Thế hệ Boomerang

23/06/2013 - 07:40

PNO - PNCN - “Thế hệ Boomerang” là khái niệm để chỉ tình trạng những người trẻ trưởng thành chọn cách thức trở lại sống chung với cha mẹ sau một quãng thời gian ở riêng. Sự xuất hiện của thế hệ Boomerang là một phần hệ quả từ...

The he Boomerang

Ảnh minh họa: Internet

Sau khi tốt nghiệp hạng khá trường đại học Birmingham khoa Địa chất và quy hoạch hồi năm ngoái, Callum Thompson (21 tuổi) quyết định về “tạm trú” ở nhà bố mẹ. Theo Callum, như thế này thì đỡ hơn, cô không phải vất vả nấu nướng và giặt giũ như khi ở nội trú tại trường, dù rằng cô cũng nuối tiếc tự do và khoảng không gian riêng của mình.

Tương tự, Nick Bound (22 tuổi) đang ở nhờ bố mẹ tại Holybourne, Hampshire. Nick rất thất vọng vì anh không thể nào kham nổi cuộc sống ở Guildford, khi giá thuê nhà tăng vọt. Anh biết ơn bố mẹ vì những bữa ăn nóng sốt, nhưng không khỏi nghĩ ngợi là mình đang “gặm” dần món tiền hưu ít ỏi của họ. Hơn nữa, những va chạm của hai thế hệ sau nhiều năm không sống chung là không thể tránh khỏi.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Mỹ. Với tỷ lệ 1/10 người trẻ không có việc làm, chuyện quay lại ở nhờ bố mẹ là tất yếu. Erin Steinke (22 tuổi) tốt nghiệp đại học khoa phim ảnh, anh ngậm ngùi: “Tôi vẫn nghĩ viễn cảnh sau tốt nghiệp là có việc làm, lập gia đình và sinh con, vậy mà bây giờ vẫn phải ở nhờ bố mẹ, đúng là một bước thụt lùi”.

The he Boomerang

“Thế hệ Boomerang” quay về nhà cha mẹ “tạm trú” - Ảnh mang tính minh họa

Thống kê tại Anh cho thấy, khoảng ba triệu người ở độ tuổi 20-34 vẫn còn sống chung với bố mẹ, con số tăng lên đến 500.000 so với 15 năm qua đã vẽ lên bức tranh đáng lo ngại. Tình hình dự báo ngày càng xấu đi vì giá nhà vẫn tăng cao, tình trạng thất nghiệp vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Tại Mỹ, 63% người ở độ tuổi 18-34 nói họ có bạn bè hoặc người thân phải trở về sống bám bố mẹ vì khó khăn kinh tế. Có 19% số người ở độ tuổi 18-34 vẫn còn nhờ viện trợ tài chính từ phụ huynh trong lúc 42% trong số họ đã tốt nghiệp đại học.

Với các bậc cha mẹ, việc con cái ở chung đương nhiên không có nhiều phàn nàn. Bố của Erin cho biết, vợ chồng ông hoàn toàn ủng hộ con gái dọn về ở chung để dành dụm tiền mua nhà trả góp. Ông bà hơi băn khoăn không biết có nên bắt Erin góp tiền nhà không, để cô có trách nhiệm hơn, nhưng như thế thì cô chẳng dành dụm được nhiều. Thay vào đó, ông bà giao cho cô nấu nướng vào một số ngày trong tuần và chăm sóc vườn tược. Về phía người trẻ, họ tận hưởng được sự chăm sóc của bố mẹ, nhưng cũng băn khoăn vì sự khác biệt giữa hai thế hệ, ví dụ: những phương tiện như Ipod, Iphone, laptop với họ là vật “bất ly thân”, còn phụ huynh lại cho đó là sự xa xỉ.

The he Boomerang

Ảnh minh họa: Internet

Các nhà xã hội học lo ngại, kéo dài độ tuổi sống chung với cha mẹ, trước mắt dẫn đến mâu thuẫn nhỏ trong gia đình. Các bậc cha mẹ khó có thể tận hưởng tuổi già vì hy sinh tài chính cho con cái. Con cái ở chung với bố mẹ thì mãi không trưởng thành, và khó có những cột mốc trong cuộc đời như tìm bạn đời, lập gia đình, có con...

Sâu xa hơn, nếu vấn đề này kéo dài, sẽ xảy ra khủng hoảng nhà cửa. Khi số người trẻ không ra riêng được càng đông, số người có điều kiện di chuyển sang thành phố khác sẽ thu hẹp, dẫn đến hạn chế khả năng kiếm được việc làm, cũng như không phát huy hết khả năng của giới trẻ. Như vậy, vòng luẩn quẩn thất nghiệp lại tiếp tục.

Ngoài ra, sẽ có thêm nhiều người không có khả năng lập gia đình, sinh con vì không đủ tài chính tạo dựng mái ấm riêng, cũng như sẽ càng nhiều nhân lực bị lãng phí chỉ vì họ không đủ tài chính để tìm đến những miền đất mới với nhiều việc làm hơn. Đây là bi kịch lớn cho những người trẻ thuộc thế hệ Boomerang.

PHAN QUỲNH DAO
(Tổng hợp từ The National, The Independent)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI