Thế hệ trẻ Ấn Độ dấn thân vào cuộc chiến chống COVID-19

15/05/2021 - 11:49

PNO - Khi đất nước chìm trong đại dịch, những người Ấn Độ trẻ tuổi đã tham gia lực lượng tuyến đầu chống dịch; điều trị, tìm kiếm, thiết lập các ứng dụng để thu hút sự hỗ trợ; sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để đưa nguồn lực đến những người cần.

Các bác sĩ ở Ấn Độ báo cáo rằng ngày càng có nhiều người trẻ mắc các triệu chứng COVID-19 hơn. Ngày 15/4, Thủ hiến Delhi - Arvind Kejriwal - công bố một đoạn video kêu gọi những người trẻ tuổi cần thận trọng: "Trong làn sóng dịch bệnh này, giới trẻ đang bị lây nhiễm nhiều hơn. Tôi kêu gọi tất cả thanh thiếu niên hãy bảo vệ mình". Ấn Độ là một quốc gia trẻ và thế hệ trẻ đang hy sinh thân mình để gánh vác những trách nhiệm to lớn như hiện nay.

Rohan Aggarwal  (26 tuổi), bác sĩ nội trú điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, đắn đo quyết định việc điều trị giữa ca làm việc kéo dài 27 giờ của anh
Rohan Aggarwal (26 tuổi), bác sĩ nội trú điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, đắn đo quyết định việc điều trị giữa ca làm việc kéo dài 27 giờ của anh

Quyết định sinh tử nơi tiền tuyến

Rohan Aggarwal năm nay 26 tuổi. Anh thậm chí còn chưa hoàn thành khóa đào tạo y tế của mình, dự kiến kết thúc vào năm 2022. Thế nhưng tại một trong những bệnh viện tốt nhất ở Ấn Độ, Aggarwal là vị bác sĩ quyết định ai sẽ sống, ai sẽ chết mỗi khi bệnh nhân mới được chuyển đến, đi cùng những người thân tuyệt vọng.
Khi hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ lao đao giữa làn sóng lây nhiễm thứ hai, Aggarwal phải đưa ra những quyết định sinh tử trong một ngày làm việc kéo dài đến 27 giờ, bao gồm ca trực đêm giúp phụ trách phòng cấp cứu tại một bệnh viện hiện đại ở New Delhi. Tất cả mọi người tại Bệnh viện Holy Family (bệnh nhân, người thân và nhân viên) đều biết rằng nơi đây không còn đủ giường, không đủ ô-xy hoặc máy thở để giữ cơ hội sống sót cho mọi ca bệnh.

Anh chia sẻ: "Ai được cứu, ai không được cứu phải do số mệnh quyết định. Con người không sinh ra để làm điều đó. Song, tại thời điểm này, chúng tôi là người quyết định". Aggarwal lo sợ bản thân cũng nhiễm bệnh. Aggarwal chưa được tiêm chủng. Anh bị bệnh nên bỏ lỡ đợt tiêm chủng cho các nhân viên y tế vào tháng Giêng. Đến tháng Hai, anh bắt đầu cho rằng việc tiêm chủng là không cần thiết. Anh nói: “Tất cả chúng tôi đều có quan niệm sai lầm là vi-rút đã biến mất”.

Sinh ra và lớn lên ở Delhi, Aggarwal muốn trở thành bác sĩ từ năm sáu tuổi - một nghề mang lại uy tín rất lớn ở Ấn Độ. 

Khi Aggarwal vào ca làm việc vào khoảng 9 giờ sáng, anh bắt gặp bốn thi thể đang nằm tại một trong những khu vực các nhân viên tháo thiết bị bảo hộ của họ. Trong phòng cấp cứu, điều kiện còn chật chội hơn. Bệnh nhân và thân nhân chen chúc nhau, nhiều người không mặc đồ bảo hộ, ngoại trừ một chiếc khẩu trang vải đơn giản. Các bác sĩ và y tá cũng đã ngừng trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ bởi chúng cản trở việc 
cử động.

Thông thường, các bác sĩ cấp dưới có nhiệm vụ khám tổng quát, kiểm tra tình trạng gãy xương, ho và cảm lạnh còn các chuyên gia tư vấn và chuyên viên cao cấp làm việc trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). Tuy nhiên, hệ thống làm việc đó đã mất tác dụng từ lâu và bác sĩ trực phòng cấp cứu hiện là một trong những người quan trọng nhất tại bệnh viện. Aggarwal, cùng một đồng nghiệp cao cấp chịu trách nhiệm cho 65 bệnh nhân. Điều đó khiến anh chỉ có tối đa 3-4 phút để xem xét từng người trước khi quay sang ứng phó bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào. 
Giống như nhiều thanh niên Ấn Độ, Aggarwal vẫn sống với cha mẹ. Dù không bi quan về sức khỏe của bản thân, sự an toàn của họ là điều vị bác sĩ trẻ lo lắng nhất.

Nhân viên bệnh viện vận chuyển thi thể của một người chết do biến chứng liên quan đến COVID-19, từ khu ICU tại Bệnh viện Holy Family ở New Delhi
Nhân viên bệnh viện vận chuyển thi thể của một người chết do biến chứng liên quan đến COVID-19, từ khu ICU tại Bệnh viện Holy Family ở New Delhi

Nỗ lực cứu người tại hậu phương

Sau khi hoàn thành việc ôn tập cho bài kiểm tra, nữ sinh Swadha Prasad bắt đầu với công việc thực sự của mình: Tìm ô-xy, thuốc và giường cho bệnh nhân COVID-19.

Prasad làm việc với hàng chục tình nguyện viên khác đều ở độ tuổi từ 14 đến 19. Họ là một phần của UNCUT - tổ chức do thanh niên lãnh đạo, xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến chứa thông tin về các nguồn y tế sẵn có trên khắp đất nước. Đây là một hoạt động 24/7, các thanh thiếu niên luôn luôn túc trực bên điện thoại của họ, xác minh sự sẵn có của nguồn cung cấp, cập nhật thông tin và các cuộc gọi từ những thân nhân tuyệt vọng tìm kiếm sự hỗ trợ.

Prasad (17 tuổi), tình nguyện viên phụ trách “tổng đài” từ 14 giờ đến 1 giờ sáng, cho biết: "Một số người trong chúng tôi làm ca từ nửa đêm đến sáng vì các cuộc gọi không khi nào ngừng lại”. Đó là một công việc dài và mệt mỏi nhưng cô nữ sinh sống ở Mumbai nói thêm: "Nếu tôi có thể giúp cứu một mạng người, việc đó không có gì để nuối tiếc".

Nhiều người đã được cứu sống nhờ sáng kiến của nhóm, điển hình như một trường hợp bệnh nhân COVID-19 trẻ cần ô-xy gấp vào lúc nửa đêm, sau hai giờ chờ đợi trong đau đớn. Prasad chia sẻ: “Công việc này không chỉ là cung cấp các nguồn lực. Đôi lúc mọi người chỉ cần biết họ không đơn độc".

Khi đại dịch ở Ấn Độ ngày càng trở nên đáng sợ, nhiều người đã tình nguyện tham gia. Tại khu ổ chuột ở Mumbai, Shanawaz Shaikh cung cấp ô-xy miễn phí cho hàng ngàn người.

Được biết đến với biệt danh "người đàn ông dưỡng khí", Shanawaz  (32 tuổi) đã bán chiếc SUV yêu thích của mình vào tháng 6/2020 để tài trợ cho sáng kiến bình oxy miễn phí, sau khi một người thân đang mang thai của bạn anh chết trong một chiếc xe kéo trên đường đến bệnh viện. "Cô ấy chết vì không được cung cấp ô-xy kịp thời", anh nói với AFP. 

Shanawaz Shaikh (giữa), đã bán chiếc SUV của anh để gây quỹ nhằm cung cấp bình ô-xy miễn phí cho những người khó khăn
Shanawaz Shaikh (giữa), đã bán chiếc SUV của anh để gây quỹ nhằm cung cấp bình ô-xy miễn phí cho những người khó khăn

Shanawaz không nghĩ rằng những hoàn cảnh tương tự lại tăng đột biến gần một năm sau đó. Anh nói: "Chúng tôi nhận được khoảng 40 cuộc gọi mỗi ngày vào năm ngoái, bây giờ con số này là 500". Đội ngũ 20 tình nguyện viên của Shaikh cũng đang phải chiến đấu với sự thiếu hụt nguồn cung lớn.

Trong khi đó, kỹ sư phần mềm Umang Galaiya nói với AFP rằng không chỉ các thành phố lớn đang khốn đốn vì dịch bệnh, những hạn chế về công nghệ khiến vi-rút cũng đe dọa các thị trấn và làng mạc nhỏ hơn. Nhu cầu khẩn cấp về nguồn ô-xy và giường bệnh dự phòng đã thúc đẩy một lượng lớn người dùng đổ xô lên Twitter.

Galaiya đã hỗ trợ bằng cách xây dựng một ứng dụng giúp người dùng tìm thấy những gì họ đang tìm kiếm dễ dàng hơn và quan trọng là chỉ giới hạn tìm kiếm của họ trong các tài nguyên đã được xác minh. Dù vậy, ứng dụng của Galaiya không có khả năng giúp những người bên ngoài các thành phố lớn. Chàng trai 25 tuổi nói, trích dẫn ví dụ về quê hương của anh ở bang Gujarat bị ảnh hưởng nặng nề, nơi tỷ lệ sử dụng internet còn thấp.

Cuối cùng, theo Galaiya, đại dịch không thể bị đánh bại nếu thiếu sức mạnh từ chính phủ. Những nhà lãnh đạo có thể vạch ra các biện pháp đơn giản nhưng dễ dàng cứu sống nhiều người. Ví dụ, có thể tạo ra một sổ đăng ký giường trực tuyến được cập nhật tự động theo thời gian thực, giúp bệnh nhân không phải nỗ lực chạy từ cơ sở này sang cơ sở khác. Galaiya chỉ ra rằng những tình nguyện viên có thể sẽ kiệt sức khi vi-rút tàn phá thành phố của họ. Những tổn thương khi đối mặt với bệnh tật và cái chết hằng ngày đã bắt đầu bộc lộ. 

Prasad nói, giọng run run khi nhớ lại những nỗ lực giúp đỡ một cụ bà 80 tuổi đã tử vong: "Chúng tôi làm việc rất chăm chỉ nhưng không thể cứu được tất cả mọi người. Cha mẹ tôi thực sự lo lắng về công việc này nhưng khi bạn bè của họ cần giúp đỡ, họ cũng trông cậy vào tôi". 

Linh La

 

 

 

 

Từ khóa ấn độcovid 19
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI