹp vùng biển xám”. Đặc biệt, thế giới cần hướng tới tương lai, xây dựng đội ngũ chuyên gia, nhà lãnh đạo trẻ khu vực quan tâm, hiểu biết và có thói quen đối thoại và hợp tác.

Diễn giả Jeffaya Amadei Basen từ Đại học Brawijaya, Indonesia trình bày quan điểm của thế hệ trẻ về vấn đề Biển Đông
Diễn giả Jeffaya Amadei Basen từ Đại học Brawijaya, Indonesia trình bày quan điểm của thế hệ trẻ về vấn đề Biển Đông
Các bạn diễn giả trẻ chụp ảnh lưu niệm sau hội thảo
Các diễn giả trẻ chụp ảnh lưu niệm sau hội thảo

Tấn Vĩ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI