Mối đe dọa Triều Tiên ‘lu mờ’ khi các lãnh đạo Đông Á gặp nhau

23/12/2019 - 09:05

PNO - Khả năng một cuộc đối đầu mới giữa Bình Nhưỡng và Washington phủ bóng lên cuộc gặp của lãnh đạo Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc đầu tuần này, khi có tin đồn mối đe dọa Triều Tiên có thể được tháo gỡ bởi nỗ lực ngoại giao.

Moi de doa Trieu Tien ‘lu mo’ khi cac lanh dao Dong A gap nhau
Thủ tướng Shinzo Abe tới Trung Quốc hôm 23/12 để hội kiến với Thủ tướng Lý Khắc Cường và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở Thành Đô vào ngày thứ Ba - Ảnh: Bloomberg

Hãng tin Reuters và báo Japan Times của Nhật đưa tin Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 23/12 dự kiến ​​sẽ có các cuộc gặp riêng rẽ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, sau đó, hai ông sẽ tới thành phố Thành Đô tham dự cuộc họp ba bên với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Mặc dù ba nhà lãnh đạo dự kiến tập trung thảo luận các vấn đề kinh tế khu vực và thế giới, nhưng vấn đề Triều Tiên dường như chắc chắn sẽ chi phối chương trình nghị sự.

Bình Nhưỡng ngày càng thất vọng vì việc họ ngừng các vụ thử tên lửa tầm xa và hạt nhân đã không đưa đến việc chấm hết các lệnh trừng phạt kinh tế khiến nước này tê liệt về kinh tế. Triều Tiên đã ra “tối hậu thư” đối với Mỹ khi đặt ra thời hạn chót 31/12 để Washington thay đổi quan điểm, nhưng phía Mỹ cho thấy họ “không bị lay chuyển”.

Một số chuyên gia tin rằng Triều Tiên có thể đang chuẩn bị thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, một quyết định có khả năng chấm dứt thỏa thuận năm 2018 của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy nói với báo giới hôm 19/12 rằng ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc “quan tâm đến việc bảo vệ sự ổn định và hòa bình của Bán đảo Triều Tiên và đang thúc đẩy một giải pháp chính trị cho vấn đề Triều Tiên”.

Trong khi đó, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên, Stephen Biegun, đã gặp hai nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc trong chuyến thăm hai ngày tới Bắc Kinh vào tuần trước, sau khi tiến hành các cuộc gặp tương tự ở Hàn Quốc và Nhật Bản trước đó như là những nỗ lực ngoại giao mới nhất để ngăn chặn cuộc đối đầu Mỹ-Triều. Tuy nhiên, Triều Tiên đã không đáp lại lời kêu gọi nối lại đối thoại của ông Biegun.

Bắc Kinh cùng với Nga đầu tuần trước đã đề xuất Hội đồng Bảo an LHQ dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt Triều Tiên trong một nỗ lực nhằm phá vỡ bế tắc hiện tại và xây dựng một sự hỗ trợ đối với Bình Nhưỡng.

Thanh Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI