The Hater là câu chuyện về Tomasz, một sinh viên trường Luật bị đuổi học vì đạo văn, tìm cách để được vào làm việc tại một công ty dịch vụ chuyên hạ bệ hoặc “tẩy trắng” cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội, theo đơn đặt hàng. Bộ phim mở ra với hàng loạt sự việc đang diễn ra trong thực tế cuộc sống: những cuộc hạ bệ uy tín, lật đổ người nổi tiếng nhằm cạnh tranh mức độ ảnh hưởng, vì chính trị, vì tình ái riêng tư…
Không dừng ở đó, phim phơi bày những thứ xảo trá của một tầng lớp được gọi là “giới tinh hoa” – những con người luôn xuất hiện với vẻ chỉn chu, lịch thiệp và hiểu biết, nhân ái nhưng thực chất, họ sẵn sàng vứt bỏ và luôn miệng giễu cợt người khác.
Ngày Tomasz đến thăm gia đình Krasucka - một gia đình thượng lưu có mối quan hệ mật thiết với chính trị gia Paweł Rudnicki (Maciej Stuhr), cũng là nhà tài trợ học phí cho cậu - chàng sinh viên trẻ nhận ra họ không tử tế như vẫn thể hiện.
Từ những nhận xét “cháu thật dễ thương”, “thật vui vì giúp được cháu”, “cám ơn cháu thật nhiều”… rẽ ngoặt thành “lỡ cậu ấy cứ đeo bám chúng ta” cùng sự khinh bỉ chỉ ngay khi Tomasz vừa khuất sau cánh cửa nhà này. Ngay cả Gabi, cô gái mà Tomasz thích, cũng dành cho anh sự vui vẻ giả tạo. Tomasz nhận ra, với xã hội này, những kẻ ở tầng lớp thấp như cậu, sẽ mãi mãi không được nể trọng.
Kịch tính của phim bắt đầu từ “nhận thức” đó của Tomasz, để rồi phơi bày ra một thực tế khác, rằng dù được khoác lớp áo nào, bằng những ngôn từ phỉnh phờ nào, xã hội rốt cuộc cũng được điều hành bởi một tầng lớp duy nhất - tầng lớp thượng đẳng, giàu có, trí thức, khoác trên mình lớp áo nhân nghĩa mỹ miều. Và thực chất, ở tầng lớp đó là cuộc chạy đua bẩn bựa bằng đủ những trò dối trá, thông qua các công ty bôi nhọ trên mạng mà Tomasz sau đó có dự phần.
Cậu thử việc một tháng với nhiệm vụ đầu tiên là tìm cách lật đổ một nữ “ngôi sao mạng”. Ngày “ngôi sao mạng” ấy tuyên bố đóng tài khoản và khóc nức nở cũng là ngày Tomasz ghi chiến tích đầu tiên, để được trở thành nhân viên chính thức với nhiệm vụ quan trọng hơn: hạ bệ, ngăn đường tranh cử của một chính trị gia.
Sự dối trá của xã hội thật đã được nhìn thấu bằng công cụ mạng xã hội (ảo). Sự dối trá ấy không chỉ hiển hiện ở gia đình thượng lưu kia, mà còn ở tính hai mặt của công ty nơi Tomasz làm việc – nhận tiền cả 2 “phe”: trong khi Tomasz phải tìm “chiến lược” hạ bệ chính trị gia thì một nhân viên khác trong công ty làm công việc ngược lại - “tẩy trắng” những khuyết điểm, nâng tầm uy tín của người này lên.
Cái ác đã ở sẵn trong con người Tomasz, nay được mạng xã hội làm phương tiện để “kích” nó lên, hay mạng xã hội đã khiến Tomasz biến chất? Đó là câu hỏi còn đeo đuổi người xem khi những hình ảnh cuối cùng của phim khép lại.
Từ cậu trai trẻ nhiều mặc cảm, Tomasz trở thành kẻ giết người hàng loạt bằng bàn tay của người khác. Từ một sinh viên rụt rè, lo lắng mình không xin được việc làm, trong túi không có một xu, Tomasz trở thành kẻ kiểm soát và thao túng người khác. Tomasz khiến gia đình thượng lưu kia tan nát, cậu ra lệnh, đưa ra yêu cầu và bà chủ của cậu phải tuân theo.
Kết phim, Tomasz có tất cả những gì mình muốn, và đó là sự chiến thắng của cái ác trong bối cảnh xã hội đầy rẫy những giả tạo và thủ đoạn ngầm. Từ xã hội ảo, Tomasz điều khiển xã hội thật. Những kẻ viết nên những luật lệ ở đời thật, sau cùng lại bị một người vốn được xem ở tầng lớp dưới lật đổ, từ xã hội ảo.
Bối cảnh The Hater là những gì được nhìn thấy ở đây, ở kia trên thế giới này, dù đó là Á hay Âu, là ngày hay đêm. Mỗi ngày, trên mạng xã hội, hàng trăm câu chuyện được tạo ra, gây ồn ào, thổi phồng, hạ bệ và hủy diệt vẫn đang hiện diện, nhân danh rất nhiều điều to lớn. Như trong The Hater, những cụm từ “sự xâm lấn văn hóa”, “giá trị truyền thống bị xâm thực”… được sử dụng như một con dao bén ngót. Tất cả chỉ để phục vụ cho mưu đồ bôi nhọ người khác một cách tàn ác, dù điều đó có thể dẫn đến cái chết của người bị bôi nhọ. Nhưng có sao đâu?!
Mở đầu phim là cảnh Tomasz được đón tiếp ở nhà Krasucka và được tặng những ngôn từ giả trá. Cuối phim, vẫn là bối cảnh ấy, sự đón tiếp và ngôn từ giả trá ấy. Chỉ có Tomasz là đã khác. Từ một kẻ ở tầng lớp dưới, chịu sự chi phối hà khắc của luật lệ (bị đuổi học vì đạo văn), giờ Tomasz là kẻ nắm trong tay luật lệ. Cái ác lên ngôi, mạng xã hội thống trị hành vi đời thật, đó chính là điều nhức nhối mà phim khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Hạ Di