Thế hệ không thích dùng đồ cũ

13/01/2015 - 14:50

PNO - PN - Sau Giáng sinh, Verity ngán ngẩm nhìn quà chất đống dưới cây thông dành cho con gái 10 tuổi Jessica. Ngoài những trò chơi điện tử, đĩa DVD, chocolate, còn có tất, áo, mũ len... Đây là những món Jessica viết thư để xin ông già Noel. Vợ...

edf40wrjww2tblPage:Content

The he khong thich dung do cu

Nữ hoàng Anh vẫn sử dụng máy sưởi cũ trong phòng khách - Ảnh: PA

Verity tự đi mua thêm vớ, áo mũ len cho bé vì cứ sợ con không đủ ấm vào mùa đông. Bây giờ nhìn lại, cô nhận ra tủ quần áo của bé vẫn đầy đồ len từ năm ngoái, có cái chưa sử dụng lần nào, hoặc vài chiếc tất chỉ có những lỗ thủng nhỏ. Tương tự, Jessica có rất nhiều đồ chơi điện tử, nếu để ý, vợ chồng cô có thể thay pin hay tải trò chơi mới cho bé, nhưng họ lại mua thêm cái mới vì tiện hơn và thỏa mãn ý thích mua sắm của cả nhà.

Mới đây, giáo sư Danielle George thuộc Đại học Manchester đã cảnh báo, thế hệ trên dưới 40 tuổi chỉ biết mong chờ đồ vật hoạt động ngay khi bấm nút. Khi chúng bị hư, họ hoàn toàn thụ động, không biết sửa chữa như thế nào. Không như những thế hệ trước, giới trẻ bây giờ chỉ việc vứt bỏ đồ hư hỏng và mua cái mới. "Đảo mắt quan sát những cô gái trong văn phòng mình, tôi công nhận là không ai biết may vá, dù là sử dụng kim chỉ bằng tay để mạng lại một vết rách nhỏ trên áo, đừng nói chi đến dùng máy khâu. Các chàng trai có thể nhoay nhoáy với iPhone, iPad, nhưng lại không biết thay bóng đèn".

Nữ hoàng Anh là người tiêu biểu cho việc tiết kiệm và tái sử dụng đồ vật cũ. Bà đã than phiền là “phí tiền” khi được đề nghị thay chiếc ti vi 40 năm tuổi, bởi nó vẫn “chạy” tốt. Thần dân Anh nhiều lần cười mỉm khi thấy những tấm hình chụp Nữ hoàng đón tiếp các nguyên thủ quốc gia tại cung điện Buckingham với chiếc máy sưởi bé xíu, cũ kỹ từ năm này sang năm khác.

Đồng tình với quan điểm của giáo sư Danielle, nhà báo Max Davidson cho rằng vứt đồ vật cũ không chỉ lãng phí mà còn đánh mất tình cảm, sự gắn bó với món đồ. Khi chiếc lò nướng có tuổi thọ hơn 25 năm trong nhà Max bị hỏng, vợ chồng anh tính chuyện mua cái mới. Nhưng sau vài phút nấn ná bên cái lò cũ, Max nghĩ, nếu mình chịu khó siết chặt cánh cửa lò, có thể nó sẽ hoạt động như cũ.

The he khong thich dung do cu

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Một nhà văn Mỹ phân tích, người dân Mỹ và các nước tư bản nói chung có quá nhiều lựa chọn. Bước chân vào siêu thị, họ đã thấy hàng dãy hàng hóa đủ màu sắc, mùi vị, giá cả, hình dáng. Nhưng, cũng chính vì có quá nhiều lựa chọn mà họ mau chán và thích thay đổi. Hàng năm, lượng chất thải tại Mỹ lên đến 100 tỷ đô la. Dân số Mỹ chỉ chiếm 5% trên toàn thế giới, nhưng lượng chất thải chiếm đến 30%.

Ngày nay, các hãng sản xuất thay nhau cho ra đời các mẫu quảng cáo kêu gọi khách hàng phải mua và sở hữu những mẫu mã mới nhất, tốt nhất. Hình ảnh khách hàng xếp hàng dài rồng rắn chờ mua chiếc iPhone mới nhất cho thấy thị trường tiêu dùng thay đổi rất nhiều. Khách hàng, đặc biệt là giới trẻ, sẵn sàng bằng mọi giá để có được chiếc điện thoại đời mới nhất, trong khi chiếc cũ chưa kịp hư.

Để khuyến khích mọi người tái sử dụng đồ cũ, giáo sư George có chương trình phát sóng trên truyền hình hướng dẫn sử dụng đồ vật trong gia đình vào những ứng dụng khác như gửi tin nhắn bằng dụng cụ nướng thịt ngoài trời, dùng đèn pin để dò mạng internet...

Với Verity, sau khi cùng Jessica thu dọn quà Giáng sinh, cô dạy con gái đan lại những chỗ thủng của tất và áo len cũ. Verity định bụng “dụ dỗ” con gái tặng những món đồ vẫn còn mới toanh, thậm chí chưa kịp dùng, cho các tổ chức từ thiện.

 PHAN QUỲNH DAO 

(Theo Telegraph)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI