Thế hệ trẻ đấu tranh cho môi trường vì tương lai của chính mình

29/06/2024 - 06:17

PNO - Theo báo cáo của Viện Tác động sức khỏe có trụ sở tại Mỹ vào tháng Sáu, việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí đã góp phần gây ra cái chết của 8,1 triệu người (12% tổng số ca tử vong) trên toàn thế giới vào năm 2021.

Điều đó có nghĩa là ô nhiễm không khí đã vượt qua việc sử dụng thuốc lá và chế độ ăn uống không lành mạnh, trở thành nguy cơ tử vong sớm thứ hai ở người, chỉ sau bệnh huyết áp cao.

Báo cáo cho thấy, hơn 90% số ca tử vong có liên quan đến các chất gây ô nhiễm nằm trong không khí chẳng hạn như bụi mịn PM2.5. Hít phải PM2.5 có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi, bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và một loạt vấn đề sức khỏe khác.

Người phụ nữ và đứa trẻ đi bộ giữa không khí ô nhiễm ở Gurugram, Ấn Độ, vào tháng 10/2019 - Nguồn ảnh: Getty Images
Người phụ nữ và đứa trẻ đi bộ giữa không khí ô nhiễm ở Gurugram, Ấn Độ, vào tháng 10/2019 - Nguồn ảnh: Getty Images

Báo cáo nói thêm, trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương vì ô nhiễm không khí. Đây là nguyên nhân góp phần gây ra cái chết của hơn 700.000 trẻ em dưới 5 tuổi.

Khoảng 500.000 ca tử vong trong số đó tập trung châu Phi và châu Á, những nơi phổ biến việc nấu ăn trong nhà bằng than, gỗ hoặc phân động vật. Pallavi Pant - người đứng đầu bộ phận y tế toàn cầu của Viện Tác động sức khỏe - nói với AFP: “Đây là những vấn đề chúng ta có thể giải quyết”.

Vào tháng Năm, Cơ quan Năng lượng quốc tế thông báo các chính phủ và công ty đã cam kết chi 2,2 tỉ USD để cải thiện khả năng tiếp cận các phương pháp nấu ăn ít gây chết người hơn. Phó giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) Kitty van der Heijden tuyên bố: "Lựa chọn không hành động của chúng ta đang gây ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ tiếp theo".

Trong những năm gần đây, giới trẻ trên khắp thế giới đã theo đuổi các vụ kiện để mở đường cho các chính sách về khí hậu mạnh mẽ hơn. Ngày 20/6, trong một cuộc hòa giải mang tính lịch sử về vụ kiện chống biến đổi khí hậu do 13 trẻ em và các nhà hoạt động trẻ đưa ra vào năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải Hawaii (Mỹ) đã đồng ý loại bỏ các bon trong lĩnh vực giao thông vận tải với mục tiêu đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2045.

Hawaii đã hướng tới mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2045 bằng cách thu giữ hoặc bù đắp tác động từ lượng các bon thải ra. Thỏa thuận này được ca ngợi là mang tính đột phá.

Một trong những nguyên đơn - Navahine F (14 tuổi) - là người Hawaii bản địa, lớn lên ở thị trấn Kaneohe, nằm trên đảo Oahu, cách Honolulu khoảng 32km. Ở thế hệ của Navahine, nếu các biện pháp cắt giảm khẩn cấp lượng phát thải khí nhà kính không được thực hiện thì nhiều vùng đất tại Hawaii sẽ chìm trong nước do biến đổi khí hậu.

Một nguyên đơn khác là Ka'ōnohi (15 tuổi) cho biết mình mơ ước theo đuổi ngành sinh vật biển hoặc khảo cổ học. Tuy nhiên cậu lo lắng rằng những lựa chọn nghề nghiệp này có thể không còn khả thi trong tương lai, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến môi trường tự nhiên.

Đề cập đến thỏa thuận dàn xếp, Thống đốc Hawaii Josh Green nhận xét: “Thỏa thuận này chỉ ra cách thức tốt nhất mà chúng ta có thể thực hiện, nhằm đạt được những mục tiêu duy trì sự sống”.

Ngọc Hạ (theo Al Jazeera, AFP, CNA)

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtulieuvi /strCate=tulieu

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioilakyvi /strCate=thegioilaky
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioivi /strCate=thegioi