Thế hệ “tóc bạc” định hình nền kinh tế châu Á

04/12/2024 - 06:38

PNO - “Nền kinh tế bạc” là khái niệm chỉ xu hướng phát triển sản phẩm, dịch vụ phục vụ người tiêu dùng lớn tuổi. Xu hướng này đang hiện diện khắp châu Á, nơi dân số nhiều quốc gia đang già đi rất nhanh.

Đến năm 2050, dự kiến ​​40% dân số Hàn Quốc ở độ tuổi 65 trở lên - Nguồn ảnh: AFP/Jiji
Đến năm 2050, dự kiến ​​40% dân số Hàn Quốc ở độ tuổi 65 trở lên - Nguồn ảnh: AFP/Jiji

Quy mô thị trường tăng nhanh

Hằng tuần, bà Zhang Zhili (71 tuổi) đều đặn đi xe buýt đến một trung tâm giáo dục tại Bắc Kinh (Trung Quốc), tham gia lớp học của những người cao tuổi. Bà Zhang đã tìm thấy niềm vui với những người bạn mới ở trường. Bên cạnh lớp học đánh trống châu Phi, cựu giáo viên tiểu học này còn tham gia lớp học khiêu vũ, với tổng học phí mỗi tháng khoảng 2.000 nhân dân tệ (280 USD). Sau giờ học, bà thường đi chơi với bạn bè trong lớp. Bà Zhang bộc bạch: “Khi già đi, chúng ta cần biết cách yêu bản thân”.

“Nền kinh tế bạc” với các dịch vụ và sản phẩm phục vụ người cao tuổi tại Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng vọt từ quy mô khoảng 982 tỉ USD hiện nay lên khoảng 4.200 tỉ USD vào năm 2035, khi số người từ 60 tuổi trở lên dự kiến vượt quá 400 triệu (hơn 30% tổng dân số).

Hiện nay, cả chính phủ và khu vực tư nhân đều đang tập trung thúc đẩy các dịch vụ chăm sóc tại nhà, giao đồ ăn và các sản phẩm thân thiện với người cao tuổi như quần áo, công nghệ và thực phẩm. Một số trường học và nhà trẻ cũng dần chuyển thành cơ sở chăm sóc người già để giải quyết nhu cầu ngày càng tăng.

Năm 2023, bà Zhuang Yanfang (56 tuổi) đã chuyển đổi trường mẫu giáo của mình tại TP Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang thành một trung tâm điều dưỡng dành cho người cao tuổi. Những bức tường đầy màu sắc của trường được sơn lại thành màu trắng sữa, bảng đen được thay bằng bảng thông báo, ghi đầy đủ thông tin về chăm sóc sức khỏe và các bữa ăn dinh dưỡng cho người cao tuổi.

Khi nhiều trường mầm non phải đóng cửa do thiếu trẻ sơ sinh, trong khi số cơ sở dịch vụ chăm sóc người cao tuổi đã tăng gấp đôi kể từ năm 2019, lên hơn 410.000 vào năm 2024.

1 tuần trước sinh nhật lần thứ 81 của mình, bà Choi Soon-hwa trở thành “gương mặt mới” của “nền kinh tế bạc” tại Hàn Quốc. Khi làm trợ lý điều dưỡng ở tuổi 72, một bệnh nhân nói với bà Choi rằng trông bà giống người mẫu và bà nên sải bước trên sàn diễn thay vì dọn giường cho bệnh nhân. Ý kiến này đã khơi dậy ước mơ và đưa bà Choi vào một con đường mới.

Nghiên cứu từ Viện Công nghệ lão khoa và Kinh tế bạc thuộc Đại học Kyunghee (Hàn Quốc) dự báo: thị trường kinh doanh hướng đến người cao tuổi tại xứ kim chi sẽ có giá trị 128 tỉ USD vào năm 2030, tăng gấp đôi so với năm 2020.

Park Yeong-ran - giáo sư Khoa Kinh tế tại Đại học Kangnam (Hàn Quốc) - cho biết thêm: “20 năm trước, các công ty tập trung vào việc chăm sóc người cao tuổi phụ thuộc. Bây giờ, thị trường đang chuyển sang phục vụ những người theo đuổi lối sống mới của riêng họ lúc về già”. Một số công ty khởi nghiệp phục vụ người tiêu dùng lớn tuổi đã xuất hiện trong những năm gần đây, thu hút đầu tư vào các dịch vụ kết nối người cao tuổi với sở thích mới và cộng đồng.

Tập trung vào sức khỏe và phúc lợi

Albert Park - nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - lưu ý: số người trên 60 tuổi trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi trong vài thập niên tới. Hiện tại, khoảng 57% nhóm dân số này mắc ít nhất 1 bệnh không lây nhiễm - phổ biến nhất là tăng huyết áp, tiểu đường và bệnh tim - nhưng chỉ có 4/10 người được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Gần 1/3 có các triệu chứng trầm cảm nặng, với nhiều người cảm thấy bị cô lập hoặc cô đơn.

Đến năm 2050, số người trong nhóm tuổi này sẽ tăng vọt lên 1,2 tỉ người, tương đương khoảng 1/4 dân số ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chăm sóc dài hạn cần được mở rộng. Theo thời gian, việc đầu tư nhiều hơn vào chăm sóc sức khỏe có thể đóng góp vào phúc lợi chung của xã hội, vì nhóm người cao tuổi khỏe mạnh sẽ ít cần chăm sóc hơn.

Nhật Bản đã đi đầu trong việc thích ứng với một xã hội già hóa. Chính phủ nước này đã mở rộng các chương trình an sinh xã hội và thúc đẩy “lão hóa tích cực” thông qua các sáng kiến ​​như nâng tuổi nghỉ hưu chính thức từ 65 lên 70 cho cả nam và nữ, đồng thời nâng tuổi hưởng lương hưu, sắp xếp các chương trình đào tạo lại và học tập suốt đời.

Nhật Bản cũng đi đầu trong việc phát triển các công nghệ giúp ích cho người cao tuổi, chẳng hạn như robot, xe tự hành và trí tuệ nhân tạo. Nhờ những nỗ lực này, Nhật Bản đã phát triển một “nền kinh tế bạc” mạnh mẽ và là nơi đặt trụ sở của các công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dược phẩm và dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.

Linh La

(theo AFP, Financial Times, Nikkei Asia, CNBC, Japan Today, China Daily)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI