Đông Nam Á cần cải thiện chất lượng báo chí để chống tin giả

22/12/2019 - 16:00

PNO - Từ Facebook đến Google, các học giả cho đến các nhà hoạch định chính sách đều đồng ý rằng, thông tin sai lệch và tin tức giả là một vấn đề đang ngày càng lớn.

Hầu như từ các chính phủ đến những tổ chức phi chính phủ, Facebook đến Google, các học giả cho đến các nhà hoạch định chính sách đều đồng ý rằng, thông tin sai lệch và tin tức giả là một vấn đề đang ngày càng lớn. Cái mà họ có xu hướng bất đồng là những giải pháp.

Dong Nam A can cai thien chat luong bao chi de chong tin gia
 

Luật Chống tin giả năm 2018 của Malaysia do chính phủ của đảng Barisan Nasional cầm quyền trước đây đưa ra bị chính phủ mới do đảng Pakatan Harapan lãnh đạo bãi bỏ. Thủ tướng Mahathir Mohamad lập luận: “Khi bạn có luật ngăn người dân phát đi các quan điểm, chúng tôi sợ rằng, chính phủ có thể lạm dụng nó, như đã từng xảy ra trong quá khứ. Chúng tôi không muốn bất kỳ chính phủ nào, dù là chính phủ này hay chính phủ tiếp theo, lạm dụng một đạo luật như vậy”.

Tại Indonesia, Luật Giao dịch điện tử gây tranh cãi cao đã được đưa ra năm 2008 để xử lý các bình luận trực tuyến và ngày càng được sử dụng để bắt giữ công dân vì đã tạo ra hoặc phát tán tin tức lừa bịp. 

Trong khi đó, các công ty công nghệ toàn cầu như Facebook, Google và Twitter đã chậm nhận ra vấn đề và thiệt hại mà nền tảng của họ có thể gây ra cho một xã hội dân chủ tiến bộ. Tại Đông Nam Á, các công ty này đã tài trợ cho các tổ chức “kiểm tra sự thực” có vai trò chống tin giả để gỡ các tin tức giả mạo đó xuống.

Năm nay, Facebook và Twitter dường như đã thử nghiệm một cách tiếp cận mới nhằm loại bỏ một cách minh bạch các nội dung bị coi là “hành vi không trung thực”. Đầu năm 2019, Facebook đã gỡ xuống hàng trăm tài khoản, trang và nhóm ở Indonesia được liên kết với một tổ chức có tên Saracen. Tổ chức này “thường đăng tin tức địa phương và chính trị, bao gồm các chủ đề như cuộc bầu cử sắp tới, cáo buộc gian lận bầu cử, quan điểm ứng viên và hành xử sai trái của các nhân vật chính trị”, theo Facebook. 

Tại Philippines, giữa năm nay, Facebook đã gỡ xuống 200 hồ sơ, nhóm và trang thuộc về ông Nic Gabunada - người được cho là chiến lược gia chủ chốt đằng sau các trang truyền thông xã hội và chiến dịch vận động của Tổng thống Rodrigo Duterte. Không giống như một số đợt triệt phá khác, Facebook quyết định nêu đích danh ông Gabunada. Tài khoản Facebook cá nhân của nhân vật này cũng bị gỡ xuống. 

Chuyên gia Ross Tapsell của Trường cao đẳng châu Á và Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc gia Úc nhận định, tin tức giả gia tăng là sự phản ánh cái mà ông gọi là “tình trạng rối loạn chức năng chính trị xã hội” ở Đông Nam Á - khu vực mà người dân lâu nay có xu hướng hoài nghi các phương tiện truyền thông chính thống và các nguồn chính thức. 

Theo ông, không thể tìm thấy giải pháp cho thông tin sai lệch trong các luật chống tin giả chung chung được ban hành trong khu vực. Cần có nhiều nỗ lực hơn để cải thiện phương tiện truyền thông chính thống và chất lượng báo chí trong vùng, cũng như xây dựng niềm tin giữa công chúng và các phương tiện truyền thông chính thức. 

Quang Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI