Tên gọi “nhà container” vốn đã phản ánh chuẩn xác loại nhà ở này: tận dụng những chiếc container chở hàng để biến thành nhà ở. Từ những khối “lego khổng lồ“, con người sắp đặt, kết nối để sáng tạo ra nhiều hình thù nhà ở thú vị. Xu hướng này được cho là bắt nguồn từ hai kiến trúc sư người Úc: Todd và Di Miller, khi họ sử dụng những chiếc container cũ cho ngôi nhà của mình ở Brisbane.
Một chiếc container cỡ nhỏ nhất có diện tích khoảng 9,2m2. Tám chiếc container có thể tạo thành ngôi nhà hai tầng hoàn chỉnh với tổng diện tích lên đến 130m2. Thậm chí, nếu sử dụng hàng trăm chiếc container cùng một lúc, người ta có thể xây dựng cả một tòa nhà vững chãi.
Tại Việt Nam, nhà container chủ yếu được ứng dụng trong những công trình mang tính công cộng như quán cà phê, studio, khu phức hợp giải trí - nghệ thuật, nhà nghỉ… một phần vì theo xu hướng tối giản kiểu du mục (nomad) vốn đang rất thịnh hành trên toàn thế giới, một phần có lẽ vì người Việt vốn chuộng lối sống “ăn chắc mặc bền”, thích nhà cửa rộng rãi, kiên cố và ổn định.
Vì sao xu hướng nhà ở này lại được ưa chuộng trên thế giới? Trước tiên phải kể đến tính tiện dụng và tiết kiệm thời gian trong xây dựng. Những gì đội ngũ thiết kế phải làm chỉ là sơn sửa container cũ và sắp xếp nội thất, sau đó “giao hàng” cho khách. Vì thế, thời gian trung bình để xây dựng một căn nhà container chỉ vỏn vẹn khoảng 10 tuần. Bên cạnh đó, giá cả ít biến động, thân thiện với môi trường và mở ra không gian cho gia chủ tự do sáng tạo theo cách riêng của mình… cũng là những điểm sáng của nhà container.
|
|
Một nhược điểm của nhà container mà gia chủ nên lưu ý trước khi lựa chọn loại hình nhà ở này chính là, container rất chắc chắn ở các góc nhưng khá yếu ở phần nóc. Vì vậy, bạn cần “lợp” thêm phần mái ở phía bên trên để tránh tác động của thời tiết. Ngoài ra, thiết kế gợn sóng trên thành của container cũng là một cản trở không nhỏ khi muốn tạo cửa lớn hay cửa sổ cho ngôi nhà, bởi khi ấy, đội ngũ thiết kế chắc chắn phải gia cố lại. Và khi những chiếc container được xếp chồng lên nhau, gia chủ phải tốn một số tiền không nhỏ để hàn thật kỹ nơi tiếp giáp giữa hai container.
Trước khi đưa container vào trong thiết kế nhà ở, đội ngũ thiết kế bắt buộc phải tuân thủ những bước vệ sinh thật chặt chẽ, bởi với những chiếc container từng chứa hóa chất độc hại, nếu không được làm vệ sinh kỹ, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người ở. Ngoài ra, nhà ở container khá “kén” nội thất, vì không gian của chúng vốn không được thiết kế để kê vừa các món nội thất chỉ dành cho nhà ở rộng rãi, thoáng mát. n
Ở Việt Nam cũng có nhà container
Ngôi nhà này nằm ở ngoại ô Bình Dương, nơi có nhiều khu công nghiệp, công trình lớn và nhà cao tầng, khá gần với nhiều kho hàng, các địa chỉ mua bán container. Những yêu cầu về không gian sinh hoạt mang tính riêng tư, yên tĩnh được gia chủ cân nhắc khá kỹ trước khi chọn container làm vật liệu chính để xây dựng ngôi nhà của mình.
Ngôi nhà gồm hai tầng, trong đó container được đưa lên tầng 1 để chia làm 2 phòng ngủ, còn phòng khách, bếp và nhà vệ sinh được đặt toàn bộ tại tầng trệt.
Kiến trúc sư đã sử dụng thép sắt hộp 90x90mm và dầm sắt hộp 30x30mm để gia cố nhà. Nhờ vậy, ngôi nhà có kết cấu vô cùng vững chãi và không tốn nhiều chi phí cho phần móng.
Bên ngoài, ngôi nhà được bao phủ bởi lưới B40. Đây cũng là nơi những thân dây leo phát triển mạnh mẽ qua vài cơn mưa lớn. Một cách rất tình cờ, những mảng xanh mướt mát đã được tạo ra, làm mềm mại cho kiến trúc của ngôi nhà container.
Một số lưu ý quan trọng khi xây nhà container
Nếu bạn đã “phải lòng” phong cách nhà ở này và dự định ngôi nhà trong tương lai của mình có xuất xứ từ một khối container lạ mắt, vui nhộn thì đừng quên thực hiện những bước này trước khi tiến hành xây dựng:
• Tìm hiểu quy định của pháp luật về xây dựng nhà container và xin giấy phép xây dựng (nếu cần).
• Kiểm tra kỹ container trước khi mua để giảm thiểu sai sót, hư hao.
• Chỉ thực hiện hàn ở những vị trí cần thiết.
• Đảm bảo cách nhiệt. Sống trong khối thép vào mùa nóng ở xứ nhiệt đới như Việt Nam thật sự là vấn đề đáng quan tâm.
• Xây dựng hệ thống ống dẫn nước hợp lý.
• Có phương án chống gió hiệu quả vì những bức tường của nhà container sẽ dễ lung lay và tạo ra tiếng động khó chịu trước tác động mạnh.
|
Vân Phong - Phương Hà