Thế hệ 'già khôn'

28/09/2018 - 11:00

PNO - Bây giờ, con cái nó không chịu ở chung với cha mẹ nữa. Có tỷ lý do. Có đứa còn “đổ ngay tại mẹ xưa chiều chuộng, đùm bọc quá...

Câu “trẻ cậy cha - già cậy con” giờ có khi phải… xét lại. Nhiều câu của các cụ xưa không đúng nữa rồi. Thí dụ, mấy vị ở chung cư cao cấp bảo, bây giờ nhà ai nấy biết, không chào hỏi.

Có khi ở chung tầng với… Tây thuê nhà, mình lỡ nói cười to ở phòng của mình là họ thò đầu sang xí la xí lồ ra vẻ không hiểu chuyện gì ồn ào thế. Làm gì có láng giềng đâu mà xưa các cụ xui dại bảo đem “bán anh em xa mua láng giềng gần“…

The he 'gia khon'
Hình minh họa

Bây giờ, con cái nó không chịu ở chung với cha mẹ nữa. Có tỷ lý do. Có đứa còn “xét lại” ngay bản thân nó yếu kém không tháo vát chả biết làm gì, đổ ngay tại mẹ xưa chiều chuộng, đùm bọc quá. Nay nó lấy vợ có con, bà lại ra sức chiều cháu.

Thế là vợ chồng nó bàn nhau, đổ ngay cho bà. Phải ra ở riêng, không bà lại chiều quá, đứa con lại thành… “thằng bố phẩy” phiên bản hỏng như bố nó.

Ai nghe cũng bảo phải, bà “nguy hiểm“ quá, ở riêng mới dạy được con. Làm như con mẹ trẻ giỏi lắm, hoàn hảo tân tiến lắm. Trong khi vừa mới đây ở nhà với mẹ đẻ thì cũng lười thối thây. Mẹ hầu tận mồm còn bướng, còn chướng chả giống ai.

Thế là bà có trăm tội to, đúng chứ chả sai. Tội lo bươn bả ngược xuôi kiếm tiền nuôi con, gây dựng cơ nghiệp, nay đâm ra là thủ phạm… “giết người”, làm hỏng con, nay chuẩn bị làm hỏng cháu. Ai nghe cũng bảo có lý.

Bà lúc này mới thấy cả đời mình… ngu!

Thế nên bây giờ, bên cạnh người khó khăn vẫn còn những cha mẹ già rồi còn bươn chải kiếm tiền đùm bọc con cháu - thì đã xuất hiện hẳn một thế hệ “già khôn”.

Những người này đang đưa ra triết lý, chữ chạy đầy “Phây”, nào là già phải có tiền, có bạn, có nhà riêng, không nuôi cháu, chỉ đến thăm, không ở chung, chỉ ở gần. Ở thành phố thì “thế hệ Baby Boomer” sinh sau thế chiến được đánh giá là thế hệ tốt nhất, vững vàng, trách nhiệm, là lứa người đọc tốt nhất…

Thế nên, họ là thế hệ khôi phục đất nước, học đại học là chuyện nhỏ, về hưu có lương, tích cóp được tài sản.

Họ cũng qua nhiều thực tế “bi kịch người giàu cũng khóc” nên không trông nhờ dựa vào con cái. Một thực tế “nhỡn tiền” là con cái ngày nay bươn chải để nuôi nổi hai “thiên thần đòi hỏi cao, nhà đẹp, xe sang, trường quốc tế” - là đủ… “vỡ mặt”, làm gì còn sức lo cho bốn bậc lẩm cẩm, đau yếu của hai bên.
Nên thế hệ “già khôn” là có tiền đủ sống (nếu có nữa thì vẫn cho con theo kiểu du học đầu tư vào tương lai). Còn bản thân mình cố sống tự lập, có bạn bè, đi du lịch với bạn. Còn sức thì đi nhảy đầm, chơi bóng, yếu hơn tí thì đi bộ, tập yoga. Yếu nhiều nữa thì thuê ô-sin, tức là dùng tiền phục vụ lại cho mình. Họ gọi bằng cái tên triết học là “buông bỏ”.

Đám con cháu nào mà có cha mẹ nằm trong thế hệ “già khôn” như vậy thật là nhẹ nhõm. Lâu lâu đến thăm, chơi rồi về. Giỗ quảy, sinh nhật, ngày lễ mới tụ họp vui vẻ ăn uống, không va chạm nhiều.

The he 'gia khon'
Hình minh họa

Ai cũng bảo, thế thì nói làm gì, thế là văn minh hẳn rồi, nhưng có phải ai cũng được như vậy đâu!

Những bà già bán vé số nuôi con tật nguyền, nuôi cháu mồ côi… là những hoàn cảnh đặc biệt. Nói đặc biệt nhưng không phải là hiếm lắm, khó tìm. Những người ấy muốn “khôn” cho mình cũng không được. Còn những người chỉ cần kinh tế trung bình đủ sống là họ rất có thể gia nhập vào thế hệ “già khôn”, nếu biết suy nghĩ bắt kịp thời đại đang biến đổi. 

Quảng Yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI