Thế giới vượt mốc 1,5 triệu người tử vong vì COVID-19

04/12/2020 - 07:22

PNO - Đạt nhiều tiến bộ trong việc nghiên cứu và phát triển vắc-xin, tuy nhiên, số ca tử vong và nhiễm mới SARS-CoV-2 tiếp tục tăng cao kỷ lục tại các quốc gia trên toàn thế giới.

Số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu vượt mốc 1,5 triệu người

Thế giới đã vượt qua cột mốc nghiệt ngã với 1,5 triệu ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 3/12, khi một số quốc gia lên kế hoạch cung cấp vắc-xin vào đầu năm tới, để phá vỡ chu kỳ ngừng hoạt động và các biện pháp hạn chế.

Nhưng ngay cả khi tin tức tích cực mới nhất về vắc-xin Moderna cho thấy nó có khả năng tạo ra miễn dịch trong ít nhất ba tháng, thì một số quốc gia tiếp tục đánh dấu số ca tử vong và nhiễm mới virus tăng kỷ lục.

Ý ghi nhận 993 người chết, vượt mức cao nhất 969 người hồi đầu năm trong đợt bùng phát dịch lần đầu tiên vào mùa xuân. Còn Anh tính đến nay, đã báo cáo hơn 60.000 trường hợp tử vong.

Dịch COVID-19 tiếp tục gia tăng tại châu Âu và Mỹ.
Dịch COVID-19 tiếp tục gia tăng tại châu Âu và Mỹ

Trong khi đó, Iran, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Trung Đông, đã vượt mốc 1 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 ngay khi chính quyền xem xét nới lỏng các hạn chế.

Mỹ ghi nhận hơn 3.100 ca tử vong do COVID-19 chỉ trong 24 giờ qua, mức tăng lớn nhất kể từ đầu mùa dịch. Ngoài ra, số người Mỹ nhập viện vì COVID-19 lần đầu tiên đã vượt qua 100.000 ca và các ca nhiễm mới bắt đầu tăng lên đến 200.000 ca mỗi ngày.

Khi thế giới bắt đầu mệt mỏi với những hạn chế khiến nền kinh tế tê liệt, sự chú ý của mọi người đã đổ dồn sang cuộc đua vắc-xin. Ngày 1/12, Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt khẩn cấp vắc-xin COVID-19 để đưa vào sử dụng trong tuần tới.

Tương tự, mới đây, Pháp đã thông báo việc tiêm chủng COVID-19 của họ sẽ hoàn toàn miễn phí và bắt đầu vào tháng 1/2021 cho một triệu người già ở nhà hưu trí, 14 triệu người có nguy cơ nhiễm virus cao vào mùa xuân trong phần còn lại của dân số trong tháng 2.

Ông Joe Biden chọn các cựu quan chức của ông Obama lãnh đạo cuộc chiến COVID-19

Theo Politico, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã chọn hai cựu quan chức chính quyền dưới thời ông Obama cho các vai trò cấp cao trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, bao gồm cả việc bổ nhiệm Jeff Zient làm điều phối viên COVID-19 tại Nhà Trắng.

Cố vấn của ông Biden - Vivek Murthy sẽ trở lại vai trò của mình là Tổng y sĩ Mỹ nhưng với danh mục mở rộng hơn khi đại dịch tiếp tục hoành hành trên khắp đất nước.

Đối phó với dịch COVID-19 đã giết chết hơn 274.000 người Mỹ cũng như ảnh hưởng của nó lên nền kinh tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Biden sau khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1.

Ông Joe Biden chọn các cựu quan chức của ông Obama lãnh đạo cuộc chiến COVID-19.
Ông Joe Biden chọn các cựu quan chức của ông Obama lãnh đạo cuộc chiến COVID-19

Politico cũng cho biết thêm, Marcella Nunez-Smith, đồng chủ tịch ban cố vấn COVID-19 của ông Biden, sẽ đóng một vai trò trọng yếu trong công tác ứng phó với đại dịch của chính quyền sắp tới.

Thành viên lực lượng đặc nhiệm chống virus corona của Nhà Trắng hiện tại là ông Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm của chính phủ Mỹ đã lên kế hoạch về một cuộc đàm phán nội dung đầu tiên với chính quyền mới, nhằm thiết lập các ưu tiên và đảm bảo quá trình chuyển đổi suôn sẻ vào ngày nhậm chức.

Ông Fauci nhấn mạnh, dù trước đây ông đã nói chuyện với cả Zient và chánh văn phòng Nhà Trắng của ông Biden, Ron Klain, nhưng đây sẽ là cuộc thảo luận thực chất đầu tiên của ông với nhóm của ông Joe Biden.

Liên Hợp Quốc chỉ trích các quốc gia phớt lờ sự thật COVID-19

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres, đã chỉ trích các quốc gia bác bỏ sự thật về đại dịch COVID-19 và phớt lờ hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Ông Guterres phát biểu tại một phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc gồm 193 thành viên về COVID-19, cho biết căn bệnh này xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm ngoái và nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu; đến nay COVID-19 đã lây nhiễm cho gần 65 triệu người và giết chết hơn 1,5 triệu người.

“Ngay từ đầu, WHO đã cung cấp thông tin thực tế và hướng dẫn khoa học mà lẽ ra phải là cơ sở cho một phản ứng toàn cầu phối hợp. Thật không may, nhiều khuyến nghị trong số này đã không được tuân thủ. Khi các quốc gia đã chọn đi theo hướng riêng của họ, virus sẽ đi theo mọi hướng”, ông Guterres nói.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định cắt tài trợ cho WHO, chính thức có hiệu lực vào tháng 7/2021, đồng thời thông báo kế hoạch rời bỏ cơ quan có trụ sở tại Geneva vì cáo buộc đây là con rối của Trung Quốc. Đáng chú ý, căng thẳng âm ỉ kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm vì đại dịch tại các cuộc họp của Liên Hợp Quốc thời gian qua.

Chung Thu Hương (theo Reuters và AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI