Nhật Bản loay hoay giải quyết nền kinh tế già nua giữa chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

02/10/2019 - 06:00

PNO - Thuế suất tiêu thụ của Nhật Bản tăng lên mức 10% từ ngày 1/10 sau khi hai lần trì hoãn, giữa lúc chính phủ đau đầu vì bài toán an sinh xã hội do dân số già hóa và giảm tỷ lệ sinh.

Động thái đầy mạo hiểm được đưa ra sau khi văn phòng nội các hạ bậc đánh giá về nền kinh tế Nhật Bản lần đầu tiên sau ba năm. Các chỉ số sản xuất, nhà ở và bán lẻ phản ánh các dấu hiệu yếu kém, trong khi các số liệu kinh tế quý đầu tiên vào tháng 5 cho thấy sự suy giảm - đặc biệt khi tác động của chiến tranh thương mại của Mỹ - Trung lan rộng ở châu Á.

Nỗ lực trẻ hóa nền kinh tế dường như không hiệu quả

Khi vừa nhậm chức vào tháng 12/2012, Thủ tướng Shinzo Abe bắt đầu vận động các biện pháp kích thích tài khóa, nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ và cải cách cơ cấu mà giới chuyên gia thường gọi tắt là “Abenomics”.

Ba hướng đi trên được thiết kế nhằm tăng cường vai trò chiến lược, kinh tế của Nhật Bản ở châu Á và nhằm đối trọng với Trung Quốc.

Giới đầu tư từng kỳ vọng cao rằng chính sách tiền tệ sẽ thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản sau nhiều năm giảm phát, đình trệ khi Haruhiko Kuroda - cựu chủ tịch của Ngân hàng Phát triển Châu Á - tiếp quản Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) năm 2013.

Một chiến lược khéo léo được đưa ra, theo đó BOJ cho phép lãi suất giảm xuống mức 0, hoặc thậm chí là mức âm; đồng thời mua trái phiếu chính phủ và các tài sản tài chính khác từ những ngân hàng thương mại, giúp bơm tiền vào nền kinh tế Nhật Bản, thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng và tăng chỉ số giá trở lại.

Động thái này tạo ra “tấm ngân phiếu  trống” cho ông Abe, và đẩy số nợ chính phủ tăng vọt lên 220% tổng sản phẩm quốc nội.

Nhat Ban loay hoay giai quyet nen kinh te gia nua giua chien tranh thuong mai My - Trung
Giữa những nỗ lực kích cầu nội địa như giảm giá thực phẩm, giảm thuế mua xe và nhà ở hay tăng cường thanh toán không tiền mặt, Nhật Bản vẫn phải tăng thuế tiêu dùng nhằm bù đắp nợ công.

Tuy kế hoạch rất hoàn hảo về mặt lý thuyết, Nhật Bản vẫn không thể loại bỏ giảm phát hoặc đến gần mức tăng trưởng 3% mỗi năm như ông Abe tuyên bố. Vấn đề càng phức tạp hơn trên thị trường quốc tế.

Trong khi chính sách của BOJ giữ đồng yên ở mức mà Nhật Bản có thể cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu; nhu cầu toàn cầu đang bắt đầu chùn bước dưới chính sách kinh tế của Donald Trump, Mỹ và mối đe dọa chiến tranh thương mại. Nói cách khác, Nhật Bản không thể thúc đẩy xuất khẩu và lợi nhuận khi không ai muốn mua.

Mũi tên cuối của “Abenomics” là cải cách cấu trúc nền kinh tế, nhưng trong trường hợp của Nhật Bản, “cấu trúc” ngày càng lão hóa nhanh và cần thay mới hoàn toàn từ nền tảng căn bản.

Dân số trong độ tuổi lao động tại Nhật Bản giảm từ 80,6 triệu năm 2012 xuống còn 76 triệu vào năm 2017, thúc đẩy các biện pháp khẩn cấp nhằm tăng tuổi nghỉ hưu và đưa thêm phụ nữ vào lực lượng lao động. Đồng thời, Nhật Bản cần một nỗ lực quốc gia để giảm khoảng cách về giới, đề ra mục tiêu thu hút nhiều người nhập cư hơn và đẩy nhanh quá trình nhập tịch.

Nhật Bản bắt tay châu Âu để giảm ảnh hưởng từ Mỹ, Trung Quốc

Hôm 27/9, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản ký hiệp định quan hệ đối tác toàn diện nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư dựa trên quy tắc phát triển bền vững, và chống lại các rủi ro do từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Quan hệ đối tác EU - Nhật Bản bao gồm một loạt các lĩnh vực thương mại, kinh tế, giao thông và môi trường.

Các chuyên gia dự báo tranh chấp thuế quan kéo dài giữa EU và Mỹ có thể trở nên tồi tệ hơn vào tháng 10, vì Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến ​​sẽ công bố chính sách mới đối với các sản phẩm châu Âu trong bối cảnh vụ kiện Airbus.

Trong khi đó, EU vẫn đang nỗ lực đạt mối quan hệ kinh tế cân bằng hơn với Trung Quốc, mở ra thị trường khổng lồ và bảo vệ các công ty trí tuệ của Châu Âu.

Nhat Ban loay hoay giai quyet nen kinh te gia nua giua chien tranh thuong mai My - Trung
Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe dường như vẫn chưa đạt được kết quả mong đợi sau hàng loạt chính sách từ năm 2012.

Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe - phát biểu trên đường trở về từ cuộc họp Liên Hiệp Quốc ở New York: “Cho dù là một con đường hay cảng biển, khi EU và Nhật Bản thực hiện một điều gì đó, chúng tôi có thể xây dựng kết nối bền vững, toàn diện dựa trên các quy tắc pháp luật, từ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đến Tây Balkan và Châu Phi”.

Tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản hiện dưới mức 1,5% một năm và tiếp tục có dấu hiệu chậm lại. Vì vậy, rất khó để Nhật Bản bắt kịp nước láng giềng ở bên kia biển Hoa Đông.

Giữa động thái thoái lui của Mỹ khỏi khu vực, Nhật Bản cần quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ hơn với các quốc gia Đông Á, châu Âu. Trên vị thế nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và thị trường nợ lớn thứ hai thế giới, các lựa chọn trong tương lai của Tokyo sẽ có tác động tốt và xấu đến toàn cầu.

Tấn Vĩ (Theo Japan Today,SCMP, Eurasiareview)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI