Thế hệ cất cánh

27/01/2017 - 12:00

PNO - Năm nay, màn ảnh phim Việt tiếp tục xướng tên những bộ phim đầu tay của những đạo diễn trẻ. Đã đến lúc để chờ đợi một thế hệ đạo diễn điện ảnh Việt Nam cất cánh và bay cao!

Bộ phim đang giữ kỷ lục phim ăn khách nhất tại Việt Nam, với doanh thu vượt mốc 100 tỷ đồng (Em là bà nội của anh) là bộ phim dài đầu tay của một đạo diễn (ĐD) trẻ – Phan Gia Nhật Linh. Cùng với Linh, là Vũ Ngọc Phượng với Vẽ đường cho yêu chạy và Việt Max với Yêu. Điểm chung giữa họ là cả ba đều làm phim đầu tay và đều được khen ngợi. Đó là câu chuyện của năm ngoái. 

Thành công ngay từ những bộ phim đầu tay

Điện ảnh Việt Nam đang xác lập một năm kỷ lục về… số lượng phim Việt. Gần 50 bộ phim Việt đã được tung ra các rạp chiếu trong năm qua, trung bình khoảng một tuần có một bộ phim ra rạp. Sự nở rộ nhanh chóng của các rạp chiếu bóng và số lượng người xem đến rạp tăng, khiến thị trường điện ảnh sôi động hơn bao giờ hết.

Sự “ảo tưởng” này khiến giới đầu tư, sản xuất đổ tiền vào thị trường điện ảnh để rồi… phải nhận những bài học cay đắng.Quá nhiều phim dở, quá nhiều những sản phẩm lẩu thập cẩm nửa truyền hình nửa tấu hài sân khấu, quá nhiều những thảm họa thi nhau ra rạp và thảm bại ngay từ buổi ra mắt phim dành cho báo chí.

Bốn bộ phim có thể gọi là thành công (chưa hẳn là doanh thu) của bốn ĐD trẻ lần đầu làm phim, theo nhận định của người viết, lần lượt là Cô hầu gái của Derek Nguyễn; Sài Gòn anh yêu em của Lý Minh Thắng; Bốn năm, hai chàng và một tình yêu của Luk Vân và Cho em gần anh thêm chút nữa của Văn Công Viễn.

Ngoài ra, có thể kể thêm hai bộ phim ăn khách: Tấm Cám - Chuyện chưa kể của Ngô Thanh Vân và Gái già lắm chiêu của Nam Cito và Bảo Nhân. Luk Vân và Văn Công Viễn là hai ĐD trẻ, trưởng thành từ phong trào phim ngắn vài năm trước (Yxineff).

Hai bộ phim đầu tay của họ, vừa có sự bài bản, kỹ thuật của dân làm nghề, nhưng điều quan trọng hơn khiến chúng thành công và được khán giả trẻ đón nhận, là cảm xúc tươi mới của những ĐD mới vào nghề, đặt hết tình cảm của mình vào đứa con tinh thần đầu tay. 

The he cat canh

Phim của họ vẫn còn chút khuôn sáo trong xây dựng kịch bản, sự vụng về trong phát triển tâm lý nhân vật; nhưng chúng vẫn chinh phục khán giả trẻ và kéo họ đến rạp, bởi vì cả hai bộ phim đều là tiếng nói của giới trẻ.

Cô hầu gái là bộ phim chỉnh chu và có nhiều sáng tạo nhất về mặt tay nghề của một ĐD Việt kiều mới từ Mỹ trở về, cho dù anh gặp vài vấn đề về xử lý kịch bản thuần Việt, điều mà các đàn anh Việt kiều khác cũng gặp phải.

Ngô Thanh Vân, người mẫu, ca sĩ, diễn viên, nhà sản xuất và giờ đây là một nữ ĐD “triệu đô” với bộ phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể, dự án mất tới 18 tháng thực hiện, tạo nên hiệu ứng truyền thông lớn nhất của năm và cũng lập luôn kỷ lục phòng vé với gần 70 tỷ đồng doanh thu.

Cuối cùng, Lý Minh Thắng và bộ đôi Nam Cito, Bảo Nhân - dù hoàn toàn tay ngang, nhưng họ có nhiều năm lăn lộn và hiểu biết về thị trường điện ảnh để biết điều gì chinh phục được khán giả Việt.

Lý Minh Thắng từng là nhà sản xuất của bộ phim gây tranh cãi Vòng eo 56, trước khi giữ vị trí tổng ĐD cho bộ phim Sài Gòn anh yêu em, một bộ phim khiến khán giả bước ra khỏi rạp và thấy yêu Sài Gòn hơn, trân trọng những tình cảm gia đình hơn - điều mà không phải bộ phim nào cũng làm được.

Bộ đôi Nam Cito- Bảo Nhân, người học marketing ở nước ngoài về, kẻ là bác sĩ nhưng vì đam mê nghệ thuật mà chuyển hướng sang điện ảnh. Trước khi thành công với Gái già lắm chiêu, họ đã có vài năm làm phim sitcom phát trên Youtube và các phương tiện mạng xã hội. Chỉ sáu tháng sau thành công của bộ phim đầu tay, họ đã kịp hoàn thành bộ phim thứ hai - Chạy đi rồi tính để chuẩn bị trình chiếu vào dịp tết Nguyên đán năm nay.

Và những tài năng phim nghệ thuật mới chờ lộ diện

Trong bài viết nhận định về thị trường và những tài năng mới đến từ Đông Nam Á trên tờ Hollywood Reporter về LHP Cannes năm 2016, cây bút Patrick Brzeski nhấn mạnh về sự phát triển thị trường điện ảnh Việt rất nhanh chóng trong vài năm qua. Doanh thu rạp chiếu tăng khoảng 10% mỗi năm và đạt mốc gần 100 triệu USD (khoảng hơn 2.000 tỷ đồng).

Trong phần nhận định về tài năng của dòng phim nghệ thuật, cây bút này điểm tên nữ ĐD Nguyễn Phương Anh, một cái tên chắc chắn vẫn còn rất xa lạ với nhiều độc giả Việt Nam.

Người viết đã có cơ hội gặp Nguyễn Phương Anh nhân dịp cô giới thiệu dự án The Third Wife (Vợ ba) trong chương trình phim nghệ thuật tại diễn đàn Gặp gỡ mùa thu do ĐD Phan Đăng Di và nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc sáng lập tại Đà Nẵng vào năm ngoái.

Nguyễn Phương Anh sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nhưng tốt nghiệp và nhận bằng BA của trường ĐH Oxford danh giá tại Anh, chuyên ngành Văn chương. Sau đó cô tiếp tục học về ĐD sân khấu tại trường Royal Academy of Dramatic Art ở London. Cuộc sống hiện tại của Phương Anh đi lại giữa New York, nơi cô sống và Việt Nam, nơi cô phát triển sự nghiệp điện ảnh.

Sau khi đã thực hiện vài bộ phim ngắn và tham dự, đoạt giải thưởng một số LHP trên thế giới, Nguyễn Phương Anh đã thực hiện bộ phim truyện dài đầu tay của cô, Vợ ba - kể về một cô gái trẻ mới 16 tuổi bị ép gả trong một cuộc hôn nhân sắp đặt với một người chồng lớn hơn rất nhiều tuổi. Phim có bối cảnh vùng đồng quê Việt Nam thế kỷ XIX với rất nhiều hủ tục truyền thống…

Kịch bản này của Phương Anh đã từng được nhận tài trợ của ĐD da màu nổi tiếng người Mỹ Spike Lee (ông là biên kịch, ĐD từng hai lần nhận đề cử Oscar) tại giải thưởng quỹ sản xuất phim do ông sáng lập vào năm 2014. Sau đó nó tiếp tục giành được một vài giải thưởng và tài trợ quan trọng khác tại Mỹ, Hongkong và giành chiến thắng tại Gặp gỡ mùa thu 2015.

The he cat canh
Một cảnh trong phim Vợ ba của Phương Anh

Cũng đang chuẩn bị thực hiện dự án phim dài đầu tay là Lê Bảo, một ĐD trẻ tay ngang thế hệ 9X. Đam mê điện ảnh khiến chàng thanh niên này quyết tâm tự học ĐD và đã thực hiện vài bộ phim ngắn (trong đó có phim ngắn Mùi giành giải cao nhất tại Yxineff năm 2015).

Vị là bộ phim dài đầu tay của Lê Bảo, kể về cuộc sống vật lộn mưu sinh của một người đàn ông da đen châu Phi tại Sài Gòn, nơi được coi là miền đất hứa của anh ta. Và để có tiền đưa gia đình sang Việt Nam đoàn tụ, người đàn ông này không nề hà bất cứ việc gì, kể cả đi phục vụ những quý bà lớn tuổi cô đơn ở Sài Gòn.

Việc xin tài trợ cho một dự án phim dài như Vị chắc chắn rất khó khăn, nên Lê Bảo và ê kíp của mình phải thực hiện từng bước một, bằng cách quay một bộ phim ngắn demo để giới thiệu về dự án và kêu gọi đầu tư. Đầu tháng 12/2016, Vị của Lê Bảo đã giành chiến thắng với hạng mục Dự án triển vọng nhất trong lễ trao giải Màn Bạc (Silver Screen Awards) tại Singapore.

Trong nhóm những ĐD trẻ đang bắt tay thực hiện bộ phim dài đầu tay, với dòng phim độc lập và nghệ thuật mà mục tiêu là hướng đến các LHP quốc tế, còn có Trần Dũng Thanh Huy với dự án Ròm và Phạm Ngọc Lân với Con culi không bao giờ khóc. Trần Dũng Thanh Huy từng thành công với bộ phim ngắn 16h30, kể về cuộc sống của những đứa trẻ đường phố bán vé số ở Sài Gòn.

Sau khi giành giải cao nhất tại Yxineff, Huy đã mang bộ phim đến LHP Cannes, được mời đến Hollywood… Ròm, bộ phim được phát triển từ bộ phim ngắn 16h30 đã thực hiện xong phần quay.

Còn Phạm Ngọc Lân, anh chàng tốt nghiệp trường Kiến trúc lại chọn điện ảnh làm nghề nghiệp của mình cũng thành công bước đầu khi bộ phim ngắn Thành phố khác (Another City) được chọn vào hạng mục Phim ngắn dự thi tại LHP Berlin danh giá, đoạt vài giải thưởng tại vài LHP quốc tế khác dành cho phim ngắn.

Điện ảnh là một bộ môn nghệ thuật nhiều hào quang nhưng cũng lắm nghiệt ngã, con số người thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay so với những kẻ thất bại và thậm chí chôn vùi cả tuổi thanh xuân của họ. Nhưng không gì có thể ngăn cản được niềm đam mê của những người trẻ tuổi. Và hãy chờ đợi một thế hệ điện ảnh trẻ cất cánh trong tương lai
không xa! 

Nhà báo Lâm Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI