Thế giới vượt mốc 4 triệu người chết vì COVID-19, WHO cảnh báo các nước nới lỏng hạn chế

08/07/2021 - 07:17

PNO - Tiến sĩ Mike Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO, cảnh báo các quốc gia nên từ từ dỡ bỏ các hạn chế COVID-19 để không đánh mất những lợi ích đã đạt được.

Tiến sĩ Mike Ryan đưa ra cảnh báo không nhắm trực tiếp vào việc mở cửa trở lại, dỡ bỏ toàn bộ hạn chế của Thủ tướng Anh Boris Johnson nhưng ông lập luận rằng Anh đang tiến quá nhanh khi số ca nhiễm biến thể Delta tăng mạnh.

Ông Ryan nhấn mạnh đây là thời điểm cần hết sức thận trọng, mỗi quốc gia phải đưa ra quyết định của riêng mình về các biện pháp phòng ngừa COVID-19.

Đầu tuần này, tiến sĩ Ryan cũng đã cảnh báo về một “cơn sốt sớm trở lại bình thường”: “Tôi rất vui mừng cho các quốc gia đang kiểm soát được dịch bệnh. Nhưng xin hãy suy nghĩ một chút cho những người không có vắc xin. Các nước châu Mỹ ghi nhận gần 1 triệu ca bệnh mỗi tuần, châu Âu cũng vậy, có hơn nửa triệu ca mỗi tuần, dịch bệnh vẫn chưa kết thúc”.

Tiến sĩ Mike Ryan cảnh báo các nước thận trọng nới lỏng hạn chế COVID-19.
Tiến sĩ Mike Ryan cảnh báo các nước thận trọng khi nới lỏng hạn chế COVID-19

Nói về tốc độ mở cửa trở lại của các quốc gia, theo ông Ryan, các nước có tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 thấp nếu cộng thêm việc dỡ bỏ các hạn chế sẽ đe dọa tạo ra một “hỗn hợp độc hại” bùng phát dịch bệnh.

WHO một lần nữa kêu gọi các nước giàu có chia sẻ vắc xin để bảo vệ nhân viên y tế và những người cao tuổi dễ bị tổn thương ở các quốc gia có thu nhập thấp, trước khi mở rộng chương trình tiêm chủng cho trẻ em.

Bên cạnh đó, Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, thông báo "cột mốc bi thảm" hơn 4 triệu trường hợp tử vong: “Thế giới đang ở thời điểm nguy hiểm. Chúng ta vừa vượt qua cột mốc bi thảm với 4 triệu ca tử vong do COVID-19 được ghi nhận”.

Vấn đề làm thế nào, khi nào và nhanh chóng chấm dứt các hạn chế COVID-19 trên toàn thế giới đã trở nên gay gắt, trong bối cảnh các đợt bùng phát dịch liên quan đến biến thể Delta và sự mệt mỏi của công chúng với việc phong tỏa, đeo khẩu trang và các biện pháp phòng ngừa khác kéo dài.

Một số quốc gia dự định nới lỏng các hạn chế đối với các vấn đề đeo khẩu trang như Israel, đã buộc phải lùi lại khi dịch bắt đầu tái bùng phát. Hà Lan cũng đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế vào ngày 26/6 khi số ca nhiễm giảm và khoảng 2/3 dân số nước này đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin. Tuy nhiên, việc cho phép các quán bar, nhà hàng và hộp đêm hoạt động lại đã khiến số ca mắc mới ở Hà Lan tăng gấp đôi lên 8.000 ca trong tuần kết thúc vào ngày 6/7, khiến chính phủ nước này phải xem xét liệu họ có cần thực hiện hành động mới hay không.

Minh Hương (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI