Thế hệ trẻ 'mất gốc' và cảm giác lạc lõng ở quê nhà mỗi dịp tết

31/01/2019 - 06:00

PNO - Không ít người trẻ châu Á đang cảm thấy hoang mang mỗi dịp tết đến xuân về, bởi họ phải đối diện với cảm giác ngày một xa lạ hơn với truyền thống, trong khi bản sắc và ngôn ngữ đang dần mai một.

Dưới đây là chia sẻ của tác giả Wong Chun Wai về dịp tết âm lịch, đăng trên tờ Straits Times.

The he tre 'mat goc' va cam giac lac long o que nha moi dip tet
Trẻ em theo dõi vở kịch rối Tây Du Ký trên đường phố Penang. Ảnh: The Star

Tuần trước, tôi về quê ở bang Penang (Malaysia) để ăn tết âm lịch. Năm nào tôi cũng mong được về nhà ăn bữa cơm sum họp của cả gia đình, cha tôi đã 94 tuổi còn mẹ tôi nay ở tuổi 87.

Tôi thích những bữa tiệc tất niên trước thềm năm mới là bởi vài năm qua, tôi đã cố tránh ở Penang trong mùng 1 và mùng 2 tết. Thời điểm đó, những con đường ở Penang đông nghẹt người, giao thông hoàn toàn ách tắc khi thành phố oằn mình đón nhận những người hồi hương và lượng khách du lịch lớn.

Điều đó còn tồi tệ hơn nữa đối với một thế hệ "quả chuối" mất gốc như tôi (- thuật ngữ ám chỉ người gốc Hoa không biết nói hoặc viết tiếng Trung Quốc, thay vào đó, lại chịu ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây. Thuật ngữ xuất phát từ việc quả chuối có vỏ vàng, nhưng bên trong ruột lại trắng).

Vào năm 2019, giống như tiểu thuyết lịch sử The Last Of The Mohicans của James Fentub Cooper, được chuyển thể thành phim vào năm 1992, nói về những thành viên cuối cùng của bộ lạc người Mỹ bản địa Mohicans đang dần chết đi, hồi tuần trước, tôi nhận ra rằng tôi có thể nằm trong thế hệ “chuối” cuối cùng ở Malaysia.

Những người như tôi bị coi là một nỗi xấu hổ đối với cộng đồng nói tiếng phổ thông, vì chúng tôi không thể đọc, viết tiếng Trung Quốc, hoặc nói tiếng Quan Thoại.

The he tre 'mat goc' va cam giac lac long o que nha moi dip tet
Khu phố buôn bán ở Georgetown, Penang. Ảnh: ST

Tại chợ Air Itam, tôi hỏi giá của kuih - món bánh tổ bằng tiếng Phúc Kiến. Người bán hàng đáp: "Ồ, ni yao (bạn muốn) nian gao”. Một người bán hàng khác chộn rộn đóng gói các tệp bao lì xì, gọi chúng là “hongbao feng” (hồng bao phong thủy), trong khi trước đây chúng được gọi với cái tên “ang pow long” (gói màu đỏ). Chưa hết, quán cà phê bây giờ không còn là "kopi" mà là "ka fei".

Tôi nghiệm ra rằng, khi việc sử dụng tiếng Phúc Kiến hàng ngày đang nhanh chóng bị thay thế dần bằng tiếng Quan thoại, tôi là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Điều đó đặc biệt tồi tệ đối với thế hệ "chuối" đang cảm thấy lạc lõng ngay tại quê nhà.

Tôi bắt đầu thấy lo khi chính tôi cũng suy nghĩ và cả nằm mơ đều bằng tiếng Anh. Tôi xấu hổ vì không thể giao tiếp bằng một ngôn ngữ quan trọng, có giá trị kinh tế to lớn, và tệ hơn nữa, lại là tiếng mẹ đẻ của tổ tiên tôi. Với tốc độ ngôn ngữ Trung Quốc đang được sử dụng, ngay cả với những người không phải là người Trung Quốc, tôi sợ rằng tôi sẽ bị coi là không biết chữ trong tương lai. 

Ngoài ra, còn có tác động của Trung Quốc với tư cách cường quốc kinh tế mới của châu Á cũng như thế giới. Tiếng Quan Thoại đã trở thành ngôn ngữ ưu thế với giá trị kinh tế và độ phổ biến. Nhưng điều này có thể sẽ đánh đổi cả một di sản phong phú.

Sự thật phũ phàng là cách nói độc đáo của tiếng Phúc Kiến Penang có thể không còn được nghe thấy trong vài thập kỷ nữa nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra. Tệ hơn nữa, một điều chắc chắn là thế hệ "chuối" sẽ sớm trở thành lịch sử.

Nhưng tôi có thể nói gì đây, ngoại trừ "xin nian kuai le" (chúc mừng năm mới) và "gong xi fa cai" (cung hỷ phát tài) trong mùa lễ hội này!

Lan Phương (theo Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI