'Thế hệ kiệt sức' ở Hàn Quốc chọn gì?

03/04/2019 - 06:31

PNO - “Cổ cồn trắng” từng là niềm mơ ước của giới trẻ Hàn Quốc. Nhưng giờ đây, ước mơ ấy đã chuyển màu, khi người trẻ nhìn ra, cuộc sống không thể bị chôn vùi trong ám ảnh kiệt sức.

“Thế hệ kiệt sức” là cách người Hàn Quốc mô tả những người trưởng thành của thế hệ Millennial (sinh năm 1980-1998 - thế hệ chủ chốt trong lực lượng lao động toàn cầu). Họ cũng chính là thế hệ “gánh vác”, bởi là lực lượng chính trong cộng đồng họ sinh sống. Ở Hàn Quốc, họ được gọi là “thế hệ kiệt sức”, do bị quá nhiều áp lực đè nặng.

Làm việc kiệt sức đến chết chẳng còn là chuyện lạ ở xứ kim chi, đến nỗi họ có riêng một từ để chỉ hiện tượng này: gwarosa. Nhiều người trẻ nhận ra, nếu họ không dừng lại, không giảm nhịp độ công việc thì kết cục chính là sự bế tắc, lối mòn mà càng dừng lại lâu, họ sẽ càng mắc kẹt.

'The he kiet suc' o Han Quoc chon gi?
Yoon Chang Hyun trên kênh YouTube của mình

Như một quy luật của xã hội Hàn Quốc nhiều năm qua, thanh niên có trình độ, tốt nghiệp ra trường, sẽ đầu quân cho những tập đoàn lớn hoặc những công ty trẻ lương cao và chấp nhận áp lực công việc ở mức kinh khủng. Họ tranh từng suất việc làm từ khi còn ở trường phổ thông, với cuộc đua thuộc hàng khốc liệt nhất thị trường việc làm toàn cầu. Mỗi năm, khoảng 600.000 thí sinh ở Hàn Quốc bước vào kỳ thi đại học, được ví như “đấu trường sinh tử”, giành lấy tấm vé vào đời. Nhưng khi vào được nơi làm việc trong mơ, họ thường giật mình hỏi lại mình cần gì, đó có phải là điểm đến mình hằng mong ước?

Yoon Chang hyun từng có công việc bao người mơ ước - chuyên gia nghiên cứu tại Samsung Electronics, với mức lương gần 60.000 USD mỗi năm, gấp 3 lần thu nhập trung bình. Yoon Chang Hyun còn được hưởng chính sách phúc lợi mà bao người lao động mơ ước, được chăm sóc sức khỏe… tận răng. Nhưng công việc ấy không khiến anh cảm thấy thỏa mãn, vì anh không có cảm giác hạnh phúc khi làm việc. Yoon Chang Hyun nghỉ việc. Bố mẹ anh hết lời khuyên ngăn, cho rằng con mình đã chạm đến ước mơ của hàng ngàn người trẻ ở Hàn Quốc, rằng nghỉ việc và tìm công việc mới là điều viển vông.

Chỉ Yoon Chang hyun mới hiểu anh cần gì. Anh đã chán ngán những ca làm đêm lặp đi lặp lại, cơ hội thăng tiến dường như chẳng có và ngày qua ngày, chàng trai 32 tuổi nhận ra, mình chẳng khác gì một con robot theo mãi một quy trình. Yoon Chang hyun bỏ hết và lập kênh YouTube của riêng mình, chia sẻ những kiến thức mình có được và kiếm thu nhập từ đó. Anh hài lòng với quyết định bị nhiều người cho là hồ đồ.

Yoon Chang hyun chia sẻ: “Khi biết tôi nghỉ việc, mọi người lo lắng cho tương lai của tôi, tiếc cho tôi. Nhưng nếu phải quyết định lại lần nữa, tôi vẫn bỏ việc. Ngày tôi ra đi, các sếp vẫn ngập trong mớ công việc. Từ khi tôi bước vào công ty đến khi tôi tạm biệt nơi làm việc ấy, chưa bao giờ tôi thấy các sếp thật sự hạnh phúc. Họ luôn mệt mỏi, sống trong thế giới đầy áp lực”.

Người truyền cảm hứng cho Yoon Chang Hyun là một “tiền bối” cũng từng làm việc ở Samsung - anh Jang Su Han. Anh chàng 34 tuổi này rời việc từ năm 2015 và mở “Trường dạy bỏ việc”, thu hút 7.000 người tham gia. Jang Su Han tổ chức các khóa học về xây dựng thương hiệu cá nhân trên YouTube, xử lý khủng hoảng danh tiếng, tìm cách thiết lập “kế hoạch B” (thay thế cho công việc được xã hội mặc định là lý tưởng).

Ban Ga Woon - nhà nghiên cứu thị trường lao động thuộc Viện Nghiên cứu Hàn Quốc về giáo dục và đào tạo - cho biết, người lao động Hàn Quốc đang trong vòng xoáy không lối thoát: ra trường với những kiến thức, kỹ năng đóng khung, không cập nhật và vô cùng chật vật khi kiếm việc.

Theo thống kê cuối năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp ở Hàn Quốc là 4,2% - cao nhất từ năm 2010. Trong số những người có việc làm, số thật sự thỏa mãn với công việc chỉ 55% - thấp nhất trong những quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Càng chật vật, họ càng căng thẳng. Càng căng thẳng, họ càng cố bám vào công việc, hiếm ai dám dũng cảm tạo cú hích cho riêng mình.

Nhiều người cũng như Yoon Chang hyun, hiểu rằng họ cần một không gian khác để phát triển và họ đã chọn mọi công việc, kể cả việc “lao động chân tay” vốn không được đánh giá cao ở xã hội Hàn Quốc, để khẳng định giá trị bản thân, cống hiến cho xã hội. Trong đó có trường hợp của anh Cho Seung Duk, từng làm kỹ sư ở Hyundai, rồi sau đó chuyển sang một công ty xây dựng, giờ đây là lao công ở Brisbane (Úc).

Với nhiều người, bước chuyển của Cho Seung Duk là điều dại dột, nhưng chỉ anh hiểu anh cần thực hiện bước chuyển này. Anh chia sẻ: “Tôi lớn lên với niềm tin phải làm ở công ty lớn mới mang lại hạnh phúc cho mình, phải lao động trí óc mới là đẳng cấp, là đáng sống. Tôi thay đổi để hiểu mình nhiều hơn và cho con chúng tôi cơ hội thoát khỏi vòng lặp định kiến ấy”.

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI