Cú sốc ở nơi danh giá nhất thế giới
|
Sau một năm, "ngọn lửa" #metoo đã lan tỏa tinh thần nữ quyền đến mọi ngóc ngách cuộc sống. |
Mùa Nobel năm 2017, không một gương mặt nữ giới nào được vinh danh mọi hạng mục. Danh sách nữ chủ nhân cho giải Nobel tiếp tục giậm chân ở con số 6 suốt chiều dài lịch sử, tính từ thời điểm giải Nobel năm 1901 ra đời.
Những tưởng viễn cảnh u ám tiếp tục bao trùm mùa Nobel năm 2018 khi lùm xùm bê bối đời tư của ông Jean-Claude Arnault - chồng nhà thơ Katarina Frostenson (thành viên chủ chốt trong Hội đồng Viện Hàn lâm Thụy Điển) bị phanh phui.
Ông này bị cáo buộc lạm dụng nhiều phụ nữ, trong đó có những cá nhân làm việc ở nhiều bộ phận thuộc Viện Hàn lâm tại Stockholm (Thụy Điển) và Paris (Pháp) suốt 20 năm qua. Trước áp lực sóng nóng #metoo, Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định hoãn trao giải Nobel năm 2018, chuyển sang năm 2019 để đảm bảo sự công tâm cho việc xét duyệt, đánh giá.
Ngay trước thềm Nobel năm nay, nhiều người dự đoán khó có gương mặt nữ lọt qua “khe cửa hẹp” vì dư luận vốn chỉ hi vọng nữ giới xuất hiện ở Nobel Văn chương. Nhưng tất cả vượt hơn cả sự mong đợi.
Nhà khoa học Donna Strickland (người Canada) đi vào lịch sử, trở thành gương mặt nữ thứ ba nhận giải Nobel Vật lý. Sau 55 năm, giải Nobel Vật lý mới vinh dự có được một nữ chủ nhân truyền cảm hứng, hi vọng cho thế hệ các nhà nữ khoa học kế tiếp.
|
Nhà vật lý học Donna Strickland (người Canada). |
|
Nhà hóa học Frances H. Arnold (người Mỹ) |
Chưa dừng lại ở đó, Nobel Hóa học tiếp tục vinh danh nhà khoa học người Mỹ Frances H. Arnold. Một mình bà "ẵm" phân nửa giải thưởng và nữa còn lại chia cho hai đồng nghiệp nam.
Bà là gương mặt nữ thứ năm nhận Nobel Hóa học, càng cho thấy giải thưởng này quý giá như thế nào đối với những phụ nữ chọn dấn thân cho sự nghiệp khoa học.
Danh hiệu Nobel được đánh giá mang tính nhân văn, tạo sự kết nối trong cộng đồng nhất chính là danh hiệu Nobel Hòa bình.
Kết quả đã khiến những ai ủng hộ phong trào #metoo thỏa lòng. Chiến thắng thuộc về hai nhân vật dành tất cả tâm sức bảo vệ tiếng nói, sự sống của những nạn nhân bị tấn công tình dục.
|
Chủ nhân giải Nobel Hòa bình Nadia Murad. |
Đó là bác sĩ Denis Mukwege, người đã dành phần lớn cuộc đời giúp đỡ, chữa trị cho hàng ngàn nạn nhân sống sót sau những trận đòn roi, cưỡng bức tình dục ở CHDC Congo.
Đó là nữ nạn nhân Nadia Murad, nhân chứng sống của cơn ác mộng kinh hoàng bị thành viên thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tấn công bạo lực, tình dục đến chết đi sống lại.
Nỗi đau tột cùng là động lực lớn nhất thôi thúc Nadia Murad phải lên tiếng, dành trọn phần đời còn lại nỗ lực cứu lấy những nạn nhân như mình.
Một mùa Nobel thật sự gây tiếng vang và được ví như lời hưởng ứng mạnh mẽ, đanh thép cho phong trào #metoo khởi xướng từ tháng 10/2017.
#metoo và cuộc cách mạng màu đen
|
Hàng loạt sao hạng A diện trang phục đen ủng hộ #metoo tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng. |
Hollywood là nơi phong trào #metoo bắt đầu và cũng chính từ đây, #metoo trở thành cách mà mọi người mở đầu câu chuyện, thể hiện rõ nhất tinh thần này là các lễ trao giải đình đám nhất làng phim ảnh.
“Phát pháo” đầu tiên thể hiện đậm nét tinh thần #metoo chính là lễ trao giải Quả Cầu Vàng. Từ khi sự kiện chưa diễn ra, truyền thông đã rầm rộ đưa tin về việc hàng loạt sao hạng A xuất hiện với trang phục đen, đồng loạt kêu gọi cho #metoo, ủng hộ phong trào nữ giới lên tiếng Time's Up.
Đến lễ trao giải Oscar, tinh thần này được tiếp nối và “bùng nổ” với những bài phát biểu giá trị, tạo cơn địa chấn buộc những ai Iiên quan phải suy nghĩ mình có thể làm gì.
Nữ diễn viên Frances McDormand sau khi đạt tượng vàng Oscar hạng mục “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” với nhân vật tô đậm tính nữ quyền đã nhấn mạnh đến hai từ “Inclusion Rider”, yêu cầu thực thi sự công bằng trong bảng điều lệ hợp đồng diễn xuất.
|
Tuần hành ngay trên thảm đỏ tại LHP Cannes. |
Rồi đến LHP Cannes, 82 nữ nghệ sĩ đang hoạt động trong ngành công nghiệp phim ảnh, dẫn đầu là Cate Blanchett trong vai trò Chủ tịch Hội đồng giám khảo đã cùng tuần hành trong ôn hòa lên tiếng cho quyền nói , quyền yêu cầu công bằng và lẽ phải trong ngành công nghiệp giải trí.
Mới đây nhất, những nhà tổ chức lễ trao giải Oscar thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh ngày 6/10 đã tuyên bố “Sáng kiến dành cho nữ giới”. Theo đó, họ sẽ khởi động chương trình kéo dài trong thời gian một năm liên tục cho các nhà làm phim, sản xuất là nữ giới thông qua các hoạt động chuyên môn, hỗ trợ nghề nghiệp, tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm phim ảnh của nữ giới và tạo điều kiện công bằng cho cơ hội thăng tiến của họ.
Tiếng nói từ Hollywood đã tạo sức ảnh hưởng lớn và dần “đổi màu” trong nhiều khía cạnh, và giờ đây, khi phong trào #metoo lan rộng trên toàn thế giới, nó lại tiếp lửa trở lại cho ngành công nghiệp giải trí, hứa hẹn sự thay đổ sâu rộng và toàn diện.
Minh Khôi