Thế hệ… lười sinh con

24/12/2019 - 06:30

PNO - Do áp lực của cuộc sống và công việc, xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con ngày càng gia tăng.

Mức sinh thay thế là mức sinh mà một nhóm phụ nữ (hay một phụ nữ) có vừa đủ số con gái để thay thế mình, nghĩa là mỗi bà mẹ sẽ sinh ra một người con gái đạt đến tuổi sinh đẻ để thay thế mình. Khi đạt mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh tương đương khoảng 2,1 con.

Nhưng ở TPHCM năm 2018 chỉ đạt khoảng 1,33 con (theo báo cáo thống kê chuyên ngành của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình), con số khiến không ai có thể ngồi yên, nếu không muốn tương lai gần sẽ sao y hình ảnh của nước Nhật và các nước có dân số già trên thế giới.

The he… luoi sinh con
 

Hội chứng “1 cõng 6”

Tư duy kế hoạch hóa gia đình và khẩu hiệu “Mỗi gia đình chỉ nên có từ một đến hai con” của ngành dân số nhiều thập niên trước đã ăn sâu, khiến những phụ nữ nay đã lên chức bà vẫn không buồn giục giã các con sinh cháu. Các con cũng mải mê công việc, học hành, thăng tiến… nên “hạng mục chửa đẻ” đôi khi cũng bị gác xuống hàng thứ yếu. 

Theo tiến sĩ - bác sĩ Ngô Thị Thùy Dung (Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch), với chín tháng mang thai cùng những biến đổi về mặt cảm xúc và sức khỏe, cộng tối thiểu sáu tháng hậu sản, mỗi lần mang thai, người lao động nữ bị mất khoảng mười lăm tháng.

Khoảng thời gian này có thể tạo ra một xung đột kép về công việc và gia đình, nếu người vợ yêu cầu chồng chăm con thay mình, để đi làm hoặc học tập nâng cao trình độ, trừ khi có lợi ích từ việc sống chung với mẹ ruột/mẹ chồng, hoặc tin tưởng người giúp việc, nhà trẻ, nơi mà ngày càng có nhiều bất ổn được công bố trong những năm gần đây. 

The he… luoi sinh con
Tỷ suất sinh con tại TP.HCM đang giảm ở tình trạng đáng báo động

Cùng với tâm lý lo ngại sinh con tốn kém nhiều chi phí ăn uống, học hành, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, phụ nữ được trời trao thiên chức “đúc người”, nhưng không ít chị lại sợ mang nặng đẻ đau và những tai biến khi sinh, biến chứng sau sinh, thêm nỗi sợ xấu, sợ già, sợ chồng bỏ chồng chê. Do áp lực của cuộc sống và công việc, xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con ngày càng gia tăng. 

Cùng với đó, trình độ học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ, thích dịch chuyển cũng có tác động nhất định đến mức sinh thấp. Tình trạng phá thai, tỷ lệ vô sinh nguyên phát, thứ phát có xu hướng gia tăng, cũng là những yếu tố tác động khiến nhiều gia đình không thể sinh con.

Các phương tiện truyền thông đưa tin quá lố về mảng tiêu cực của xã hội, như thanh niên nghiện ngập, trộm cướp… khiến lòng tin và hy vọng về một đứa con tốt, hiếu thảo, có ích của các bậc cha mẹ ít nhiều bị bào mòn từ vô thức, làm giảm khát vọng sinh con để cậy nhờ tuổi già.

Thanh T., một kỹ sư giỏi, đẹp trai nhưng có nguy cơ “ế vợ”. Dắt cô bạn nào về nhà ra mắt gia đình, các cô cũng ngán ngại khi thấy gia cảnh “khó nuốt” của anh. Ở trung tâm Sài Gòn, nhà của T. rất rộng, bước vào cổng thấy ngay hai chiếc giường có ông bà nội ngoại nằm, trong đó ông nội bị tai biến nằm liệt một chỗ. Trên lầu là phòng của cha mẹ T. cũng đã vào tuổi hưu, sức khỏe xuống dốc.

Cha mẹ T. đều là con một, sinh ra T. cũng là độc đinh nên T. có trọng trách chăm sóc… sáu người già trong nhà. Không hình dung nếu có vợ con, anh sẽ xoay xở kiểu gì. Cũng có cô gái cùng anh đặt vấn đề tiến đến hôn nhân, nhưng gia cảnh cô cũng neo đơn, những kế hoạch đưa ra cho cuộc sống chung cuối cùng tắc tị, rồi có một số diễn biến khách quan đưa đẩy khiến nửa đường gãy gánh.

Vợ còn “đào” mãi chưa ra, nói gì sinh sôi nảy nở đủ hai mầm. Ở tuổi ba mươi sáu, anh chưa tìm được bạn gái nào đủ yêu và đủ can đảm để cùng “gánh giang sơn nhà chồng”. Anh ước ao quen một cô gái không cần quá đẹp, quá tài năng, có điều cô ấy nên có anh em, chứ đừng là con một như mình.

Chỉ cần một thế hệ “đẻ kém”, đưa đến nhiều vấn đề nan giải đè nặng lên các thế hệ sau. Đó chỉ là bức tranh của một gia đình, nếu nhân rộng ra một quận, một tỉnh thành, một đất nước thì còn "u ám" đến mức nào?

TPHCM có nên khuyến khích sinh con thứ ba?

Nhiều người chủ quan cho rằng không cần làm gì để gia tăng mức sinh tại TPHCM, chúng ta sẽ “bất chiến tự nhiên thành”, hãy để… các tỉnh bạn lo vì thành phố ta “đất lành chim đậu”. Tuy nhiên, mức sinh hai thập niên qua không cải thiện, không có tín hiệu hứa hẹn nhích lên.

The he… luoi sinh con
Một em bé chào đời tại BV Từ Dũ dịp Tết âm lịch 2019

Nhìn rộng ra các tỉnh Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long đa số có mức sinh thấp với tổng tỷ suất sinh dưới 1,9 con nên trông mong phụ nữ tỉnh bạn dọn đến “đẻ phụ” cũng chưa chắc cải thiện được tình hình. 

Có ý kiến phản biện khẩu hiệu của ngành dân số vận động “mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con” liệu đảm bảo được mức sinh thay thế? Bởi, có một tỷ lệ không nhỏ phụ nữ (tính theo giới tính sinh học) mãi mãi không làm vợ: họ có thể là đồng tính nữ, chuyển giới nam hoặc tôn thờ “chủ nghĩa độc thân”… Ngay khi họ đã là vợ, thì cũng không phải luôn sinh được, nói chi sinh đủ hai con.

Đó là khi phụ nữ kết hôn lần đầu ở tuổi xế chiều, họ muốn có con nhưng “lực bất tòng tâm”, hay do khuyết tật, sức khỏe kém, hiếm muộn, vô sinh... Để nâng mức sinh, công tác tuyên truyền không chỉ hướng đến các cặp vợ chồng.

Những phụ nữ độc thân, nếu họ muốn sinh con và đủ điều kiện nuôi dưỡng, thì vẫn cần khuyến sinh, không bỏ sót. Với mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, chúng ta cũng chỉ muốn những người có điều kiện và nuôi con tốt nên sinh những đứa trẻ chứ không cào bằng. 

Cuối tháng 10/2019, ông Nguyễn Thiện Nhân (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM) đã gửi công văn đến Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), trong đó kiến nghị: “Chính phủ cần có thông báo rõ cho các địa phương của cả nước: trước thực tế mười chín năm qua, tỷ suất sinh của Việt Nam luôn thấp hơn tỷ suất sinh thay thế, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới, từ nay không xem xét kỷ luật hoặc giảm mức đánh giá thi đua hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ ba trở lên. Các tỉnh, thành phố có tỷ suất sinh dưới 2,1 phải triển khai các biện pháp tổng hợp, đồng bộ và hiệu quả, để khuyến khích sinh đạt tỷ suất sinh thay thế ở địa phương mình”. 

The he… luoi sinh con
Nhiều vợ chồng hiếm muộn bán hết tài sản để mong có con, nhưng nhiều người đủ đầy lại... sợ mang thai

Là người có tầm nhìn sớm về mức sinh thấp tại TPHCM, tiến sĩ - bác sĩ Lê Trường Giang (nguyên Phó giám đốc sở Y tế, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM) cho rằng: “Nguy cơ mức sinh thấp tại TPHCM chúng ta đã nói mười mấy, hai mươi năm nay, giờ là phải hành động ngay, cương quyết, không chần chừ.

Đầu tiên, chúng ta có dám bỏ những thành quả mà trước kia đã dày công vận động như là kế hoạch hóa gia đình (chỉ phù hợp ở giai đoạn mức sinh cao). Hay nói khuyến sinh mà đầu óc vẫn còn tư duy theo kiểu cũ thời kế hoạch hóa gia đình. Có dám mạnh dạn từ bỏ những chính sách sinh đẻ có kế hoạch, đặc biệt với những nơi mà mức sinh thấp nguy cơ khẩn cấp như TPHCM?

Có cho TPHCM và các nơi có mức sinh thấp được quyền ra những chính sách mạnh mẽ hơn để khuyến khích sinh, chẳng hạn bãi bỏ các quy định kỷ luật, giảm mức đánh giá thi đua đối với cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ ba trở lên? Việt Nam nên có chính sách linh hoạt vì mức sinh có chỗ thấp, chỗ cao.

Theo tôi, TPHCM giai đoạn này nên khuyến khích sinh ba con. Sao chúng ta không mạnh dạn nêu khẩu hiệu “mỗi cặp vợ chồng tự quyết định số con” mà vẫn là “mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con”? Sinh đủ hai con còn chưa bù được, lấy gì bù cho những người không sinh? Và khi mức sinh được nâng lên thì mất cân bằng giới tính khi sinh chắc chắn sẽ giảm.

The he… luoi sinh con
TS-BS Lê Trường Giang đề xuất cho mỗi cặp vợ chồng ở TPHCM tự quyết định số con

Với tình hình mức sinh thấp hiện nay ở TPHCM, quan điểm của tôi là lấy chất lượng bù số lượng (khám sức khỏe, tư vấn tiền hôn nhân, sức khỏe sinh sản, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, sàng lọc trước sinh, tiêm chủng, chăm sóc trẻ em…) và lấy số lượng này bù số lượng kia (dịch chuyển dân cư, khuyến khích dòng chảy lao động trẻ vào TPHCM để học tập, đào tạo nâng cao tay nghề, lập nghiệp, sinh con đẻ cái đóng góp cho thành phố). 

Tô Diệu Hiền

Xã hội đỡ gánh - cha mẹ có động lực sinh đủ hai con

Trong hội thảo Vấn đề mức sinh thấp tại TPHCM - thực trạng, nguyên nhân và giải pháp do Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế TPHCM) tổ chức cuối tháng 11/2019, bà Phạm Thị Mỹ Lệ (Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM) nhấn mạnh hệ lụy của mức sinh thấp sẽ gây bất lợi cho cơ cấu nhân khẩu học và sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong tương lai: già hóa dân số sẽ diễn ra rất nhanh, tạo áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi: lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chế độ chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí… suy giảm về nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ; chi phí cho chính sách khuyến khích sinh sẽ gây áp lực cho nguồn ngân sách của thành phố, trong khi đó, nguồn ngân sách đầu tư cho việc nâng cao chất lượng dân số cũng đang rất cần...

Nếu hôm nay mỗi gia đình chỉ sinh một con với công thức 4-2-1 (một đứa trẻ được chăm sóc bởi hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại) thì trong tương lai phải đối mặt với vấn đề mới thảm họa theo công thức ngược lại 1-2-4 (một đứa trẻ sẽ phải cùng lúc chăm sóc hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại). Vì những đứa trẻ ngày hôm nay được chăm sóc rất kỹ bởi sáu người lớn, sẽ thiếu khả năng, kỹ năng chăm sóc lại sáu người cao tuổi trong tương lai. 

Hội thảo cũng đề xuất nhiều giải pháp giải quyết tình trạng mức sinh thấp, nâng cao chất lượng dân số và thích ứng với quá trình già hóa dân số tại TPHCM. Cụ thể: 

Hỗ trợ miễn, giảm toàn bộ chi phí viện phí trong lần sinh con thứ hai đối với các trường hợp có hộ khẩu thường trú trên địa bàn TPHCM.

Cung cấp các gói ưu tiên hỗ trợ vay, mua hoặc thuê nhà xã hội đối với các cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con có hộ khẩu thường trú trên địa bàn TPHCM.

Miễn, giảm chi phí giáo dục cho trẻ em dưới 10 tuổi (ngoài nội dung đã hỗ trợ về định mức học phí của thành phố, đề xuất bổ sung phần chi phí bán trú, ăn trưa cho học sinh); triển khai chương trình sữa học đường.

Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để vận động người dân thành phố thực hiện thông điệp “Mỗi gia đình nên sinh đủ hai con” nhằm duy trì mức sinh hợp lý, mang lại lợi ích cho gia đình và xã hội.

Bên cạnh đó là các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách (nghiên cứu, đề xuất đưa vào dự thảo Luật Dân số nội dung “Mỗi cặp vợ chồng được quyền quyết định số con” hoặc cân nhắc việc sửa đổi cho phép sinh con thứ ba tại các vùng mức sinh thấp, không xem xét kỷ luật, giảm mức đánh giá thi đua hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ ba trở lên); tăng cường trách nhiệm xã hội đối với việc sinh và chăm sóc trẻ; đẩy mạnh bình đẳng giới, nâng cao khả năng cân bằng của phụ nữ trong công việc và gia đình. 

Bầu, đẻ, nuôi con - mình mẹ “ôm sô”?

Tiến sĩ - bác sĩ Ngô Thị Thùy Dung (Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) phân tích, Bộ luật Lao động hiện hành chỉ cho phép lao động nữ được nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội khi nuôi con dưới sáu tháng tuổi hoặc chăm con dưới bảy tuổi bị ốm đau mà không ghi nhận quyền tương đương cho lao động nam.

Hoặc người chồng chỉ được nghỉ từ 5-14 ngày tùy từng trường hợp theo phương pháp sinh của người vợ và số con trong một lần mang thai, chứ không tính trên sự chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con cái của người chồng trong vòng 30 ngày đầu sau sinh. Đây cũng là một rào cản thực hiện bình đẳng giới, làm củng cố thêm định kiến xã hội rằng việc chăm sóc con cái vẫn được mặc định là trách nhiệm riêng của phụ nữ.

Mỗi người con được sinh ra đồng nghĩa với khó khăn, trách nhiệm của phụ nữ sẽ tăng theo cấp “lũy thừa”… Thách thức ở đây không đồng nghĩa với việc người phụ nữ không muốn có nhiều con. Có khoảng chênh lệch rất lớn giữa số người con mà người phụ nữ muốn có và số người con mà họ thực sự có.

Hoài Nhân (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI